.

Đêm phương Nam nằm nghe...

.

Đã từng không biết bao lần có dịp ngồi trên những con thuyền du lịch rong chơi trên các dòng sông trong Nam ngoài Bắc, kể cả đôi khi lênh đênh thuyền trên biển rộng, đến những hòn đảo xa xôi, ấy vậy mà một lần du xuân bất ngờ được xuôi ngược thuyền bồng bềnh trên dòng sông Châu Đốc, thì quả là một giấc mơ dẫn dắt tôi lang thang vào cổ sử.

Thốt nốt An Giang. Ảnh: V.M.K
Thốt nốt An Giang. Ảnh: V.M.K

Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy/...Nghe một thuở hồng hoang ngựa qua bến sông...

Chẳng phải là tôi giàu có sự liên tưởng gì để ngẫu hứng vang vang khúc hát hòa ca với gió, mà là gió trên các dòng sông phương Nam, hay cụ thể là con sông Châu Đốc này là thứ cổ phong phóng túng, lang bạt phiêu bồng, thổi ầm ào qua sông như bầy ngựa hoang tung vó rong ruổi đường trường.

Nằm trên con thuyền trôi bềnh bồng giữa bốn bề gió ấy, tôi chợt nghe ra trong thanh âm của gió chất chứa đầy dư ba bước chân của tiền nhân một thời nào đó mở đất khai hoang.

Cũng có thể là khi đối diện với những chứng cứ lịch sử, tâm thế người ta thường rơi vào cái trạng huống phóng thể về một quá khứ huy hoàng nào đó để cho lòng hoài cổ lên tiếng.

Nhưng mà, dòng sông hiện hữu đang trôi chảy cùng với tôi đây, ngay cái ngã ba con sông Hậu và con sông Châu Đốc gặp nhau này, là con kênh Vĩnh Tế dài thăm thẳm ngày ngày xuôi đổ ra vịnh Thái Lan. Cái con kênh lịch sử ấy đang đồng hành với chúng ta chứ có thuộc về quá khứ nào đâu mà hoài cổ.

Vâng, có hoài cổ gì đâu, nhưng gió trên sông chừng như bất sá thời gian, bất sá mớ luận lí kinh điển Heraclitus không ai tắm hai lần trên một dòng nước, mà dẫn đường chỉ lối cho con người ta lặn ngụp cùng với những giấc mơ bất tận trên sông nước này.

Có một điều khá độc đáo là dường như những người mà tôi đã gặp ở đây hầu như ai cũng thông thuộc phần nhiều lịch sử đất đai xứ sở của mình. Bạn chớ hiểu lầm đấy là các hướng dẫn viên du lịch nghiệp dư như ta thường gặp ở nơi này, nơi kia tại những địa chỉ di tích văn hóa - lịch sử.

Trên suốt dặm dài du xuân một cách tùy hứng như tôi chọn, thú thật tôi chả gặp một hướng dẫn viên nào chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp. Nhưng điều này mới làm tôi ngạc nhiên, và đấy chính là nét độc đáo, đến độ có khi tôi tưởng mình quên đi chuyến du xuân nhàn tản mà trở thành người điền dã để... nghiên cứu chuyện đất và người nơi đây.

Đó là những con người bình dị giữa đời thường mà tôi gặp, ví như cô bé Vương Thị Sa My người Khmer ngồi chung con thuyền với tôi. Gặp một bạn đường nhỏ nhắn, vui tính, mà lại là học sinh một trường trung học ở Châu Đốc thì tôi chẳng phải lo lạc đường lạc ngõ. Vậy mà cô bé chưa qua cái tuổi thiếu niên này đã vượt xa hơn những điều tôi tưởng.

Trát của Thoại Ngọc Hầu gửi cho làng An Hải (Quảng Nam) nói về việc lập chợ Bà Thân.  (Ảnh tư liệu, A.C chụp lại)
Trát của Thoại Ngọc Hầu gửi cho làng An Hải (Quảng Nam) nói về việc lập chợ Bà Thân. (Ảnh tư liệu, A.C chụp lại)

Sau một hồi hỏi chuyện làm quen, tôi hỏi Sa My đường lên núi Sam bao xa? Thật bất ngờ, Sa My trả lời nhưng lại dẫn dắt qua một hướng khác: “Gần thôi bác, chắc là bác lên núi Sam viếng người đồng hương ở trên ấy”.

Trong khi tôi chưa hết ngạc nhiên, đứng ngây người nhìn cô bé Khmer vừa tỏ vẻ lợi khẩu vừa vui tính, thì Sa My tươi cười nói tiếp: “Bác lên núi Sam viếng lăng Thoại Ngọc Hầu chứ gì, cháu nghe cái tiếng Quảng của bác là biết liền”. Thì ra là vậy, nghe trò chuyện không thôi mà Sa My đã rõ quê quán của tôi rồi.

Nhưng cũng chỉ chừng ấy thông tin thôi, cô bé nhỏ nhắn này đã chứng tỏ thông thuộc quê hương bản quán của vị danh thần nằm trên Sơn Lăng kia. Biết thế cũng tức là thông thuộc tiểu sử Thoại Ngọc Hầu, người có công lớn trong việc đào các con kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà, xây dựng đường sá cầu cống phát triển kinh tế cho vùng đất này và cả vùng tứ giác Long Xuyên dưới thời vương triều Nguyễn. Một điều mà ngay cả người dân đất Quảng quê tôi không phải ai cũng biết.

Cho mãi về sau, trước giờ chia tay, tôi có hỏi Sa My: Chắc chắn cháu là một học sinh giỏi trong lớp? Sa My hồn hậu nói: “Không phải học giỏi gì bác ơi, ở Châu Đốc này ai cũng biết về Thoại Ngọc Hầu, ngày Tết trên Sơn Lăng người ta còn cúng ông rất lớn.

Hóa ra câu chuyện là thế này: Cách đây hơn năm năm, nhân kỷ niệm 180 năm ngày mất danh thần Thoại Ngọc Hầu, thành phố Châu Đốc đã tổ chức Lễ hội đường phố, rước linh vị ngài từ đình Châu Phú về tới Sơn Lăng nằm dưới chân núi Sam, với sự tham gia của đông đảo nhân dân Châu Đốc. Từ Lễ hội đó, người dân ở đây dường như ai cũng thuộc lòng tiểu sử của danh tướng Thoại Ngọc Hầu, thuộc cả quê gốc của ông tại làng An Hải, huyện Diên Phước, tỉnh Quảng Nam, nay là thành phố Đà Nẵng.

Thì ra người ta làm lễ hội, không chỉ để bày tỏ lòng biết ơn với tiền nhân đã có công khai phá mở mang xây dựng vùng đất này, cũng không chỉ là để quảng bá hình ảnh đất và người Châu Đốc, mà còn gắn kết những bài học lịch sử ăn sâu vào tâm thức đại chúng, cắm rễ sâu vào đó để gìn giữ những giá trị di sản thiêng liêng, mà nếu vô tâm, người ta dễ dàng quay lưng bội bạc ngay trên quê hương xứ sở của mình.

Trong khoảnh khắc ưu tư ấy, tôi lấy cái cuốn “cẩm nang” dẫn đường trong túi xách ra, đây là tập sách viết về “Thoại Ngọc Hầu và những cuộc khai phá miền Hậu Giang” của Giáo sư Nguyễn Văn Hầu. Rồi như một cử chỉ hoàn toàn vô thức kiểu bói Kiều, tôi mở sách ra nhìn lướt qua, ai ngờ lại rơi đúng vào cái trang văn tế mà Thoại Ngọc Hầu đã đọc trong buổi lễ “Tế cô hồn Vĩnh Tế kinh”:

...Năm năm trước đây, thần (Thoại Ngọc Hầu) phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi Thoại (Thoại Sơn). Đến nay hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế,  rằng có đức dày trong đường lễ giáo bên trong biết giúp đỡ chồng, một lòng trung thành bền chặt, có chút công lao nên xuống lệnh ban cho tên núi là Vĩnh Tế Sơn.

Đến nay ánh sáng sớm sương tan, bóng chiều tà ráng rọi, cây rậm rạp khoe xanh, cỏ la đà phô thắm. Bụi sạch trên đường, lên cao ngắm nhìn, dòng sông trải lụa, khách đi qua buông chèo nhàn ngoạn, tay trỏ non xanh cùng nói với nhau: Đây là núi Vĩnh Tế do vua ban đó...

Sở dĩ tôi trích hơi khá dài văn bia là bởi không một mô tả nào về sau viết về núi Sam (Vĩnh Tế Sơn) thực hơn và đẹp hơn văn bia này. Đây không chỉ là di sản văn hóa, mà còn là hồn thiêng núi sông, người xưa đã khảm khắc vĩnh hằng vào núi non này.

Dường như gió trên sông càng về khuya lại càng rõ những âm vọng đánh thức niềm xao xuyến trong tôi. Những con thuyền chở khách du lịch thưa thớt dần dần, mặc dầu vậy dòng sông vẫn dập dềnh quang ba phản chiếu từ ánh điện của những cái làng nổi trên sông soi rõ từng đám lục bình trôi dạt vào nhau trên dòng sông vắng.

Bước lên bờ, về đến tận nhà nghỉ rồi mà khí vị trên sông còn chập chùng câu hát như ru giấc ngủ của tôi vào tiếp những cơn mơ: Đêm phương Nam nằm nghe dòng sông nước chảy...!

Sài Gòn- Đà Nẵng, tháng Giêng 2016

NGUYỄN NHÃ TIÊN

;
.
.
.
.
.