.

Cựu chiến binh cảm hóa, giáo dục người lầm lỡ

.

Quận Liên Chiểu là địa bàn có diện tích rộng, mật độ dân cư đông, trong đó một bộ phận thanh-thiếu niên đến tạm trú không có việc làm, nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp, nhất là tình trạng sử dụng trái phép chất ma túy. Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Chủ tịch Hội CCB quận Liên Chiểu cho biết, để giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn, Hội CCB quận luôn xác định trước hết phải làm tốt công tác phòng ngừa tội phạm ngay tại cơ sở.

Do đó, ngay từ đầu, các hội viên đã ý thức được công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng lầm lỗi tại cộng đồng dân cư là một việc làm hết sức cần thiết. Những năm qua, Hội CCB quận phối hợp với lực lượng Công an quận, đoàn thể địa phương chủ động thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật tại cộng đồng dân cư; đồng thời làm tốt việc cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ đối tượng lầm lỗi trở thành người tiến bộ.

“Để công tác cảm hóa, giúp đỡ thanh-thiếu niên nghiện ma túy được triển khai đồng loạt, hiệu quả, Hội CCB quận đã phân công hội viên ở cơ sở nắm rõ tình hình, sau đó đề xuất các phương án hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng riêng biệt, từng bước tiếp cận để vận động, tuyên truyền pháp luật và định hướng lối sống, hỗ trợ sinh kế cho các đối tượng lầm lỡ”, ông Nguyễn Văn Bình chia sẻ.

Theo đó, từ năm 2011-2015, Hội đã cảm hóa, giáo dục 212 đối tượng, trong đó có 170 đối tượng đã tiến bộ… Riêng năm 2016, cho Hội CCB quận Liên Chiểu để quản lý, cảm hóa 8 đối tượng vi phạm ma túy lần đầu, đến nay có 5 em tiến bộ; các hội viên từ quận đến cơ sở vẫn tiếp tục theo dõi, vận động sâu sát. Cùng với đó, Hội còn vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất của hội viên CCB nhận các đối tượng đã tiến bộ vào học nghề miễn phí và tạo công ăn việc làm ngay chính cơ sở học nghề, mang lại thu nhập ổn định, từ đó giúp các đối tượng không tái phạm.

Mặc dù tuổi đã cao nhưng CCB Trương Thị Kim Anh (KDC Hòa Phú 1A, phường Hòa Minh) vẫn kiên trì, miệt mài với công tác vận động để từng bước cảm hóa, giáo dục những đối tượng thuộc diện quản lý, giáo dục tại cộng đồng dân cư. Tuy bước đầu thuyết phục các đối tượng gặp nhiều khó khăn, nhưng bằng tình thương và trách nhiệm, bà Anh đã giúp nhiều đối tượng tiến bộ, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư.

Điển hình như trường hợp của em H.N.B (phường Hòa Minh), vì bị bạn bè xấu rủ rê nên B. dại dột “thử một lần cho biết”. Tháng 7-2015, sau khi phát hiện B. sử dụng ma túy đá, bà Anh nhận trách nhiệm giúp đỡ em. Hằng ngày, bà gặp gỡ, trò chuyện và tâm sự, chia sẻ với B. như một người mẹ, người dì. Mỗi khi địa phương có hoạt động văn hóa, văn nghệ nào, bà cũng kéo B. tham gia cho bằng được. Thậm chí, bà Anh ròng rã nhiều tháng trời không quản nắng mưa đóng vai “xe ôm” cho B. để chở em đến chỗ làm. Đến nay, B. đã nhận ra lỗi lầm, tu chí làm ăn, từng bước học nghề cắt tóc phụ giúp gia đình, phấn đấu trở thành một công dân tốt.

Hay như trường hợp của em V.D.T, vì đua đòi, bị bạn bè rủ rê nên T. sa chân vào con đường nghiện hút, lêu lổng, không học hành. Nhận cảm hóa, kèm cặp T. tại cơ sở, người CCB Nguyễn Trung Thành, Chi hội trưởng CCB KDC Hòa Phú 5 thường xuyên gần gũi, động viên, giúp đỡ, đến nay T. tiến bộ.

Ông Vương Đình Tỉnh, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Minh chia sẻ: “Để giúp người nghiện ma túy hoàn lương, quan trọng nhất là phải coi họ như con cháu, người thân trong nhà, nhẹ nhàng khuyên bảo, dùng tình cảm, sự chân thành để thuyết phục, không bao giờ được miệt thị, phân biệt”. Trường hợp của những người CCB thầm lặng như bà Anh, ông Thành, dù tuổi cao, gia đình nhiều lần khuyên nghỉ ngơi nhưng các ông, bà vẫn không muốn từ bỏ. Bởi với họ, đó cũng là cách mà những người CCB tiếp tục cống hiến hết mình cho đất nước, cho xã hội sau khi trở về từ hai cuộc chiến tranh gian khổ và khốc liệt.

QUỐC KHẢI

;
.
.
.
.
.