Sức bật mới cho ngành công nghệ thông tin

.

Công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những điểm sáng trong bức tranh kinh tế-xã hội Đà Nẵng năm 2019 vừa qua. Trong năm mới 2020, thành phố sẽ có thêm nhiều hỗ trợ thiết thực để tiếp tục thúc đẩy các doanh nghiệp trong lĩnh vực này, hướng đến mục tiêu trở thành trung tâm CNTT của cả nước và khu vực Đông Nam Á vào năm 2030 như Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt ra.

Năm 2020, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.
Năm 2020, Đà Nẵng sẽ có thêm nhiều hỗ trợ thiết thực cho các doanh nghiệp công nghệ thông tin.

Theo số liệu của Sở Thông tin và Truyền thông, Đà Nẵng hiện có khoảng 3.800 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CNTT (chiếm 14% tổng số doanh nghiệp) với gần 32.000 nhân lực. Doanh thu của ngành này tăng trưởng với tốc độ trung bình 20%/năm.

Năm 2019, tổng doanh thu ngành thông tin và truyền thông Đà Nẵng ước đạt 30.050 tỷ đồng, đạt 104% kế hoạch, tăng 19,2% so với năm 2018. Trong đó, doanh thu công nghiệp CNTT ước đạt 19.570 tỷ đồng, tăng 21,3%; kim ngạch xuất khẩu phần mềm đạt 89 triệu USD, đạt 111% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, ước nộp ngân sách 125 tỷ đồng. Một số doanh nghiệp phần mềm có tốc độ tăng trưởng cao, từ 25% đến 30%.

Ông Đặng Ngọc Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội phần mềm Đà Nẵng cho biết trong năm 2019, Đà Nẵng tiếp tục là điểm đến mới khá hấp dẫn với các doanh nghiệp CNTT, trong đó có các doanh nghiệp đã có mặt ở Việt Nam muốn mở chi nhánh tại Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, các công ty nước ngoài, đặc biệt là từ châu Âu, Úc và Mỹ đến xây dựng trung tâm phát triển phần mềm tại Đà Nẵng để tìm kiếm nguồn lực gia công.

Giữa tháng 12-2019, Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam (chuyên phát triển phần mềm) đã khai trương văn phòng tại Đà Nẵng. Đây là văn phòng thứ 6 của công ty tại Việt Nam và trên thế giới, cũng là văn phòng đầu tiên ở khu vực miền Trung. Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc công ty chia sẻ: “Nhân lực của Đà Nẵng có kỹ năng về khoa học-công nghệ và chịu khó. Ngoài ra, chính quyền thành phố cũng tạo nhiều điều kiện cho doanh nghiệp CNTT.

Mặt khác, Đà Nẵng không quá xa thành phố Hồ Chí Minh, giao thông thuận tiện, có đường bay quốc tế đi Mỹ, nơi đặt trụ sở chính và tập trung phần lớn khách hàng của KMS Technology”. Ông Hiếu cho hay, hiện chi nhánh công ty tại Đà Nẵng đã đi vào hoạt động với dự án đầu tiên cho thị trường Mỹ.

Bước đầu, công ty sẽ tập trung cung cấp dịch vụ phát triển và kiểm thử phần mềm cho thị trường Mỹ, tiếp đó xây dựng nguồn lực sẵn sàng cho những dự án tiềm năng trong tương lai. Theo ông Hiếu, ngoài dịch vụ phát triển phần mềm, KMS Technology đang cung cấp dịch vụ tư vấn và triển khai các giải pháp trong lĩnh vực chuyển đổi số, phân tích dữ liệu, quản lý chuỗi cung ứng bằng trí tuệ nhân tạo tại Việt Nam và châu Á. Nguồn nhân lực của KMS Technology Đà Nẵng cũng được kỳ vọng sẽ tham gia vào các lĩnh vực này.

Đà Nẵng thu hút các công ty công nghệ thông tin trong và ngoài nước nhờ nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, chịu khó. (Ảnh do Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam cung cấp)
Đà Nẵng thu hút các công ty công nghệ thông tin trong và ngoài nước nhờ nguồn nhân lực có chuyên môn tốt, chịu khó. (Ảnh do Công ty TNHH KMS Technology Việt Nam cung cấp)

Ngoài sự xuất hiện của các doanh nghiệp mới, ngành CNTT của Đà Nẵng năm qua còn chứng kiến xu hướng dịch chuyển tích cực trong chuỗi giá trị. Ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng cho hay, bên cạnh dịch vụ ủy thác truyền thống, hiện nhiều doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng đã có những đầu tư để xây dựng các sản phẩm hoặc dịch vụ với hàm lượng công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao vượt trội.

Một trong những doanh nghiệp như vậy là Công ty TNHH Công nghệ Technocom (chuyên cung cấp các dịch vụ phần mềm cho thị trường toàn cầu). Anh Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc công ty cho biết, tháng 11 vừa qua, Technocom đã ký kết với 2 đối tác Hàn Quốc để hợp tác trong thiết kế, phát triển, xây dựng các chương trình đào tạo và học tập. Hiện công ty đang có 5 kỹ sư làm việc tại Mỹ.

Sắp đến, Technocom cũng sẽ phát triển ở thị trường châu Âu, tạo điều kiện cho các kỹ sư của công ty đến châu Âu làm việc. Trong tương lai xa hơn nữa, công ty sẽ mở rộng ở thị trường Úc.

Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Tư vấn giải pháp CNTT Toàn Cầu Xanh đã thành lập nhóm kỹ sư chuyên về trí tuệ nhân tạo để áp dụng công nghệ mới này vào các sản phẩm thực tế. Ông Lê Trí Hải, Giám đốc Công ty Toàn Cầu Xanh cho biết, dự án này là sự kết hợp giữa công nghệ máy học (Machine Learning) và khai thác dữ liệu (Data Mining), từ đó phát triển hệ thống giám sát và quản lý thông minh cho các cửa hàng, siêu thị, nhà máy, bệnh viện, khách sạn… Hiện sản phẩm này đã được sử dụng ở nhiều cửa hàng bán lẻ tại Nhật Bản.

Trong chiến lược phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045, Đà Nẵng được xác định nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin gắn với nền kinh tế số” là 1 trong 5 nhiệm vụ ưu tiên triển khai; đồng thời đặt mục tiêu đến năm 2025, CNTT đóng góp vào 10% GRDP của thành phố và năm 2030 là 15% GRDP.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2020 vào cuối tháng 12-2019, thành phố đặt mục tiêu năm 2020, doanh thu dịch vụ thông tin và truyền thông tăng 12%, giá trị tăng thêm của lĩnh vực đạt 12,5 - 13%.

KHANG NINH

;
;
.
.
.
.
.