Kích cầu tiêu dùng hàng hóa dịp cuối năm

.

Thị trường hàng hóa bán lẻ, tiêu dùng trên địa bàn thành phố hiện nay chưa có nhiều biến động với sức mua và nhu cầu ổn định. Ngành công thương cùng các địa phương đang triển khai nhiều giải pháp mạnh mẽ, kích thích tiêu dùng nội địa, tận dụng sự phục hồi tích cực trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Người dân tham gia phiên chợ thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” tại công viên bờ đông cầu Rồng trong tối 1-12. Ảnh: VĂN HOÀNG
Người dân tham gia phiên chợ thanh toán không dùng tiền mặt kết hợp phát động “Ngày mua sắm trực tuyến Online Friday” tại công viên bờ đông cầu Rồng trong tối 1-12. Ảnh: VĂN HOÀNG

Theo Cục Thống kê thành phố, doanh thu bán lẻ hàng hóa tháng 11 ước đạt 5.896 tỷ đồng, tăng 2,7% so với tháng trước và 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, bán lẻ trong siêu thị và trung tâm thương mại ước đạt 291 tỷ đồng, tăng 5,3% so với tháng trước và tăng 6,9% so với tháng cùng kỳ. So với tháng 10, 10/12 nhóm ngành có doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng, cụ thể: hàng may mặc tăng 2,7%; lương thực, thực phẩm tăng 0,8%; phương tiện đi lại tăng 4,3%; hàng hóa khác tăng 9,3%..; riêng nhóm đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình và nhóm sửa chữa xe có động cơ, mô-tô, xe máy bị giảm. Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa ước đạt 62.302 tỷ đồng, tăng 6,2% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trên địa bàn thành phố trong tháng 11-2023 giảm 0,05% so với tháng trước và tăng 3,13% so với cùng kỳ. Qua thống kê, có 3/11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chỉ số giá giảm; 7/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 1 nhóm có giá bình ổn so với tháng trước.

Mặc dù sức mua và nhu cầu ổn định nhưng các doanh nghiệp bán lẻ, nhà phân phối đã triển khai các kế hoạch, tập trung nhiều chiến lược nhằm kích cầu tiêu dùng, tạo sự tăng trưởng dương trong dịp cuối năm và dịp Tết Nguyên đán 2024. Bà Nguyễn Thị Bích Vân, Giám đốc Truyền thông Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam cho hay thị trường cuối năm chưa có nhiều nổi trội, sức mua vẫn còn yếu và chưa có sức bật, tuy vậy, doanh nghiệp dự kiến vẫn tăng trưởng nhẹ. Trước khó khăn của tình hình kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu, chi tiêu của người dân, các đơn vị đã chủ động làm việc với nhà phân phối để chuẩn bị lượng hàng hóa, bảo đảm giá cả, phù hợp với nhu cầu chi tiêu trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

Nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại sẽ được Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tổ chức để kích cầu, tiêu dùng cuối năm.Trong ảnh: Người dân tham dự hội chợ hàng Việt Đà Nẵng năm 2023.  Ảnh: VĂN HOÀNG
Nhiều chương trình, hội chợ xúc tiến thương mại sẽ được Sở Công Thương phối hợp với các đơn vị tổ chức để kích cầu, tiêu dùng cuối năm.TRONG ẢNH: Người dân tham dự hội chợ hàng Việt Đà Nẵng năm 2023. Ảnh: VĂN HOÀNG

Bà Võ Thị Thu Thủy, Giám đốc siêu thị GO! Đà Nẵng thông tin, siêu thị thường xuyên khảo sát giá để mang đến giá tốt nhất cho người dân, hiện công tác chuẩn bị hàng hóa cơ bản được bảo đảm. Dịp Tết năm nay, Go! Đà Nẵng đặt mục tiêu tăng trưởng 25% với lượng hàng dự trữ tăng 35% so với trong năm. Bên cạnh đó, siêu thị sẽ triển khai nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu, qua đó, tạo sự sôi động của thị trường tiêu dùng trong dịp cuối năm và góp phần phục hồi thị trường.

Trong khi đó, đối với việc bán lẻ hàng hóa, tiêu dùng tại các chợ truyền thống trên địa bàn, sức mua cũng chưa có biến động mạnh, lượng hàng hóa bán ra không tăng so với cùng kỳ. Theo một số tiểu thương, nguồn cung hàng hóa năm nay khá dồi dào, kịp thời cung ứng cho người tiêu dùng. Mọi năm từ tháng Chạp, sức mua của người dân mới bắt đầu tăng mạnh. Thời điểm này, các hộ kinh doanh vẫn chưa dự trữ hàng hóa nhiều mà chỉ đặt vấn đề với các đơn vị cung cấp về các vấn đề như lượng hàng dự kiến, giá bán bình ổn… để phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp cuối năm và cận Tết.

Theo Sở Công Thương, dự kiến trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sở sẽ phối hợp với các doanh nghiệp liên quan tổ chức 19 điểm bán hàng bình ổn các mặt hàng gia súc, gia cầm bình ổn từ ngày 6 đến 8-2-2024 (nhằm 27-29 tháng Chạp) nhằm ổn định thị trường, cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tăng cao trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2024, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Đồng thời, tổ chức 3 đợt bán hàng bình ổn giá, phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trên địa bàn các xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang từ ngày 24 đến 28-1-2024 tại xã Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh. Sở tiếp tục tăng cường công tác giám sát, nắm bắt tình hình cung cầu hàng hóa, thị trường và phối hợp theo dõi, ngăn chặn các hoạt động gây bất ổn thị trường Tết Nguyên đán 2024.

VĂN HOÀNG

;
;
.
.
.
.
.