Y tế - Sức khỏe

Phạt nặng vi phạm an toàn thực phẩm

15:30, 09/07/2019 (GMT+7)

Việc bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được các sở, ngành, đơn vị liên quan thành phố thực hiện trong thời gian qua. Theo Ban Quản lý (BQL) An toàn thực phẩm (ATTP) thành phố, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong lĩnh vực này chính là tăng cường kiểm tra và xử phạt nghiêm khắc những hành vi vi phạm.

Theo ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng BQL ATTP thành phố, Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 4-9-2018 của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 20-10-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP là cơ sở pháp lý quan trọng, có sức răn đe trong việc kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động sai phạm.

Hình thức xử phạt chính là phạt tiền, không có hình thức cảnh cáo và mức phạt tiền tối đa lên đến 7 lần giá trị hàng hóa vi phạm. Ngoài ra, nghị định này cũng quy định nhiều hành vi xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm; đình chỉ hoạt động có thời hạn tịch thu, tiêu hủy tang vật vi phạm…

Thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức, nhận thức về ATTP, lực lượng chức năng tăng cường thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm. Theo đó, BQL ATTP đã thực hiện thanh tra, kiểm tra gần 1.000 cơ sở được phân cấp quản lý, phát hiện và xử lý vi phạm hành chính 55 cơ sở với số tiền hơn 500 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2018, số cơ sở thanh tra, kiểm tra tăng 40 cơ sở và số tiền xử phạt cũng tăng hơn 400 triệu đồng.

Các nội dung vi phạm các tổ chức, cá nhân thường mắc phải như: không bảo quản riêng biệt từng loại thực phẩm sống và thức ăn chín dẫn đến nguy cơ ô nhiễm chéo; cống rãnh khu vực chế biến thực phẩm không thông thoát, ứ đọng ảnh hưởng đến môi trường chế biến thực phẩm; không thực hiện kiểm thực ba bước và lưu mẫu thực phẩm theo quy định; khu vực chế biến thực phẩm có côn trùng và động vật gây hại; dụng cụ bảo quản thực phẩm ăn ngay không bảo đảm vệ sinh…

“Trong 6 tháng đầu năm 2019, số cơ sở các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra tăng gần 2.500 cơ sở, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm 2018. Điều khác biệt là số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng lên rất nhiều nhưng số trường hợp phát hiện vi phạm lại giảm hơn 110 trường hợp, tương đương 35%. Điều đó cho thấy tính răn đe trong việc xử lý vi phạm đã có hiệu lực”, ông Hải cho biết.

Thực tế này cũng diễn ra ở các cơ quan, địa phương liên quan. Đơn cử tại quận Hải Châu, đoàn kiểm tra liên ngành ATTP quận và phường tiến hành kiểm tra thực tế gần 2.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, qua đó xử phạt vi phạm hành chính 27 cơ sở với số tiền hơn 100 triệu đồng.

Theo số liệu UBND các quận, huyện cung cấp, so với cùng kỳ năm 2018, số cơ sở các địa phương được phân cấp quản lý, kiểm tra tăng gần 2.700 cơ sở, tăng gần 30% nhưng cơ sở phát hiện vi phạm giảm 57,%. Trong khi đó, đối với lực lượng Cảnh sát môi trường, Công an thành phố, số vụ phát hiện vi phạm tăng hơn 38% với số tiền xử phạt vi phạm hành chính tăng hơn 35% so với cùng kỳ. “Qua thanh tra, kiểm tra, các cấp, các ngành đã lồng ghép đẩy mạnh công tác tuyên truyền, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Đó là kịp thời phát hiện, xử lý những sai phạm về ATTP, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước, nâng cao nhận thức của người sản xuất, kinh doanh và người dân trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước về ATTP, giảm thiểu nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Đây cũng là nhiệm vụ xuyên suốt mà chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện trong thời gian tới”, ông Hải nhấn mạnh.

PHAN CHUNG

.