.

Đến thăm ai đêm ba mươi

Chàng và nàng yêu nhau. Một tình yêu nồng cháy, khắc khoải. Có nhiều điều muốn nói với nhau nhưng chưa thể nói. Tình yêu vì thế có lúc trôi đi trong ngờ vực, mong manh. Chàng chọn đêm ba mươi để đến nhà nàng. Không gian phút giao mùa hy vọng sẽ làm nồng đượm hương yêu. Nhiều điều chàng muốn nói với nàng vào thời khắc thiêng liêng năm cũ chuyển sang năm mới. Chiếc lá vàng nhặt được từ người phu quét đường sẽ làm bằng chứng cho tình yêu vào cái lúc chàng rưng rưng cảm nhận không phải đất trời sắp Tết mà chính là lòng người đang Tết...

Văn, bạn tôi, có vẻ nhiễm nặng không gian trữ tình, lãng mạn từ đôi tình nhân trong bài hát của Vũ Thành An phổ thơ Nguyễn Đình Toàn cùng nỗi ray rứt về sự tan vỡ của mối tình đầu thơ mộng với Lan. Một chiều cuối năm họp mặt, anh ta cứ nhắc hoài ước muốn đến thăm người tình cũ với ý tưởng hào hứng về chiếc lá vàng nhắc nhớ anh không thể quên em.

Vài người can ngăn, bảo rằng chừ Lan đã yên phận dâu con, can chi gợi lại chuyện xưa chẳng may làm sứt mẻ hạnh phúc với chồng. Nhưng cũng không ít người thúc giục anh mạnh dạn với khát khao chính đáng. Có gì đâu, theo họ, chỉ đến thăm thôi mà. Ai trong đời mà chẳng trải qua xao xuyến tình đầu. Hẳn là Lan sẽ cảm động vì người tình cũ còn trân trọng kỷ niệm. Chồng Lan có thể đủ độ lượng cảm thông và thấy vợ mình càng thêm xinh đẹp, quyến rũ.

Biết bạn mình chân thành nhưng dễ xúc động, chúng tôi “hộ tống” Văn đến thăm người yêu cũ. Anh ghé chợ mua bó hồng tươi và tiện tay nhặt thêm một chiếc lá bắt đầu chuyển màu.

Dù đã được Văn nhắc đi nhắc lại rằng chồng Lan “không phải dạng vừa” nhưng chúng tôi quả bất ngờ trước thực tế nóng bỏng. Mở cổng đón bạn tôi là người đàn ông có khuôn mặt đanh như thép. Chiếc quần cộc phô thân hình cuộn lên từng thớ thịt cho thấy anh ta sẵn sàng ăn thua đủ với tình địch ngày nào. “Anh lại muốn gì đây?”, mắt chồng Lan nhìn thẳng mắt Văn với giọng điệu rõ là không dành cho khách đến thăm nhà đường đột vào tối ba mươi. Tội nghiệp bạn tôi, gương mặt Văn bỗng biến sắc. Dù đã lường trước rủi ro nhưng tình huống này thì quả là anh ấy chẳng hề mong đợi.

Cái khó khiến ló cái khôn! Người thông minh và lanh trí nhất trong nhóm chúng tôi là Nhật bỗng trở thành đấng... cứu thế lúc dầu sôi lửa bỏng. Từ phía sau, Nhật xăm xăm bước tới, giật lấy bó hoa trên tay run của Văn rồi tự đẩy cổng bước vào nhà trước cái dáng lực lưỡng của chồng Lan: “Anh vô phép quá! Chưa thấy ai đón khách như vậy bao giờ.

Chúng tôi được ủy nhiệm của Bộ trưởng L. đến chúc Tết bác trai, cán bộ hưu trí của ngành. Chẳng lẽ bác ấy không vui khi nhận hoa của người đứng đầu ngành!”. Giọng sang sảng của Nhật hẳn là vang tận phòng nghỉ của cụ già hưu trí. Từ trong nhà, ba Lan lọ dọ bước ra với gương mặt rạng rỡ, rối rít giục chàng con rể mau mau rước khách vào nhà.

Nhật sau đó làm tròn chức năng cán bộ đại diện ngành G. được ủy quyền đến thăm và chúc Tết cán bộ hưu trí tại địa phương. (Thật hú hồn cho chúng tôi, trên đường đến nhà Lan, Văn có kể rằng ba Lan ngày xưa là viên chức mẫn cán của ngành G.).

Cái lạnh lùng đầu cổng tan biến tự bao giờ. Phòng khách nhà Lan trở nên ấm áp với cuộc trò chuyện rôm rả xoay quanh cái được và chưa được của ngành G., đong đầy tâm sự của một viên chức đã về hưu nhưng hãy còn lưu luyến và tâm huyết với nghề. Đến lúc này, vẻ linh hoạt mới trở lại trên gương mặt Văn. Chúng tôi nhận ra bóng Lan thấp thoáng phía sau nhà. Cô ấy hẳn thót tim vì vừa thoát khỏi một tai họa... đêm ba mươi. Không thấy bóng dáng chồng Lan đâu nữa. Có lẽ anh ta hiểu tỏng nguồn cơn nhưng biết làm sao bây giờ khi thấy bố vợ mình cứ say sưa và sôi nổi hẳn lên với hồi ức ngành nghề!

Tất nhiên chẳng ai trong chúng tôi muốn ngồi lâu ở cái phòng khách dễ dàng xảy ra bất trắc ấy nên đành cắt đứt dòng hồi tưởng đang miên man sống động của ba Lan để vội vã cáo từ.

Từ dạo ấy, Văn vẫn xem Nhật là ân nhân cứu mình thoát hiểm ngoạn mục. Nhật thì ngạc nhiên về sự ứng biến khôn khéo của mình trong phút nguy nan. Còn chúng tôi, mỗi dịp xuân về, vẫn đem chuyện chiếc lá vàng đêm ba mươi để hâm nóng cuộc hội ngộ cuối năm. Trong tiếng cười ấm nồng tình bạn, chúng tôi nghiệm ra rằng con đường trở lại nhà người tình xưa chẳng bao giờ bằng phẳng dù vào thời khắc thiêng liêng và giàu độ lượng nhất là tối ba mươi!

Nguyễn Đình Xê

;
.
.
.
.
.