Làm gì để startup hoạt động và phát triển sau khi ươm tạo?

.

Các chương trình ươm tạo giúp cho nhiều đơn vị khởi nghiệp (startup) xây dựng và hình thành các định hướng phát triển phù hợp; khơi gợi và mở ra cơ hội hợp tác thị trường, phát triển thương hiệu, đóng góp tích cực vào hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của thành phố. Dù vậy, cần có giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển và nâng cao khả năng cạnh tranh của startup sau khi ươm tạo.

Các vườn ươm giúp nhiều startup xây dựng và hình thành các định hướng phát triển phù hợp. TRONG ẢNH: Một dự án được ươm tạo tại DNES đang trao đổi, chia sẻ. Ảnh: VH
Các vườn ươm giúp nhiều startup xây dựng và hình thành các định hướng phát triển phù hợp. TRONG ẢNH: Một dự án được ươm tạo tại DNES đang trao đổi, chia sẻ. Ảnh: VH

Nhiều thành quả ấn tượng

Thành lập từ tháng 1-2016, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES) là công ty hợp tác theo mô hình công tư đầu tiên trên địa bàn thành phố. Với sứ mệnh hỗ trợ, nâng tầm doanh nghiệp thông qua khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và kết nối các nguồn lực trong hệ sinh thái hướng tới phát triển bền vững, DNES đã triển khai nhiều chương trình, hoạt động hỗ trợ. Đặc biệt, chương trình ươm tạo khởi nghiệp FINC của DNES đã hỗ trợ ươm tạo cho hơn 90 startup/dự án. Các startup tiềm năng từ chương trình đã kêu gọi được nguồn vốn đầu tư khoảng 25 triệu USD từ các nhà đầu tư, quỹ đầu tư; 5 công ty đã xuất khẩu sản phẩm ra thị trường quốc tế…

Những thành tựu trên là cơ sở lý thuyết và thực tiễn để DNES nâng cấp chương trình FINC thành phiên bản FINC+ để ươm tạo đạt hiệu quả hơn. Theo đó, DNES đã thực hiện chuyển đổi số, thiết kế và xây dựng chương trình ươm tạo FINC mới (FINC+) lên nền tảng trực tuyến, tạo không gian để tăng tính tương tác; ứng dụng công nghệ để bảo đảm khả năng mở rộng, mang lại cơ hội và khả năng tiếp cận chương trình ươm tạo đến nhiều dự án khởi nghiệp hơn trong hệ sinh thái, thực hiện sứ mệnh phổ cập kiến thức khởi nghiệp. Nền tảng ươm tạo tương tác FINC+ kéo dài trong 4 tháng, giúp startup có thể tự thực hành và hoàn thiện doanh nghiệp của mình, sẵn sàng cho giai đoạn tiếp cận thị trường. Năm 2023, DNES đã ươm tạo một số startup như FiveSS, Beans Community Hub, Xiro Tr’din, Fastdo, Vigift.

Tương tự, từ cuối năm 2019, Trung tâm Dịch vụ tổng hợp Khu Công nghệ cao Đà Nẵng (thuộc Ban Quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng) được UBND thành phố giao nhiệm vụ hỗ trợ ươm tạo công nghệ cao. Đến nay, trung tâm đã hỗ trợ ươm tạo cho 7/9 dự án được tuyển chọn. Trong quá trình ươm tạo, các dự án được hỗ trợ tham gia các khóa đào tạo kiến thức, nâng cao kiến thức về khởi nghiệp công nghệ cao, đổi mới sáng tạo, cụ thể: đào tạo cơ bản và nâng cao năng lực về sở hữu trí tuệ, quản trị, tài chính, tư vấn chuyên sâu với chuyên gia.

Ngoài ra, trung tâm còn hỗ trợ kết nối các dự án ươm tạo với hệ sinh thái khởi nghiệp trong và ngoài nước, nhà đầu tư, quỹ đầu tư, tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm, đồng hành. Một số dự án đã đạt được một số kết quả nổi bật sau quá trình ươm tạo như dự án “Xử lý, tái chế pin năng lượng mặt trời phế thải” được Quỹ Hoa Kỳ USASCP (U.S.-ASEAN Smart Cities Partnership) tài trợ 200 nghìn USD để nghiên cứu, triển khai dự án giai đoạn 1 và được xếp là một trong top 6 dự án của châu Á được nhận mức tài trợ cao nhất; dự án “Shipway - Vận tải thông minh” nhận được 300 triệu đồng kinh phí hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ để tiếp tục phát triển dự án…

Nâng cao chất lượng ươm tạo

Nhiều năm gắn bó với DNES, ông Nguyễn Văn Chương, Quản lý Chương trình Swiss EP tại Đà Nẵng (Chương trình Khởi nghiệp Thụy Sĩ) nhìn nhận, để xây dựng, hỗ trợ cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cũng như giúp startup duy trì hoạt động và phát triển sau quá trình ươm tạo, các vườn ươm cần tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, cần mở rộng và đa dạng hóa các chương trình hỗ trợ như: cung cấp các chương trình hỗ trợ phù hợp với từng giai đoạn phát triển của startup; đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ như tư vấn, đào tạo, kết nối với nhà đầu tư, hỗ trợ tài chính…; phát triển các chương trình chuyên sâu cho các lĩnh vực khởi nghiệp tiềm năng.

Các vườn ươm cần thu hút và tuyển dụng đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tiễn trong từng lĩnh vực khởi nghiệp để nâng cao chất lượng; tăng cường kết nối với các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp thông qua việc phối hợp với các tổ chức khởi nghiệp khác tạo ra hệ sinh thái hỗ trợ toàn diện cho startup, tổ chức các sự kiện kết nối, tạo điều kiện cho startup tham gia các mạng lưới khởi nghiệp trong nước và quốc tế.

Các vườn ươm cũng cần chú trọng vào việc phát triển năng lực của startup thông qua tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn về các kỹ năng cần thiết như xây dựng mô hình kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, gọi vốn...; cung cấp dịch vụ tư vấn, mentoring để hỗ trợ startup giải quyết các vấn đề trong quá trình hoạt động và xây dựng chiến lược phát triển phù hợp và tiếp cận thị trường hiệu quả; tận dụng công nghệ vào hoạt động ươm tạo, xây dựng nền tảng kết nối trực tuyến… “Thực tế, để các vườn ươm tồn tại và phát triển bền vững rất cần sự hậu thuẫn, tài trợ vốn, hạ tầng mạnh mẽ từ chính quyền địa phương/doanh nghiệp”, ông Chương thông tin thêm.

Ông Lý Đình Quân, Tổng Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator) thông tin, thực hiện mục tiêu ươm tạo và hỗ trợ tài năng khởi nghiệp, Songhan Incubator xác định phải chung tay với thành phố và các bên để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Trong 7 năm qua, Songhan Incubator đã góp phần kiến tạo giá trị nền tảng cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Đà Nẵng và Việt Nam nói chung. Songhan Incubator đã làm chủ hệ thống tri thức về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo có thể tư vấn, chuyển giao, đồng hành với các tổ chức dịch vụ triển khai hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; mạng lưới nguồn lực liên kết, hợp tác đa dạng với các đối tác bộ, ngành, địa phương, các trường đại học, các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, hiệp hội, tổ chức quốc tế, chuyên gia, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư và mạng lưới các startup với hơn 200 đầu mối hợp tác.

“Để hỗ trợ cho hệ sinh thái cũng như giúp startup hoạt động và phát triển sau quá trình ươm tạo, các vườn ươm cần sự chung tay xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp địa phương, xây dựng mạng lưới các mentor (người hướng dẫn), các nhà đầu tư, hỗ trợ cho startup phát triển về năng lực, kết nối nguồn lực và phát triển thị trường trong nước và quốc tế”, ông Quân cho biết.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.