Người sáng tạo xe máy điện 'made in Đà Nẵng'

.

Hơn 10 năm trước, cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn mang vinh dự về cho Đà Nẵng với tấm huy chương bạc đoạt được từ kỳ thi Olympic Tin học quốc tế. 10 năm sau, Sơn từ bỏ công việc đáng mơ ước trên đất Mỹ, trở về quê hương để chuyên tâm xây dựng thương hiệu xe máy điện thuần Việt “made in Đà Nẵng”. 

Nguyễn Bá Cảnh Sơn bên chiếc xe máy điện Weaver.  Ảnh: XUÂN SƠN
Nguyễn Bá Cảnh Sơn bên chiếc xe máy điện Weaver. 

Từ Thung lũng Silicon về… chợ Hàn

Một ngày cuối tháng 8 năm 2008, người dân Đà Nẵng vui mừng và tự hào khi cậu học trò Nguyễn Bá Cảnh Sơn (khi ấy học lớp 12A2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) xuất sắc giành huy chương bạc trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế lần thứ 20 tổ chức tại Ai Cập. Năm đó, Sơn được lãnh đạo UBND thành phố tuyên dương, khen thưởng và trở thành tấm gương học tập tiêu biểu cho giới trẻ thành phố. Thành tích ấy mở đầu cho chuyến du học của Sơn 2 năm sau đó tại Trường Đại học Illinois (Mỹ).

Tấm huy chương bạc đã là câu chuyện của 11 năm về trước. Cuối năm 2017, Nguyễn Bá Cảnh Sơn quyết định trở về quê nhà Đà Nẵng, với hành trang là “chuyến phiêu lưu 10 năm” trên xứ người, là tấm bằng Thạc sĩ khoa học máy tính và “ba-lô kinh nghiệm” quý giá mà anh tích lũy trong thời gian làm việc tại Thung lũng Silicon (Bắc California, Mỹ).

Trở lại quê nhà sau nhiều năm ở xứ người, cảm nhận của Sơn chính là sự thay đổi nhanh chóng về đường sá, hạ tầng của thành phố. Đà Nẵng ngày Sơn trở về hiện đại hơn, khang trang hơn nhưng cũng… ồn ào và bụi bặm hơn bởi số lượng ngày càng nhiều phương tiện lưu thông trên đường phố. Từ đó, Sơn trăn trở về một giải pháp giao thông vừa thân thiện với môi trường, vừa phù hợp với người Việt.

Nghĩ là làm, thạc sĩ sinh năm 1990 này trở lại Mỹ tìm câu trả lời cho ý tưởng của mình. Tháng 2-2018, tại California, Sơn bắt đầu nghiên cứu chế tạo xe máy điện theo hướng gọn nhẹ, tiết kiệm chi phí vận hành và không gây ô nhiễm môi trường. Dưới sự tư vấn, hỗ trợ từ những bạn bè và chuyên gia thân quen tại Mỹ, bản thử nghiệm đầu tiên ra đời. Ý tưởng được hiện thực hóa, tiếp theo là khâu kêu gọi vốn.

Suốt một thời gian dài, Sơn tự mình chạy mẫu xe điện đi khắp vùng Bay Area để giới thiệu ý tưởng, “gõ cửa” các nhà đầu tư để tìm kiếm nguồn vốn phát triển sản phẩm. “Có thời điểm, San Francisco rất lạnh, mình vẫn chạy xe đi giới thiệu. Nguồn điện trên xe cạn kiệt, vừa đi vừa sạc, lại phải tư duy làm sao để xe có thể di chuyển lâu hơn. Cứ đi như thế, có khi tối về đến nhà mới nhớ ra… mình chưa ăn gì”, Sơn cười kể lại.

Những ngày tháng trên đất Mỹ tạo động lực để Sơn hoàn thiện sản phẩm của mình ngày càng hoàn hảo hơn. Suốt một năm ròng rã với những thử nghiệm, nỗ lực của anh bắt đầu nhận được những kết quả tốt đẹp. Từ California, những bản vẽ theo chân Sơn về lại Đà Nẵng. Khu tầng trệt của chợ Hàn trở thành xưởng sản xuất, nghiên cứu sản phẩm.

Đến đầu năm 2019, Sơn rủ một người bạn Mỹ đồng sáng lập công ty Dat Bike và cho ra đời mẫu xe thương mại đầu tiên với tên gọi Weaver. Đây là chiếc xe máy điện đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá đạt khả năng tăng tốc cao hơn xe máy chạy xăng hiện nay. Bản quyền thương hiệu sớm được đăng ký tại Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Đến thời điểm hiện tại, tức tháng 4-2019, Dat Bike đã nhận được 20 đơn đặt hàng, một phần trong số đó đã được đưa ra thị trường.

Xây dựng thương hiệu Việt Nam

Để kiểm chứng chất lượng cho “đứa con tinh thần” của mình, Sơn đã cho chạy thử xe trên cung đường đèo Hải Vân, dừng chân ở Hải Vân quan trước khi đổ dốc về Lăng Cô (tỉnh Thừa Thiên Huế). Khi được Sơn mời chạy trải nghiệm xe trên đường phố Đà Nẵng, ấn tượng đầu tiên của chúng tôi là chiếc xe khá nhẹ, vặn nhẹ tay ga đã phóng vun vút lên tốc độ 70km/giờ, ngang với tốc độ trung bình của nhiều xe gắn máy chạy xăng hiện nay. Mỗi chiếc Weaver sử dụng nguồn năng lượng từ pin Lithium-ion có tuổi thọ 10 năm.

Theo tính toán của Sơn, mỗi lần sạc đầy pin mất 3 giờ đồng hồ. Anh cho hay, sau khi sạc đầy, xe có thể chạy tối đa 100km mới hết nguồn. Số tiền điện chia ra cho mỗi lần sạc khoảng 4.000 đồng. Con số này nhỏ hơn nhiều lần nếu so sánh với xe gắn máy chạy xăng, mỗi lần di chuyển 100km phải bỏ ra vài chục nghìn đồng cho một lần tiếp nhiên liệu.

Sơn hy vọng Weaver có thể khắc phục được những hạn chế của các dòng xe máy điện trên thị trường hiện nay như kiểu dáng chưa đẹp, tuổi thọ pin xe thấp, tốc độ chưa cao so với xe chạy xăng và khó di chuyển trên đường núi, dốc… Bên cạnh đó, xe cũng yêu cầu người lái có giấy phép lái xe cũng như gắn biển kiểm soát như xe máy thông thường.

“Mong muốn của mình là Dat Bike được công chúng biết đến rộng rãi như một sản phẩm do người Đà Nẵng làm ra, 100% thương hiệu Việt Nam. Trong tương lai gần, nếu sản phẩm tạo dựng được sự tín nhiệm từ thị trường và được sử dụng rộng rãi trên đường phố Đà Nẵng thì sẽ tạo nên hình ảnh thân thiện cho môi trường và cảnh quan thành phố. Bản thân mình cũng sẽ nâng cấp chất lượng xe thường xuyên để đáp ứng nhu cầu khách hàng”, Sơn chia sẻ.

Từ tấm huy chương bạc Olympic năm đó đến Thung lũng Silicon, từ San Francisco về Đà Nẵng, đó là chặng đường đi dài của Nguyễn Bá Cảnh Sơn trên con đường xây dựng sự nghiệp và góp sức vào sự phát triển của thành phố.

Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.