Báo Xuân 2024

Một chữ duyên

09:08, 08/02/2024 (GMT+7)

Với nhiều người Hà Nội, Đà Nẵng từ lâu đã trở thành một điểm đến hấp dẫn. Ngược lại, ngày càng nhiều người Đà Nẵng ra làm việc, thăm thú Thủ đô, thậm chí do yêu cầu công tác, ở lại một thời gian dài ở Hà Nội. Dần dà có những mối giao lưu khá dễ thương, thú vị. Nên chăng xem đó là kết quả từ một chữ duyên…

Tôi có anh bạn người Đà Nẵng ra Hà Nội giữ cương vị tại một cơ quan Trung ương. Với nhiệm vụ ấy, anh đã qua 6 năm sống ở đất Thủ đô, trải đủ 6 lần xuân, hạ, thu, đông, với những kỷ niệm, con người, cảnh vật. Chừng ấy thời gian, dù là ở tuổi ngoại lục tuần, cũng đủ để hình thành những thói quen mới, khá thú vị.

Chuyện là, quý và thương anh phải xa gia đình vì việc chung, lâu lâu mấy anh em đồng nghiệp lại tụ hội nơi nhà công vụ anh tá túc. Có gì ngon, lạ cũng mang đến, cùng anh làm dăm chén. Cũng bởi vậy, mỗi lần về thăm nhà anh lại mang ra Hà Nội một món đặc sản quê hương, giản dị nhưng đậm hương vị xứ Quảng, đãi đằng anh em Hà Nội. Thường thì anh gọi điện hẹn từ lúc trước khi lên máy bay.

Cứ như vậy, suốt một thời gian dài, nhờ anh mà nhóm bạn chúng tôi, dù ở Hà Nội vẫn được thưởng thức những món ăn đầy hấp dẫn của xứ Quảng, từ bê thui Cầu Mống, gỏi cá trích Nam Ô, mì Quảng, cơm gà… đến cả những món dân dã, ít thấy trong nhà hàng như cá nục hấp cuốn bánh tráng xứ Quảng. Dần dà, không chỉ riêng tôi, mà nhiều anh trong nhóm đâm ghiền món ăn này, với vị cá nục tươi rói, ngọt và béo, cuộn với cọng rau muống non mướt, trong lớp bánh tráng Đại Lộc dai dai cùng loại nước chấm đặc biệt pha chế chính từ nước cá hấp cùng tiêu, tỏi, ớt, chanh, những gia vị đậm đà hương sắc miền Trung.

Còn với anh, mỗi lúc anh về thăm quê, chúng tôi hay gửi anh những thức quà Hà Nội như cốm Vòng, chả rươi, cam Canh, bưởi Diễn, rượu nếp Làng Vân...  để làm quà cho người thân, bạn bè ở Đà Nẵng. Anh cũng quen với cung cách ẩm thực của người Hà Nội, yêu bún thang, bún chả, bánh cuốn Thanh Trì, chả cá Lã Vọng… Anh cũng hiểu và thấy thú vị việc người Hà Nội và người miền Bắc, khi xới cơm, thường phải 3 lần. Ngược lại, mỗi khi mời anh làm thực khách, gia chủ không quên dọn chén nước mắm cùng đồ chấm riêng, tiếp thu một nét văn hóa đẹp của ẩm thực miền Trung.

Chính tôi, sau ngần ấy thời gian, đã thuyết phục được anh, một người xuất thân nhà giáo, nho nhã, ăn nói nhẹ nhàng, mạnh dạn bưng tô phở húp từng miếng nước dùng còn nóng hổi giữa tiết đông lạnh, một cái thú ẩm thực mà không phải ai cũng chấp nhận, nhưng thực ra là cách ăn phở từ xa xưa của người Hà Nội, khi mảnh đất này chỉ có những hàng phở gánh, thực khách chỉ có cách bưng bát phở trên tay mà xì xụp. Về phần mình, tôi cũng nhờ anh mà biết thưởng thức tô mì Quảng đúng cách, theo kiểu một tay cầm đũa, tay còn lại cầm trái ớt xanh để cắn ròn rôm rốp sau mỗi miếng mì và cũng thấy thiêu thiếu khi mâm cơm không có đĩa nhỏ gia vị đựng mấy tép tỏi, vài trái ớt hiểm cùng chùm tiêu xanh…

Và không chỉ có những món ăn. Đã có những ngày áp Tết, tôi cùng anh lên tận vườn đào Nhật Tân, kén cho được một cành đào ưng ý đem về Đà Nẵng chưng Tết. Ngược lại, dần dà, đôi người trong nhóm bạn anh ở Hà Nội đã có cái thú chơi mai vàng, mà khởi nguồn là những chậu mai nhỏ xinh anh mang ra từ xứ Quảng. Phải nói rằng, nhờ có anh và những bạn bè ở Đà Nẵng, mà thành phố đáng sống ở miền Trung ghi dấu trong tôi như một chốn đi về. Cũng nhờ thế trong một lần vào đón Tết miền Trung theo sự rủ rê của bạn bè, tôi tình cờ được biết cách chơi cúc khá hào sảng của người miền Trung, nhất là Đà Nẵng trong những ngày đón xuân.

Người Hà Nội cũng thích chơi cúc, và những bông cúc vàng đại đóa, móng rồng chỉ thật đẹp cữ đầu Đông, khi cái lạnh se se đã tràn về. Khi ấy mỗi gia đình Hà Nội thường chưng một bình cúc vàng ở phòng khách, màu vàng rực của những đóa cúc như làm ấm không gian ngày đông xứ Bắc. Thú thực là tôi đã ngỡ ngàng trước vẻ đẹp rực rỡ của những chậu cúc vàng, nhiều khi khá lớn được chưng hai bên cổng mỗi nhà dân, công sở, khách sạn… Một phong cách chơi hoa khá độc đáo, như muốn nói lên lời mời cùng tấm lòng hiếu khách của chủ nhân trong mùa xuân mới.

Ảnh tư liệu.
Ảnh tư liệu.

Lại cũng nhờ quyến luyến với Đà Nẵng, mà tôi được biết một phố hoa ngay trung tâm thành phố. Năm vừa rồi, hai vợ chồng tôi có dịp vào Đà Nẵng đúng ngày sinh nhật bà xã. Tìm chỗ mua hoa, nhất là mua hoa tặng vợ, không gì bằng hỏi các bà nội trợ. Áp dụng kinh nghiệm đó từ một ông “chồng quốc dân”, tôi được mấy chị trong nhóm khiêu vũ trước Tượng đài Mẹ Âu Cơ may mắn chỉ  ra chợ hoa Phạm Phú Thứ, kế hông chợ Hàn. Đây là nơi, mà theo các chị, lúc nào cũng có đủ loại hoa.

Dù đã vào Đà Nẵng nhiều lần, đó là lần đầu tiên tôi biết tới chợ hoa này. Một cảm giác thật dễ chịu. Dù là chợ chủ yếu bán sỉ, nhưng bà chủ tiệm hoa Thương Liền vẫn vui vẻ chọn cho tôi bó cẩm chướng tươi rói như còn ướt sương đêm. Đã vậy lại còn được khuyến mại những câu chuyện về chợ hoa và những làng hoa xưa của Đà Nẵng. Cứ nghĩ là chỉ đáp ứng nhu cầu người Đà Nẵng, không ngờ nơi đây còn là đầu mối đưa hoa đi Huế, Đông Hà và cả Hà Nội. Và có những lúc, chợ hoa Phạm Phú Thứ lại là nơi người yêu hoa Đà Nẵng đến tìm những loài hoa từ Hà Nội vào, như hoa loa kèn báo mùa hạ  hay cúc Họa My độ đầu đông, nhất là mỗi dịp Tết đến xuân về, khu phố Phạm Phú Thứ trở thành một khu chợ hoa xuân, nơi hoa xuân mọi miền đất nước khoe sắc. Điều thú vị là so với một vài nơi như Hà Nội, Huế… giá các loại hoa ở Phạm Phú Thứ khá rẻ. Có lẽ bởi vậy mà trên các chuyến bay Đà Nẵng - Hà Nội, tôi hay gặp những vị khách ôm những bó hoa được bọc kín, nâng niu cẩn thận.

Qua câu chuyện bà với Lê Thương, người tạo lập chuỗi shop hoa gia đình gồm những cái tên gắn với chữ Thương, Nhớ…được biết xưa Đà Nẵng cũng có làng chuyên trồng hoa ở Sơn Trà. Nay thì làng hoa xưa đã nhường chỗ cho những con đường ngang dọc, những công trình hiện đại. Mừng vì thành phố bên bờ biển ngày một hiện đại, song vẫn thoảng chút nhớ nhung, như đã từng  nhớ về những làng hoa Hà Nội như Ngọc Hà, Nghi Tàm, Quảng Bá một thuở… âu cũng là cái giá phải trả cho sự phát triển.

Có câu, “nhất ẩm, nhất trác giai do tiền định”- Một miếng ăn, hớp uống đều được định trước- Cũng có thể hiểu câu này một cách sâu xa hơn là mọi sự bắt nguồn từ chữ duyên. Phải chăng cũng nhờ có duyên mà tôi cùng anh bạn người Đà Nẵng quen nhau, quý nhau rồi lại bén duyên với hai vùng đất mà chúng tôi yêu quý để rồi làm phong phú, giàu có hơn cuộc sống của mình nhờ những trải nghiệm mới mà mối duyên ấy đem lại…

TẠ VIỆT ANH

.