​Covid-19 đã "bẻ gãy' hệ thống y tế đẳng cấp thế giới của Italy

.

Miền bắc Italy là 1 trong những nơi có hệ thống y tế công cộng tốt nhất phương Tây, nhưng họ đã không thể ngăn những gì đã xảy ra, 3.405 người đã chết, 41.035 ca nhiễm bệnh chỉ trong chưa đầy 1 tháng

Y tế Italy đang đối mặt khó khắn khi Covid-19 bùng phát. (Nguồn: nbcnews)
Y tế Italy đang đối mặt khó khắn khi Covid-19 bùng phát. (Nguồn: nbcnews)

Miền bắc Italy là một trong những nơi có hệ thống y tế công cộng tốt nhất phương Tây. Các bác sỹ và chuyên gia y tế tại đây đều được đào tạo bài bản. Họ đều cảm thấy mình đã được chuẩn bị khi virus corona bắt đầu lan tới khu vực thịnh vượng và đầy học thức của mình.

Thế nhưng, rốt cuộc đến giờ phút này, họ vẫn chưa thể làm được gì để ngăn những gì đã xảy ra.

Tính đến đêm 19-3 (giờ địa phương), Italy đã ghi nhận 41.035 ca mắc Covid-19, với số người tử vong là 3.405, vượt qua số 3.248 ca tử vong tại Trung Quốc-nơi bùng phát dịch. Điều đáng nói là, thời gian dịch bùng phát tại Italy là khá lâu sau Trung Quốc, ca tử vong đầu tiên vì SARS-CoV2 tại Italy được xác định vào ngày 22-2 trên tổng số 6 ca mắc Covid-19 ở thời điểm đó.

Như vậy con số 3.405 người thiệt mạng về Covid-19 của đất nước hình chiếc ủng chỉ diễn ra trong chưa đầy 1 tháng.

Khi dịch Covid-19 bùng phát ở Italy...

"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người chết ngay trước mắt mình như thế," đó là tâm sự của một y tá thuộc một trong những bệnh viện lớn ở Bergamo, một thành phố ở miền bắc Italy hiện đang là trung tâm của đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ nhất tại châu Âu. "Cảm giác như chúng tôi đang băng qua giữa chiến trường vậy."

Với 3.405 người đã chết trong bốn tuần qua ở Italy trong số 41.035 trường hợp được xác nhận, các bác sỹ và y tá của nước này - đặc biệt là ở những thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở miền bắc - đang phải vật lộn để đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế. Họ đang thiếu giường bệnh, thiết bị và thậm chí là cả nhân lực, nhất là khi ngày càng nhiều nhân viên chăm sóc y tế bị nhiễm virus.

Y tá trên-người không được phép thảo luận về tình hình và xin được giấu tên, sau đó cũng đã phải ngừng làm việc. Giống như nhiều chuyên gia chăm sóc sức khỏe ở tuyến đầu tại Italy, cô đã bị lây chủng virus mà các đồng nghiệp của mình đang cố gắng ngăn chặn.

"Chúng tôi cứ lần lượt ngã xuống," cô nói.

Trong những tháng sau khi căn bệnh mới được xác định, miền bắc Italy đã nổi lên như một cảnh báo về những gì có thể xảy ra tại một khu vực từng được xem là sở hữu một trong những hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng hiệu quả nhất thế giới, ngay cả sau khi Italy đã thực hiện những biện pháp quyết liệt nhằm nỗ lực ngăn chặn sự lây lan của virus.

Một bệnh nhân ngồi trong lều chờ xét nghiệm tại một cơ sở cấp cứu tạm thời được lập bên ngoài khoa tai nạn và cấp cứu tại bệnh viện Brescia ở vùng Lombardy, Italy. (Nguồn: AFP/Getty Images)
Một bệnh nhân ngồi trong lều chờ xét nghiệm tại một cơ sở cấp cứu tạm thời được lập bên ngoài khoa tai nạn và cấp cứu tại bệnh viện Brescia ở vùng Lombardy, Italy. (Nguồn: AFP/Getty Images)

Milan và Bergamo là hai khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Chỉ riêng Bergamo đã có gần 3.800 ca nhiễm được xác nhận.

Một lượng lớn các ca bệnh đã nhấn chìm các bệnh viện ở vùng Lombardy thịnh vượng, bất chấp những nỗ lực của nhà chức trách trong chuẩn bị cơ sở vật chất bằng cách chuyển đổi một số khoa điều trị thành những đơn vị chăm sóc tích cực dã chiến và bổ sung thêm giường bệnh ở bất cứ đâu có thể.

Tiến sỹ Lorenzo D'Antiga, giám đốc khoa nhi tại Bệnh viện Papa Giovanni XXIII ở Bergamo, cho biết ông và các đồng nghiệp đang làm nhiệm vụ ở một khu vực có tỷ lệ phát sinh các ca nhiễm virus corona mới cao nhất.

"Chúng tôi thực sự đang ở ngay tâm bão," ông nói.

Hồi đầu tháng Ba, khi các ca tử vong do virus tăng vọt và số lượng các ca nhiễm mới được xác nhận cũng tăng lên, chính phủ Italy đã quyết tâm thực hiện các động thái mang tính quyết định để làm chậm tốc độ lây lan dịch bệnh.

Vào ngày 8-3, Thủ tướng Giuseppe Conte đã hạ lệnh phong tỏa vùng Lombardy để cách ly chủ động khoảng 16 triệu người ở miền Bắc. Hai ngày sau, ông Conte mở rộng lệnh phong tỏa ra toàn quốc. Các sắc lệnh này được đưa ra chỉ hơn một tháng sau khi các lệnh phong tỏa tương tự có hiệu lực ở các khu vực xuất hiện virus đầu tiên tại Trung Quốc.

Sau một đêm, những con phố vốn nhộn nhịp ở Milan và Venice trở nên vắng tanh, những quán pizza và những lối đi bộ đẹp như tranh chìm vào im lặng và vắng bóng người.

Nhưng sự yên tĩnh này lại không phản ánh thực tế hết sức khác biệt mà những người Italy ở tiền tuyến chống dịch đang trải qua.

Không khí ở bệnh viện chẳng khác gì một cuộc chiến

Francesco Longo, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y tế và Quản lý chăm sóc xã hội tại đại học Bocconi University, Milan cho biết: "Cảm giác dường như là thoải mái vì tất cả mọi người đang ở trong nhà, nấu ăn và xem lại những bức ảnh cũ, hay làm việc ở nhà. Nhưng ở bệnh viện, không khí chẳng khác gì một cuộc chiến."

D'Antiga cho biết tại bệnh viện của ông, gần một nửa trong số 1.000 giường bệnh đã được dành ra để điều trị các bệnh nhân nhiễm Covid-19. Hầu hết các hoạt động khác của bệnh viện đã thu hẹp lại đáng kể hoặc dừng lại.

"Ở khoa tiêu hóa, khoa nội và các khoa khác, chúng tôi phải gửi bệnh nhân đi chỗ khác và chỉ nhận những người mắc Covid-19 - khoa thần kinh cũng vậy," D'Antiga chia sẻ. "Mỗi ngày chúng tôi có đến 20-30 bệnh nhân cần nhập viện, nhưng chúng tôi đã hết giường. Đó là một tình huống thực sự khó khăn."

Điều khiến tình hình thậm chí còn tồi tệ hơn là một số giường đang được dùng để điều trị cho chính các nhân viên y tế.

"Ở đây, có khoảng 20-30% các chuyên gia y tế bị nhiễm bệnh," D'Antiga cho biết. "Ở khoa của tôi, tôi có 25 bác sỹ nhi khoa, và hiện 10 người trong số đó đang nghỉ ốm. Các khoa khác cũng vậy, và đây là một thách thức lớn."

Mặc dù phần lớn những người có xét nghiệm dương tính với virus đến nay chỉ có các triệu chứng nhẹ, các ca bệnh nghiêm trọng nhất có thể dẫn đến suy hô hấp.

Gần 13.000 bệnh nhân mắc virus corona ở Italy đã phải nhập viện với các triệu chứng, và trong số đó, hơn 2.000 người cần chăm sóc tích cực, gây áp lực lớn lên các nguồn lực của bệnh viện.

D'Antiga cho biết 80 trong số 100 giường tại đơn vị chăm sóc tích cực của ông đã dành cho những bệnh nhân mắc virus corona phải thở máy, nhưng các bệnh viện đang nhanh chóng hết giường cũng như các thiết bị cần thiết để giữ cho bệnh nhân sống sót.

Các nguồn lực hạn chế đang khiến các bác sỹ phải đưa ra những quyết định hết sức đau đớn về việc chọn ai để chữa trị - và ai có thể không còn giúp được nữa.

Nhân viên y tế đeo khẩu trang tại bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, Italy. (Nguồn: Reuters)
Nhân viên y tế đeo khẩu trang tại bệnh viện Spedali Civili ở Brescia, Italy. (Nguồn: Reuters)

Mặc dù có nhiều ca bệnh đa dạng, nhưng các bác sỹ thường chỉ cân nhắc độ tuổi và tình trạng của bệnh nhân - một thông lệ tiêu chuẩn ngay cả khi không ở giữa đại dịch, theo D'Antiga.

Ông cho biết, đến nay, các bác sỹ chủ yếu tuân theo các tiêu chí tương tự khi phải đưa ra những lựa chọn khó khăn.

"Trong bối cảnh không có dịch bệnh, nếu một người 90 tuổi đến viện với bệnh viêm phổi nặng, chúng tôi có thể sẽ không cho bệnh nhân đó vào khoa chăm sóc tích cực và đặt nội khí quản cho họ," D'Antiga nói. "Thật không may, chúng tôi phải đưa ra lựa chọn, nhưng tại thời điểm này, ít nhất chúng tôi không phải chọn giữa những người mà bình thường có thể được điều trị."

Nhưng điều đó có thể thay đổi, ông nói thêm. Và khi virus lây lan, tình trạng đau lòng ở Lombardy có thể lặp lại ở các khu vực khác ở Italy cũng như tại các quốc gia khác.

"Những gì chúng ta đang thấy ở Italy là những gì chúng ta có thể sẽ thấy ở các bệnh viện trên toàn thế giới trong những tuần và những tháng sắp tới," Yascha Mounk, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Johns Hopkins ở Baltimore nhận định. "Một trong những đặc điểm của bệnh này là nó có thời gian ủ bệnh rất dài. Phải mất một thời gian dài để nó bắt đầu làm quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe, nhưng một khi đã bắt đầu, tốc độ gia tăng thực sự rất nhanh."

Ở Venice, một bác sỹ giấu tên thuộc một bệnh viện lớn của khu vực cho biết cô và các đồng nghiệp đang điều trị cho 92 bệnh nhân mắc virus corona, nhưng họ dự đoán một đợt bùng phát dữ dội nữa vẫn còn ở phía trước.

"Chúng tôi đang vật lộn, nhưng chúng tôi biết rằng vẫn chưa tới thời điểm bùng phát tồi tệ nhất," cô nói. "Làm việc trong những điều kiện này thực sự rất mệt mỏi. Mọi người đều cảm thấy kiệt quệ tinh thần."

Bệnh viện của cô đã thành lập các đơn vị điều trị tích cực dã chiến, và các bác sĩ và y tá khắp vùng đông bắc đang được huy động đến các vùng dễ bị tổn thương. Các nguồn lực tại và xung quanh Venice, nơi vốn có nhiều thời gian chuẩn bị hơn Lombardy, đang bắt đầu cảm nhận được áp lực.

"Hiện tại, chúng tôi vẫn ổn, nhưng nếu trình trạng khẩn cấp vẫn tiếp diễn trong nhiều tuần tới, chúng tôi không biết mình có thể phản ứng ra sao nữa," cô nói.

Một số bác sỹ và chuyên gia ở Italy đã thẳng thắn phát biểu với hy vọng các quốc gia khác sẽ học được từ kinh nghiệm của họ.

Longo cho biết một điểm quan trọng chính là hành động từ sớm có thể tạo ra sự khác biệt lớn.

"Đóng cửa biên giới và giảm tiếp xúc xã hội càng nhanh càng tốt," ông nói. "Cơ chế hiệu quả duy nhất là đưa ra một lệnh cấm để khiến mọi người ở nhà. Đây không chỉ là bài học từ Italy. Đây còn là bài học từ Trung Quốc."

D'Antiga nói thêm rằng từ những kinh nghiệm của Italy, có thể rút ra những cảnh báo rõ ràng về điều gì có thể xảy ra ở cả những quốc gia có hệ thống chăm sóc y tế được đánh giá cao với bảo hiểm y tế toàn dân.

Ở những nước không có hệ thống như vậy, ví dụ như Mỹ, các bác sĩ có thể sẽ chịu nhiều áp lực hơn và phải đối mặt với nhiều thách thức hơn. Đã có những lo ngại rằng các bệnh viện ở Mỹ có thể lâm vào tình trạng thiếu máy thở.

"Chúng tôi có một hệ thống ở Italy mà ở đó tất cả mọi người có quyền tiếp cận, vì thế chúng tôi có thể đưa ra các quyết định chỉ dựa trên các yếu tố y tế," ông nói. "Ở Mỹ, điều đó sẽ khó hơn rất nhiều, và những lựa chọn cũng sẽ rất khác từ quan điểm đạo đức."

Tuy nhiên, Longo cho biết mặc dù lệnh phong tỏa ở Italy đã kéo dài gần hết tuần thứ hai, người dẫn vẫn tìm được cách để duy trì hy vọng.

"Thực sự có một tinh thần đoàn kết và tinh thần cộng đồng ở đây," ông nói. "Mọi người đều cảm thấy rằng chúng tôi chỉ có thể tự cứu chính mình nếu chúng tôi đoàn kết với nhau".

Theo Vietnam+

 

;
;
.
.
.
.
.