Y tế - Sức khỏe

Sốt xuất huyết gia tăng, nhiều ca biến chứng nặng

11:44, 02/07/2019 (GMT+7)

Dù chưa vào cao điểm của dịch sốt xuất huyết nhưng từ đầu tháng đến nay số ca nhập viện do sốt xuất huyết tăng liên tục và nhiều ca bệnh nặng phải nằm thở máy, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết thường rơi vào tháng 8,9,10 nhưng từ đầu tháng 6 đến nay do mưa liên tục khiến muỗi sinh sôi nhanh hơn nên số ca sốt xuất huyết nhập viện gia tăng. Theo báo cáo từ Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, tại 20 tỉnh thuộc khu vực phía Nam, trong tuần thứ 25 của năm 2019 (17 - 23-6), đã có 2.163 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết được phát hiện, tăng 4% so với tuần trước và cao hơn 57% (1.379 người) so với cùng kỳ năm 2018.

Tính từ đầu năm 2019 đến nay, đã có tất cả 49.445 người mắc bệnh sốt xuất huyết, cao hơn gấp đôi cùng kỳ năm 2018. Trong đó, TP. Hồ Chí Minh là nơi phát hiện nhiều bệnh nhất, tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước.

Khoa Nhiễm D bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP Hồ Chí Minh đã phải kê thêm 30 giường bệnh do bệnh nhân nhập viện tăng.
Khoa Nhiễm D bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh đã phải kê thêm 30 giường bệnh do bệnh nhân nhập viện tăng.

Ghi nhận tại các bệnh viện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh như bệnh viện Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2... số ca nhập viên do sốt xuất huyết đang có dấu hiệu gia tăng trong đó có nhiều ca nặng nguy hiểm đến tính mạng.

Theo thống kê của bệnh viện Bệnh nhiệt đới, từ đầu tháng 6 đến nay, bệnh viện tiếp nhận gần 800 ca sốt xuất huyết, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2018. Hiện bệnh viện đang điều trị cho 151 bệnh nhân sốt xuất huyết trong đó có 25 trẻ em. Trong số các trường hợp nhập viện, có 10 ca năng đang phải nằm phòng hồi sức tích cực và thở máy.

Nhiều ca bệnh nặng phải nằm thở máy.
Nhiều ca bệnh nặng phải nằm thở máy.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thanh Phong, Trưởng khoa nhiễm D, bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh cho biết, từ đầu tháng 6 đến nay trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 50 - 70 ca bệnh sốt xuất huyết và bệnh cũng chưa có dấu hiệu dừng lại. Những bệnh nhân đến khám và điều trị do sốt xuất huyết chủ yếu là người dân ở quận 9, quận Bình Chánh, quận 8… Hiện khoa đã tăng thêm 30 giường bệnh nhưng vẫn không đủ cho người bệnh.

Còn theo bác sĩ Dương Bích Thủy, Phó khoa Cấp cứu - Hồi sức tích cực - Chống độc người lớn bệnh viện Bệnh nhiệt đới, từ đầu tháng 6 đến nay, sốt xuất huyết bắt đầu có dấu hiệu gia tăng, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bệnh chuyển biến nặng, phải thở máy. Có trường hợp tổn thương đa cơ quan, người nhà phải xin về. Trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 1-2 ca sốt xuất huyết biến chứng nặng, hiện có 2 bệnh nhân nữ bị bệnh rất nặng, suy đa tạng phải lọc máu, cả hai đều hôn mê sâu, thở máy.

Còn tại bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh), trung bình mỗi ngày bệnh viện này điều trị cho 60 bệnh nhi mắc sốt xuất huyết, hiện có 3 trẻ bị sốt xuất huyết gây sốc phải thở máy. Tương tự, tại bệnh viện Nhi đồng 2 trung bình mỗi ngày tại đây cũng tiếp nhận khoảng 50 trẻ mắc sốt xuất huyết. tại bệnh viện Nhi đồng Thành phố, các ca trẻ em mắc sốt xuất huyết nhập viện cũng bắt đầu có dấu hiệu gia tăng từ đầu tháng 6 đến nay.

Các bác sĩ khuyến cáo, đối với trẻ em và người lớn thừa cân, khi mắc sốt xuất huyết bệnh thường diễn tiến nặng hơn. Vì vậy, người dân không nên chủ quan với sốt xuất huyết, cần được chẩn đoán sớm, đúng bệnh để có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Nhất là ở giai đoạn vừa hết sốt, bệnh sẽ trở nặng ngay. Hiện nay vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh này. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu vẫn là chủ động diệt lăng quăng ngay tại chính nơi ở, nơi làm việc của mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị. Điều này đòi hỏi ý thức tự giác của mọi người, mọi thành phần trong xã hội.

Theo Báo Tin tức

.