Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch

.

Sau khi HĐND thành phố ban hành Nghị quyết số 82/NQ-HĐND thống nhất chủ trương thí điểm phát triển nông nghiệp kết hợp khai thác dịch vụ du lịch, huyện Hòa Vang đã triển khai một số mô hình, sản phẩm du lịch xanh, từ đó làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, tạo việc làm tại chỗ cho người dân và đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng.

Học sinh tham quan và trải nghiệm trồng rau sạch tại Bana Rita Glamping Farm (xã Hòa Phú). Ảnh: T. TUẤN
Học sinh tham quan và trải nghiệm trồng rau sạch tại Bana Rita Glamping Farm (xã Hòa Phú). Ảnh: T. TUẤN

Bana Rita Glamping Farm (xã Hòa Phú) có diện tích hơn 50.000m2 được biết đến là nông trại xanh, một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn du khách khi tới Hòa Vang. Ngoài mô hình nổi bật là vườn bưởi da xanh hữu cơ và vườn cam Vinh với hơn 300 gốc cùng nhiều loại cây trái ăn quả khác trồng đan xen. Bana Rita Glamping Farm còn cung cấp dịch vụ cắm trại trải nghiệm dành cho các hoạt động du lịch dã ngoại, ngoại khóa kết hợp rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên. Đồng thời cung cấp dịch vụ ăn uống, chế biến các món ăn địa phương và chế biến rau, củ, quả thu hoạch được tại mô hình, tiệc BBQ, cà phê…

Theo ông Lê Thanh Tuấn, chủ cơ sở Bana Rita Glamping Farm, từ nền tảng của một trang trại trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ, ông tiếp tục trồng thêm nhiều loại cây ăn trái khác nhằm tạo không khí trong lành, xanh mát. Cùng với đó, nông trại còn phát triển các khu vực trồng rau, củ quả nhằm phục vụ nhu cầu trải nghiệm trồng và thu hoạch cho học sinh, sinh viên. “Chúng tôi đang triển khai thêm khu trưng bày và bán các sản phẩm OCOP đặc trưng của các xã trên địa bàn huyện Hòa Vang nhằm góp phần quảng bá sản phẩm nông nghiệp sạch, vừa làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp, vừa đa dạng dịch vụ nhằm phục vụ nhu cầu của du khách”, ông Tuấn chia sẻ.

Còn tại thôn Nam Yên (xã Hòa Bắc), mô hình trồng cây trái với tên gọi “Vườn nho thung lũng Nam Yên” gắn với du lịch trải nghiệm của anh Lê Quốc Hiền được nhiều du khách biết tới với sự hấp dẫn, thú vị riêng. Theo anh Hiền, việc kết hợp nông nghiệp gắn với du lịch là giải pháp hữu hiệu để nâng cao giá trị nông sản và rất phù hợp với xu thế hiện nay. Khi đến với khu vườn của anh Hiền, du khách sẽ được tận hưởng cảm giác trải nghiệm với thiên nhiên bên cạnh vườn nho trĩu quả. “Do cây mới bói trái năm đầu nên chúng tôi triển khai dịch vụ cho khách tới vui chơi và chụp hình trong vườn. Thời gian tới khi cây cho quả ổn định chúng tôi sẽ tổ chức cho du khách trải nghiệm trực tiếp hái nho và ăn thử tại vườn hoặc chế biến và mua đem về”, anh Hiền nói.

Hiện nay, khu vườn rộng hơn 8.800m2 của anh Hiền trồng nhiều loại cây trái ăn quả, trong đó điểm nhấn là hơn 500 gốc nho với 4 loại gồm: nho móng tay, nho hạ đen không hạt, nho mẫu đơn và nho kẹo. Thời điểm thích hợp để trải nghiệm tham quan vườn nho đẹp nhất là từ tháng 4 đến tháng 8 dương lịch. “Chủ vườn sẽ là người trực tiếp hái nho mời du khách dùng thử. Cùng với đó, chúng tôi sẽ tổ chức các buổi workshop làm bánh quy nho, cupcake nho khô vào các ngày cuối tuần và các thức uống từ mật nho”, anh Hiền nói và cho biết, hiện đang tiếp tục cải tạo lại vườn, phát triển thêm một số cây trồng kết hợp để hình thành mô hình trải nghiệm du lịch nông nghiệp chuyên nghiệp, trong đó đang trồng nhiều loại cây ăn trái độc đáo và “lạ” như: chuối sáp, chuối quạ, ổi, mãng cầu khổng lồ, nhãn tím… “Nông trại cũng dành ưu tiên cho các trường học, đoàn thể tới thăm quan và trải nghiệm. Hy vọng, thời gian tới, mô hình sẽ trở thành điểm đến tiềm năng phục vụ nhu cầu tham quan trải nghiệm dịch vụ, ngắm cảnh quan thiên nhiên của du khách, qua đó thúc đẩy phát triển du lịch nông nghiệp hữu cơ bền vững ở Hòa Vang”, anh Hiền chia sẻ.

Ông Nguyễn Thúc Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Hòa Vang cho biết, sau khi Nghị quyết 82/NQ-HĐND ngày 17-12-2021 của HĐND thành phố được ban hành, UBND huyện Hòa Vang đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền, đồng thời triển khai cụ thể hóa chủ trương phát triển nông nghiệp kết hợp với khai thác dịch vụ du lịch nhằm làm tăng giá trị kinh tế nông nghiệp và tạo việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn, đa dạng hóa sản phẩm du lịch cho Đà Nẵng.

Theo ông Dũng, sau khi triển khai, thẩm định và kiểm tra thực tế và lấy ý kiến các đơn vị chuyên môn, hiện nay Hòa vang có 4 mô hình được UBND huyện thống nhất chủ trương và triển khai, trong đó có 3 mô hình đã đón khách và hoạt động ổn định gồm: mô hình An Phú Farm; mô hình Banarita Glamping Farm (cùng xã Hòa Phú) và mô hình “Vườn nho thung lũng Nam Yên” (xã Hòa Bắc). Sau hơn 3 tháng hoạt động, các mô hình đã chứng minh việc tích hợp đa ngành vào sản xuất nông nghiệp và giúp nông nghiệp tăng giá trị lên gấp nhiều lần. Các mô hình đều tạo việc làm tại chỗ cho khoảng 25-30 lao động địa phương, giúp tiêu thụ nông sản và sản phẩm đặc sản OCOP của huyện. Ngoài ra, các điểm du lịch nông nghiệp đang triển khai trên đây hiện đang đáp ứng tốt nhu cầu vui chơi giải trí, dã ngoại của học sinh và người dân đô thị Đà Nẵng. “Thời gian tới, UBND huyện sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các đơn vị thực hiện nghiêm túc, đúng quy định về Đề án thực hiện thí điểm khai thác dịch vụ du lịch kết hợp phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện, đồng thời sẽ tiếp tục thẩm định các dự án tương tự theo đúng nguyên tắc nhằm nhân rộng mô hình một cách hiệu quả, phục vụ lợi ích cộng đồng”, ông Dũng nhấn mạnh.

ĐẮC MẠNH

;
;
.
.
.
.
.