Cô Thanh 'gieo chữ' cho học sinh nghèo

.

ĐNO – "Các con đi học mới có tương lai, ra đời mới nên người. Các con không học sẽ mãi lận đận...", cô giáo Nguyễn Thị Đào Thanh vẫn luôn nhắc nhở những học trò của mình như thế khi các em chùn bước, nản học. 

a
Cô Nguyễn Thị Đào Thanh năng nổ trong công tác khuyến học, dạy học tình thương. Ảnh: L.V.T

 “Ngó vậy mà tôi đã dạy ở đây hơn 20 năm”, cô giáo Nguyễn Thị Đào Thanh (SN 1958) chia sẻ khi mở ra xem lại những chồng giấy tờ, bằng khen đã cũ chất ở góc nhà.

Hơn 20 năm sống và dạy học ở Hòa Minh rồi tham gia Chi hội phụ nữ Trung Nghĩa 5, cô đã thấy những ngõ hẻm đơn sơ trong lòng quận Liên Chiểu thuở nào dần khang trang hơn, chứng kiến những thế hệ học trò của mình dần trưởng thành và có công ăn việc làm ổn định. Các thế hệ học trò “tốt nghiệp” từ lớp học tình thương của cô Thanh vẫn mãi xem cô như người mẹ hiền.

Thời gian đầu, cô Thanh mở lớp học tại nhà với khoảng 40 em, đa số là các em nhỏ ở khu dân cư và các chú tiểu ở Bồ Đề Thiền Viện. Đến năm 2005, cô cùng một số đồng nghiệp và sư thầy ở Bồ Đề Thiền Viện mở các lớp học tình thương, kêu gọi mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí mua sách vở cho các em.

Dần dần, tiếng lành đồn xa, nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn bắt đầu đưa con đến lớp học của cô Thanh. Những con chữ, con số dần thành hình trên trang giấy của những đứa học trò nghèo.

Rồi cũng có trường hợp, có những em đã đến lớp nhưng lại không kiên trì theo học, thỉnh thoảng "trốn học" khiến cô phải "áp tải", thuyết phục các em đến lớp. Cô bảo mình phải dỗ dành, khuyên nhủ rằng "Các con có đi học, các con mới có tương lai. Không học sẽ mãi lận đận, có chữ thì ra đời mới nên người". 

Bây giờ, lớp học của cô đang có 35 học trò, chia thành 2 nhóm với 6 buổi ban đêm mỗi tuần. Đều đặn những buổi tối trong tuần, nhóm học trò nhí Châu Ngọc Quang, Nguyễn Thị Ngọc Hân, Nguyễn Hoàng Tuấn… í ới gọi nhau đi về trong con ngõ nhỏ trên đường Nguyễn Như Hạnh.

Khi tôi ghé thăm lớp học, cô Thanh đang cho các em tạm nghỉ một thời gian để làm công tác điều tra dân số, căn nhà cô sống suốt 20 năm cũng đang được sửa sang, cơi nới để có không gian rộng rãi hơn cho các em học hành.

Bản thân từng là giáo viên Trường THCS Kim Đồng, sau khi nghỉ hưu, cô Thanh càng dành nhiều thời gian hơn cho các hoạt động khuyến học, xóa mù chữ. Năm 2016, cô được phường Hòa Minh chọn đứng lớp xóa mù chữ cho 3 em có hoàn cảnh khó khăn tại khu dân cư Phước Lý.

Sau 3 tháng, các em đã biết đọc, biết viết, nhận ra được mặt chữ. Bản thân cô “tuyệt nhiên” không nhận một đồng nào vì “đó là việc nên làm”. Hằng năm, cô Thanh tham gia vận động kinh phí khen thưởng, hỗ trợ cho các em học sinh khá giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Câu chuyện về lớp học tình thương của cô Thanh ra đời từ tấm chân tình giữa bà con chòm xóm với người giáo viên nhiệt huyết, yêu nghề. Góc xóm nghèo nhưng chan chứa tình người. Ở đó, những lon gạo, trái cam, miếng mỳ lá… được chia sẻ cho nhau kèm nụ cười hiền lành chấc phác. Ở đó, nhiều đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn nhưng ham học.

Cô Thanh bảo: “Có sống giữa lòng bà con mới hiểu, mới thương xóm mình”.

Tháng 3 vừa qua, tại Giải thưởng “Chi hội Phụ nữ Liên Chiểu tiêu biểu” năm 2018 do Hội Liên hiệp phụ nữ quận tổ chức, Chi hội phụ nữ Trung Nghĩa 5 của phường Hòa Minh do cô Thanh làm chi hội trưởng đã được tuyên dương với nhiều mô hình, hoạt động hay với xã hội như vận động hội viên tham gia đóng góp 50.000 đồng/tháng để nấu cháo từ thiện cho Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng; thành lập “Tổ trợ tang” giúp đỡ cho những hội viên nghèo có người thân qua đời và đặc biệt là tổ chức lớp học tình thương miễn phí cho học sinh nghèo.

Chia sẻ về việc mình làm, cô Thanh tâm sự: "Được thấy các em học hành tiến bộ qua từng ngày là một hạnh phúc với chính bản thân tôi. Chỉ mong mình có đủ sức khỏe để dạy các em lâu dài, mong các em có điều kiện học hành thuận lợi hơn để không bị thua thiệt so với các bạn cùng trang lứa".

Biết đến câu chuyện về cô Thanh, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ quận Liên Chiểu Lê Thị Hằng cho biết: "Lớp học tình thương của chị Thanh đã trở thành một điểm sáng trong hoạt động phụ nữ của phường Hòa Minh nói chung và quận Liên Chiểu nói riêng. Đây là một hoạt động thiết thực và cần được nhân rộng trên địa bàn quận."

XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.