QUYẾT LIỆT PHÒNG, CHỐNG COVID-19

Huy động tối đa nhân lực y tế phòng, chống Covid-19

.

Trước tình hình Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, đòi hỏi ngành y tế thành phố lên phương án huy động tối đa nguồn nhân lực để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Hiện tại, các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ phương án điều trị, trong khi lực lượng dự phòng đang được tăng cường để phục vụ công tác điều tra, giám sát, lấy mẫu xét nghiệm.

Nhân lực y tế thành phố đang được huy động tối đa để tham gia công tác phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đo thân nhiệt cho du khách ra vào thành phố tại khu vực phía Nam đèo Hải Vân.                				  Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân lực y tế thành phố đang được huy động tối đa để tham gia công tác phòng, chống Covid-19. TRONG ẢNH: Nhân viên y tế thuộc Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu đo thân nhiệt cho du khách ra vào thành phố tại khu vực phía Nam đèo Hải Vân. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế, chưa bao giờ ngành y tế được huy động tối đa như hiện nay; đặc biệt là khi công tác phòng, chống Covid-19 được Chính phủ đẩy lên ở một mức cao hơn, trong đó chú trọng đến việc theo dõi, cách ly những trường hợp tiếp xúc gần (gọi là F1), tại Công văn khẩn số 1126-CV/BCĐ ngày 9-3 của Ban Chỉ đạo (BCĐ) quốc gia về phòng, chống Covid-19.

Theo đó, sau khi xác định có hơn 240 người tiếp xúc gần với 3 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2 (hiện đang được điều trị tại Bệnh viện Đà Nẵng), Sở Y tế đã huy động các Trung tâm Y tế quận, huyện gấp rút hoàn thiện các khu cách ly để tiếp nhận, theo dõi sức khỏe những trường hợp này.

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hải Châu, hiện đơn vị huy động toàn bộ nhân lực tại khoa Nội truyền nhiễm để tiếp nhận, theo dõi sức khỏe cho 31 trường hợp được xác định là F1 trên địa bàn quận.

“Đối với hệ dự phòng, chúng tôi cũng có sự điều tiết để phù hợp hơn. Theo đó, nhân viên y tế tại các khoa Y tế công cộng, khoa An toàn thực phẩm cũng được huy động, bổ sung cho khoa Kiểm soát bệnh tật để điều tra, giám sát, theo dõi sức khỏe tại nhà đối với trường hợp tiếp xúc với những người tiếp xúc gần”, bác sĩ Phương cho biết. Theo thông tin từ Sở Y tế, trên địa bàn thành phố đã ghi nhận hơn 930 trường hợp phải theo dõi sức khỏe tại cơ sở lưu trú, tại nhà.

Hiện Đà Nẵng vẫn đang ghi nhận 3 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 và Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã huy động khoảng 100 người sẵn sàng công tác điều trị. “Nhiệm vụ nặng nề trong giai đoạn hiện nay chính là công tác dự phòng khi phải làm một khối lượng công việc quá lớn từ điều tra dịch tễ, giám sát cộng đồng, tổ chức lấy mẫu, thực hiện việc xét nghiệm.

Hiện nay, ngoài nhân lực chủ chốt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) thành phố thực hiện nhiệm vụ dự phòng, Sở Y tế cũng có công văn gửi các Trung tâm Y tế quận, huyện chủ động, tự điều tiết, bổ sung nhân lực trong từng hoàn cảnh và theo tình hình diễn biến của dịch bệnh”, bà Ngô Thị Kim Yến cho biết.

Cùng quan điểm này, bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc CDC Đà Nẵng cho biết thêm, hiện nay đội ngũ nhân viên y tế thuộc CDC đang làm việc hết công suất do khối lượng công việc quá nhiều. Một số khoa chủ lực như Kiểm dịch y tế quốc tế, Dược, Phòng chống bệnh truyền nhiễm đều được bổ sung thêm nhân lực để đáp ứng nhu cầu công việc ngày càng nhiều.

“Từ ngày 15-3, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương phát hiện sớm, thực hiện khai báo y tế, đo thân nhiệt và cách ly đối với những hành khách nhập cảnh từ châu Âu, đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với những hành khách này nên nhiệm vụ của nhân viên CDC cũng nhiều hơn. Hiện chúng tôi đang đề xuất với Sở Y tế huy động lực lượng dự phòng tại các quận, huyện cùng tham gia với CDC trong việc điều tra, giám sát và lấy mẫu xét nghiệm để bảo đảm kịp thời công tác phòng, chống dịch”, bác sĩ Thạnh cho biết thêm.

Đà Nẵng hiện có khoảng 9.000 nhân viên y tế các cấp, trong đó, lực lượng hệ thống y tế công lập khoảng 6.500 người, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu, nhiệm vụ phòng, chống Covid-19 trong tình hình mới. Ngoài ra, Sở Y tế cũng đang tính đến phương án huy động những sinh viên y khoa tại các trường đại học trên địa bàn thành phố, sẵn sàng tham gia phục vụ khi cần thiết.

Chia sẻ về điều này, thầy Lê Viết Nho, Phó Trưởng khoa Y dược, Đại học Đà Nẵng khẳng định: “Chúng tôi luôn sẵn sàng hỗ trợ thành phố trong trường hợp dịch bệnh có diễn biến phức tạp, tất cả cùng hành động vì mục tiêu chung. Nhà trường cũng đã quán triệt, thông báo đến các sinh viên năm cuối, hệ bác sĩ đa khoa, dự kiến hè này sẽ tốt nghiệp về việc sẵn sàng tham gia phòng, chống dịch.

Đây cũng là dịp để các bạn khẳng định bản thân sau thời gian dài học tập, rèn luyện trên giảng đường”. Bên cạnh đó, Sở Y tế cũng đang huy động đội ngũ cộng tác viên dân số tại các địa phương (khoảng 1.800 người) tham gia công tác truyền thông, hướng dẫn các biện pháp phòng, chống Covid-19 đến từng hộ gia đình trên địa bàn thành phố.

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.