Y tế - Sức khỏe

Đẩy mạnh phòng, chống bệnh sốt xuất huyết

10:21, 16/09/2019 (GMT+7)

Số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) tại Đà Nẵng từ đầu năm đến nay khoảng 4.250 ca, tăng cao so với năm 2018. Trước thực trạng trên, các địa phương tăng cường công tác phòng chống, kiểm soát bệnh dịch SXH; coi trọng công tác tuyên truyền, vận động toàn dân thực hiện phương châm không có lăng quăng bọ gậy, không có dịch SXH.

Cán bộ, nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm hạn chế bệnh sốt xuất huyết ở phường An Hải Bắc.
Cán bộ, nhân dân diệt lăng quăng, bọ gậy nhằm hạn chế bệnh sốt xuất huyết ở phường An Hải Bắc.

Ông B.T.A  (tổ 75 phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), cùng người nhà bị mắc bệnh SXH. Tuy nhiên, may mắn do ông đã kịp thời đến bệnh viện điều trị nên bệnh đã thuyên giảm. Sau khi phát hiện ổ dịch, trạm y tế phường, Trung tâm y tế quận Sơn Trà và chính quyền phường An Hải Bắc đã tập trung kiểm tra, xác minh và tìm hiểu cặn kẽ, sau đó đã lập đội liên ngành xuống xử lý ổ dịch dứt điểm. Sau khi được tuyên truyền và chỉ ra tác hại của việc phát sinh ổ dịch, người dân tổ 75 đã tích cực phối hợp với lực lượng chức năng cùng khơi thông cống rãnh, úp nước các vật dụng, vệ sinh sạch sẽ và tạo điều kiện cho lực lượng chức năng phun thuốc phòng dịch.

Bà Lê Thị Kim Yến, Trưởng trạm y tế phường An Hải Bắc cho biết: “Chúng tôi theo dõi và báo cáo kịp thời tình hình cho Chủ tịch UBND phường để có phát sinh là ngay lập tức xử lý, không để lây dịch lan rộng”. Ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch UBND phường An Hải Bắc cho biết, công tác tuyên truyền luôn được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của dịch bệnh SXH và có biện pháp chủ động phòng ngừa, không để dịch bệnh có điều kiện phát triển.

UBND phường An Hải Bắc đã chủ động phối hợp với các phòng, ban, hội, đoàn thể và Đội y tế dự phòng khống chế không để dịch bệnh lây lan trên địa bàn phường, giảm thiểu tối đa tác hại khi có dịch. Ông Nguyễn Đình Vương, Phó Chủ tịch UBND phường An Hải Tây, ngoài các biện pháp tuyên truyền phổ biến, vừa qua, địa phương đã mời Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố trực tiếp tập huấn về phương pháp tổ chức vận động người dân diệt lăng quăng, bọ gậy, phòng, chống dịch bệnh SXH cho các tổ trưởng tổ dân phố, bí thư chi bộ khu dân cư.

Theo ông Nguyễn Đắc Xứng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, quận đã tổ chức ra quân thường xuyên để phòng ngừa, ngăn chặn dịch SXH. Công tác tuyên truyền của quận được quan tâm, họp toàn bộ cộng tác viên dân số-y tế để quán triệt, tuyên truyền trực tiếp đến tổ dân phố; sử dụng lực lượng thanh niên phát tờ rơi tại các điểm công cộng. Trước ngày ra quân diệt lăng quăng, bọ gây, quận cho xe đi cổ động để người dân biết, thực hiện; chỉ đạo Trung tâm y tế quận theo dõi bệnh nhân để biết khu vực nào có dịch để theo dõi, xác minh, dập dịch; phun thuốc tại các cơ sở giáo dục; lồng ghép các cuộc họp, sinh hoạt để tuyên truyền. Hiện nay địa phương đang tăng cường các biện pháp toàn diện chống dịch, dập dịch. “Tuy nhiên, vẫn còn một số người dân chưa hợp tác tốt, chủ quan đối với công tác phòng, chống dịch SXH. Chính quyền các phường tăng cường tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức để phòng chống dịch bệnh này”, ông Nguyễn Đắc Xứng nói.

Tính từ đầu năm đến nay, toàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) có 63 ca mắc SXH. Ông Hồ Đắc Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hiệp Nam cho biết, nhận thức trước diễn biến phức tạp của bệnh dịch SXH, thậm chí có thể dẫn tới tử vong nếu chủ quan, ngay từ đầu năm, UBND phường xây dựng kế hoạch ra quân diệt lăng quăng, bọ gậy, tăng cường tuyên truyền, vận động người dân úp lu, không để nước đọng tạo điều kiện cho muỗi sinh sôi. “Vào mùa ẩm ướt rất dễ phát sinh ổ dịch, UBND phường đã liên tục cho ra quân dọn vệ sinh môi trường, kết hợp các ngày chủ nhật xanh-sạch-đẹp để lồng ghép diệt lăng quăng, bọ gậy.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các khu dân cư tăng cường vận động tuyên truyền người dân tích cực phòng, chống dịch hiệu quả, hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình xử lý các điểm, ổ dịch nếu có”, ông Thắng nói. Khó khăn hiện nay là trên địa bàn phường Hòa Hiệp Nam còn một số khu đất trống, các ao hồ trong các dự án đọng nước, kể cả người dân mang bệnh dịch từ bên ngoài về. Do vậy công tác tuyên truyền trong dân cư và trường học được chính quyền địa phương quan tâm.

Quận Hải Châu hiện có số ca mắc SXH tăng đột biến trong thời gian qua với 785 ca mắc. Ông Lê Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho biết, từ đầu năm đến nay toàn phường có 87 ca mắc SXH. Nguyên nhân chủ yếu do diễn biến thời tiết thất thường; công tác phòng, chống SXH tại một số địa bàn khu dân cư cũng như ý thức phòng chống dịch bệnh của một bộ phận người dân còn hạn chế. UBND phường đã ban hành nhiều thông báo gửi đến chi bộ, ban điều hành tổ dân phố, trưởng ban công tác Mặt trận khu dân cư về tình hình SXH và các biện pháp phòng, chống có hiệu quả; đồng thời đăng tải các nội dung có liên quan lên trang thông tin điện tử của phường để nhân dân tiếp cận tìm hiểu. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của từng hộ gia đình trong việc diệt lăng quăng, bọ gậy và bảo đảm vệ sinh môi trường...

Theo một lãnh đạo quận Hải Châu, ngoài việc xây dựng các kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn dịch SXH, công tác kiểm tra, giám sát được đặc biệt chú trọng, để kịp thời phát hiện và xử lý khi có dịch. Bên cạnh đó, quận Hải Châu tăng cường tập huấn cho đội ngũ cộng tác viên dân số-y tế để nắm rõ về nguy cơ dịch bệnh SXH, để từ đó công tác tuyên truyền được hiệu quả hơn.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

.