.

Những ký ức khó quên

.

Quốc hội khóa XI nhiệm kỳ 2002-2007, tôi vinh dự được cử tri tín nhiệm bầu vào đại biểu đơn vị Đà Nẵng.

Tác giả tham gia phát biểu tại kỳ họp Quốc hội.
Tác giả tham gia phát biểu tại kỳ họp Quốc hội.

Trước khi ra Hà Nội tham dự kỳ họp đầu tiên (tháng 7-2002), anh Lê Diên khi ấy là Phó Chủ tịch HĐND thành phố với tư cách là người bạn (anh Lê Diên cùng học với tôi tại Trường Trần Quý Cáp - Hội An thời Trung học vào những năm 60 thế kỷ trước) vừa nói vui vừa như nhắn nhủ tôi: “Khi ông làm đại biểu HĐND tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng cũng như thành phố Đà Nẵng đã cho ra đời tập thơ vui phút giây thư giãn nhưng ra Hà Nội thì thôi nhé - Đó là đất kinh kỳ, nhiều sĩ phu”!

Đoàn Đà Nẵng lúc bấy giờ có 6 đại biểu do anh Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy làm trưởng đoàn.
Với trách nhiệm là đại biểu Quốc hội được cử tri gửi gắm niềm tin - đặc biệt trong đoàn chúng tôi có anh Nguyễn Văn An - Ủy viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Quốc hội là thành viên cùng với tính nghiêm túc của vị trưởng đoàn nên không riêng gì tôi mà các thành viên trong đoàn luôn tích cực nghiên cứu tài liệu tham gia đóng góp ý kiến xây dựng pháp luật, các hoạt động chất vấn, đề xuất các giải pháp quan trọng liên quan đến các vấn đề kinh tế-xã hội...

Tuy nhiên, hoạt động Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ không phải lúc nào cũng đạt được mong muốn của cử tri, của đại biểu - và trong những thời khắc như vậy, tôi lại quên khuấy đi lời dặn của anh Lê Diên nên đã ứng tác mấy câu thơ - như tâm trạng một người “tức cảnh sinh tình”.

Sáng ngày 18 tháng 5 năm 2004 , kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI, theo chương trình thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Phá sản. Lúc bấy giờ vừa giải lao giữa giờ vào, tôi là đại biểu đã đăng ký và được chủ trì kỳ họp khi ấy là anh Trương Quang Được - Phó Chủ tịch Quốc hội mời phát biểu tham gia luật này.

Tôi hăng hái đứng lên “Kính thưa chủ tọa kỳ họp, Kính thưa...” vừa phát đến đó bỗng từ trên trần khán đài - nơi chủ tọa và đoàn thư ký đang ngồi nước đổ xuống xối xả. Chị Thu Hương lúc bấy giờ là Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng tổ thư ký ai nấy đều bị ướt. Chủ tọa phải tạm dừng phần phát biểu của tôi để khắc phục sự cố.

Sau này Quốc hội được giải thích là do đêm qua khu vực Ba Đình mưa lớn quá nước đọng trên máng nhà không thoát được, tạo sức nặng và đến lúc bục ra tràn xuống hội trường. Rất may hôm ấy không có khách quốc tế. Song dù sao chứng kiến cảnh này, trong khi chờ đợi phát biểu trở lại, tôi đã ứng tác:

Đang trời quang mây tạnh
Bỗng dưng giữa hội trường
Nước ào ào đổ xuống
Ướt váy chị Thu Hương.

Nước ướt bàn thư ký
Nước viếng chủ tọa đoàn
Lần đầu tiên hội nghị
Quốc hội nhìn nước tràn.

Khá khen ông quản lý
Có kỹ thuật tuyệt vời
Hội trường mưa trẫy lộc - (*)
Vẫn nắng ráo ngoài trời!

Tháng 11-2015 tôi tháp tùng cùng đoàn cựu Đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ của hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng trong chuyến về nguồn và được Chủ tịch Quốc hội cho thăm Trụ sở Quốc hội mới hết sức khang trang, tôi đã cảm khái đọc lại bài thơ ứng tác trên trong bữa cơm chiêu đãi và có anh trong đoàn đã nói vui “Có lẽ do bài thơ của ông mà giờ đây Tòa nhà Quốc hội nguy nga hơn, đồ sộ hơn!”.

Sáng 10 tháng 6 năm 2004, trong phần trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về thực trạng giao thông xuống cấp, tai nạn giao thông ngày càng nhiều...

Bộ trưởng Bộ Giao thông lý giải đó là do các yếu tố khách quan như nhập xe tràn lan, lễ hội nhiều, luật pháp chưa đủ sức răn đe, các địa phương thiếu phối hợp, tình trạng mãi lộ tiêu cực trong kiểm soát giao thông... không có nguyên nhân nào thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ quản lý. Không đồng tình về cách trả lời thoái thác trách nhiệm này, tôi đã đúc kết lời phát biểu của Bộ trưởng bằng mấy câu thơ tặng Bộ trưởng:

Một do lễ hội quá nhiều
Hai do luật pháp thiếu điều răn đe
Ba do tăng trưởng nhiều xe
Bốn do các tỉnh e dè tham gia
Năm do tiêu cực gây ra
Cho nên tai nạn theo đà tăng lên
Còn ông sao lại lãng quên
Quản lý Nhà nước ghi tên chỗ nào?

Ngày 13 tháng 5 năm 2005, Chủ tọa kỳ họp dành một ngày để đại biểu tham gia sửa đổi Luật Giáo dục. Nhiều đại biểu phát biểu rất căng thẳng về đạo đức trường học xuống cấp, trình trạng dạy thêm học thêm tràn lan, tình trạng chạy theo thành tích bỏ rơi chất lượng giáo dục...

Hôm ấy lại đúng vào thứ sáu ngày 13, có đại biểu còn bâng khuâng tính khả thi của Luật Giáo dục sửa đổi nên nói vui “Đây là ngày xui nên luật ban hành không biết có đáp ứng với sự mong đợi về một cuộc “Cách mạng giáo dục” hay không? Ngẫm nghĩ vấn đề này, tôi đã ứng tác:

13 thứ sáu ngày xui
Thì thôi, bàn tới bàn lui làm gì?
Một ngày thảo luận qua đi
Hỏi ông giáo dục cứu nguy thế nào
Hay ông chỉ nói ào ào
Mạnh dạn đổi mới thế nào cũng xong
Nền giáo dục rối bòng bong
Báo nêu, Đài nói, ngoài trong thở dài!

Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là một nội dung quan trọng mà cử tri cả nước quan tâm. Nhưng đó cũng là nỗi lo lắng của các “Tư lệnh ngành” mỗi khi phải đăng đàn trả lời trước Quốc hội và được truyền hình trực tiếp cho cử tri và nhân dân cả nước giám sát.

Có Bộ trưởng nhận rõ được vấn đề trả lời đáp ứng với yêu cầu của đại biểu và nguyện vọng của cử tri. Song cũng có Bộ trưởng trả lời loanh quanh, né tránh. Chính vì vậy nhiều đại biểu không hài lòng và mong được truy vấn đến nơi đến chốn.

Song do vì khống chế thời gian nên không được chủ tọa cho phép - có lẽ vì điều đó mà đại biểu Mai Hoa của đoàn Nghệ An vừa kết thúc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn đã chuyển đến tôi mấy câu thơ:

Giới hạn ba ngày chất vấn thôi
Chương trình kỳ họp đã căng rồi  
Bâng khuâng giá cả tha hồ nhảy
Bức xúc đầu tư mặc sức trôi
Cứ hỏi, hỏi nhiều sao chẳng thấu
Đã trình, trình mãi vẫn không xuôi
Chất vấn làm ơn xin đổi cách
Thỏa nguyện lòng dân Quốc hội ơi!

Khi tôi viết những dòng hồi ức này cũng là lúc Quốc hội vừa kết thúc hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Với cách làm đổi mới trong hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn lần này đã tạo nên niềm tin và sự đồng thuận trong nhân dân đối với Quốc hội - dù rằng trong chừng mực nào đó, theo tôi, trách nhiệm của một số đại biểu, trách nhiệm của các tư lệnh ngành cần được điều chỉnh, cần được nâng lên để đáp ứng với xu thế phát triển của đất nước và sự kỳ vọng của nhân dân ngày một cao!

HUỲNH VĂN CHÍNH


(*) Tục té nước ở Lào là cầu may mắn, bình an và thịnh vượng.

;
.
.
.
.
.