Người Đà Nẵng

Truyền nghề bằng tình yêu thương

15:01, 29/06/2019 (GMT+7)

Bao năm nay, mỗi ngày, cô giáo Lê Thị Tuyết (48 tuổi, trú phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) vẫn đi về hơn 40km để dạy may cho người khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng (phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn), không kể mưa nắng, đêm hôm khuya khoắt…

Cô Tuyết (phải) tận tụy hướng dẫn từng động tác cho học viên.
Cô Tuyết (phải) tận tụy hướng dẫn từng động tác cho học viên.

Lớp học của cô Tuyến có gần 20 em với nhiều độ tuổi và dạng tật khác nhau như câm điếc, tự kỷ, khuyết tật vận động, thiểu năng trí tuệ... Khi chúng tôi đến, cô Tuyết đang đứng bên một học trò mới, tỉ mỉ hướng dẫn cho em những kiến thức đầu tiên của nghề may.

Em này đã 17 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, đang học những đường may cơ bản. Cho dù một động tác đơn giản nhất, cô Tuyết cũng phải chỉ đi chỉ lại nhiều lần. Kế bên một em khác, cô cũng ân cần, tỉ mỉ và kiên trì hướng dẫn từng động tác nhỏ... Những gương mặt ngây ngô, nói trước quên sau, nhưng trước sau vẫn không làm nản lòng người giáo viên phúc hậu, kiên nhẫn.

Đối với những em đã may khá, cô Tuyết tận tình hướng dẫn, truyền đạt cho các em những kiến thức cao hơn. “Các em đã may được đồ bộ rồi, phải tiếp tục học may áo sơ mi, quần tây, phải tiếp tục học nâng cao tay nghề để sau này có thể được các công ty may tuyển dụng, hoặc có thể mở tiệm may, hay làm dịch vụ vá sửa quần áo để kiếm sống”, vừa chỉ cô Tuyết vừa ân cần dặn dò các em.  

Không chỉ dạy may, hằng tháng, cô Tuyết còn phải lo cả khâu đầu vào, đầu ra của sản phẩm để tự trang trải một phần chi phí ăn uống cho các em, vì trung tâm này hoạt động bằng nguồn tài trợ của các nhà hảo tâm (không có nguồn ngân sách).

Nữ giáo viên giàu tâm huyết đã kết hợp dạy nghề với tạo ra sản phẩm hàng hóa. Những em mới học nghề sẽ may những sản phẩm đơn giản như tấm lau giày, còn các em đã may khá thì được may quần áo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp. Cô Tuyết còn dạy các em may ví, may túi xách, túi thổ cẩm để bán ra thị trường…

Từ lớp học của cô Tuyết, nhiều em đã trở thành thợ may lành nghề và tìm được việc làm ổn định. Đơn cử như em Nguyễn Thị Nhật Th., 22 tuổi, ở xã Bình Nguyên (Thăng Bình, Quảng Nam), bị thiểu năng trí tuệ, bắt đầu học may tại đây từ năm 2017. Đến nay, Th. đã may được đồ bà ba, áo đầm, quần áo âu phục. Còn em Phan Công H., 23 tuổi, quê xã Phú Long (Phú Ninh, Quảng Nam), bị câm điếc, vào đây học may từ năm 2016, bây giờ không chỉ may thành thạo nhiều sản phẩm, mà còn sửa được các sự cố về máy may, máy vắt sổ và trở thành “trợ thủ” cho cô Tuyết trong công việc hằng ngày.

Đặc biệt, hai thanh niên khuyết tật Đoàn Vĩnh L. và Nguyễn Thị Thu Th. sau 3 năm được cô Tuyết dạy may, đều đã xin được việc làm tại một doanh nghiệp may mặc trong Khu Công nghiệp Điện Nam-Điện Ngọc (tỉnh Quảng Nam) với mức lương hơn 5 triệu đồng/tháng…

Nói về cô Tuyết, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện Chữ thập đỏ thành phố Lê Tấn Hồng nhấn mạnh: Đó là một giáo viên giỏi, giàu nhiệt huyết và lòng nhân ái, là cá nhân điển hình về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.  

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.