Du lịch Đà Nẵng

Phát huy lợi thế biển Đà Nẵng trong phát triển du lịch

09:05, 14/11/2020 (GMT+7)

Cũng như nhiều địa phương có biển khác, du lịch biển được xem là một trong những lợi thế lớn của ngành du lịch Đà Nẵng. Việc khai thác và phát huy tốt những lợi thế này góp phần đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố.

Cần khai thác đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch biển để phát huy được lợi thế biển của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một hoạt động dành cho du khách được tổ chức tại biển Đà Nẵng.  Ảnh: HÀ KHUÊ
Cần khai thác đa dạng hơn nữa các sản phẩm du lịch biển để phát huy được lợi thế biển của Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Một hoạt động dành cho du khách được tổ chức tại biển Đà Nẵng. Ảnh: HÀ KHUÊ

Đà Nẵng có bờ biển dài, trải rộng với nhiều bãi biển đẹp như: Xuân Thiều, Nam Ô, Sơn Trà, Mỹ Khê, Bắc Mỹ An, Sơn Thủy, Non Nước… Thành phố còn có cảng biển nước sâu thuận lợi cho phát triển kinh tế, du lịch biển, đặc biệt là du lịch tàu biển… Thời gian qua, một số bãi biển của Đà Nẵng được các tạp chí quốc tế vinh danh như bãi biển Mỹ Khê được tạp chí Forber của Mỹ bình chọn là 1 trong 6 bãi biển quyến rũ nhất hành tinh năm 2005; năm 2009 được tờ Sunday Herald Sun (Australia) bình chọn là 1 trong 10 bãi biển đẹp nhất châu Á. Năm 2017, biển Non Nước (Ngũ Hành Sơn) xếp vị trí thứ 10 trong top 25 bãi biển đẹp nhất châu Á do Tripadvisor bình chọn… Những điều này đã cho thấy biển Đà Nẵng có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

PGS.TS. Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch), cho rằng sản phẩm du lịch của Đà Nẵng hiện khá đa dạng, tập trung vào một số nhóm sản phẩm chính như: nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển bao gồm các dòng sản phẩm nghỉ dưỡng từ thấp cấp với dịch vụ lưu trú của hệ thống các khách sạn từ 1-3 sao; nhóm dòng sản phẩm cao cấp tại các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao như Sheraton Grand Đà Nẵng, Furama Resort, Nam An Retreat, Pullman, Vinpearl Resort & spa, InterContinental Đà Nẵng Sun Peninsula Resort… Hệ thống các cơ sở lưu trú này tập trung chủ yếu dọc theo dải bờ biển từ Sơn Trà đến khu nghỉ dưỡng giáp với thị xã Điện Bàn cũng như thành phố Hội An (Quảng Nam) và dải ven biển vịnh Đà Nẵng dọc theo đường Nguyễn Tất Thành.

Cùng với đó, thành phố cũng đã đầu tư, xây dựng nhiều chương trình, hoạt động thường niên dành cho du khách như: chương trình Đà Nẵng - Điểm hẹn mùa hè, mùa du lịch biển, lễ hội cầu ngư cũng như tổ chức các hoạt động sự kiện liên quan đến biển như hội chợ du lịch nghỉ dưỡng biển và MICE; bắn pháo hoa trên biển Đà Nẵng; các sự kiện du lịch, thể thao lớn mang tầm quốc tế như giải đua thuyền buồm quốc tế Clipper Race 2016; đại hội thể thao bãi biển châu Á ABG 5 (2016)… Phần lớn khách du lịch đến Đà Nẵng thường lựa chọn sử dụng các dịch vụ lưu trú, sản phẩm du lịch thuộc nhóm du lịch nghỉ dưỡng. Ngoài ra, Đà Nẵng cũng có nhóm sản phẩm du lịch thể thao mạo hiểm nhưng loại hình sản phẩm này mới phát triển trong những năm gần đây như trải nghiệm dù lượn tại bán đảo Sơn Trà, lặn biển, chơi dù lượn có cano kéo, mô-tô nước, chèo thuyền kayak…

Tuy nhiên, theo đánh giá của những người làm du lịch, dù có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch biển nhưng vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là cơ sở hạ tầng phục vụ khách du lịch tàu biển chưa được đầu tư tương xứng, thiếu các dịch vụ, hạ tầng liên quan như cảng dành riêng cho khách du lịch, nhà chờ, các tiện ích khác… Chưa kể, việc quy hoạch phát triển du lịch dải ven biển hiện vẫn đang theo tư duy “phân lô” và chưa tuân thủ những nguyên tắc cơ bản của quy hoạch du lịch ở vùng ven biển đã bộc lộ nhiều bất cập, đặc biệt gây “xung đột” giữa các nhà đầu tư du lịch với cộng đồng trong việc sử dụng dải ven biển…

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố Cao Trí Dũng cho rằng, Đà Nẵng có một ưu đãi rất lớn được thiên nhiên ban tặng đó là những bờ biển đẹp, cảng biển thuận lợi, chính quyền đầu tư cơ sở hạ tầng bài bản… Tuy nhiên, thành phố Đà Nẵng mới chỉ khai thác được bề nổi của sản phẩm du lịch biển mà chưa khai thác được hết các tiềm năng vốn có của du lịch biển như trên bờ (các hoạt động giải trí, kết hợp ăn uống), trên mặt nước (các hoạt động thể thao biển, các trò chơi mạo hiểm…), dưới mặt nước (lặn ngắm san hô, khám phá đại dương…). Nếu hình thành và khai thác tốt những sản phẩm này thì du lịch Đà Nẵng sẽ rất đa dạng, phong phú và phù hợp với các thị trường khách khác nhau.

Nhận thức được vai trò và tầm quan trọng của du lịch biển, ngành du lịch thành phố cũng đang từng bước hình thành các sản phẩm du lịch biển theo định hướng phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng. Song song đó, nhanh chóng triển khai các đề án liên quan đến du lịch biển như đề án “Phát triển du lịch cộng đồng tại bãi biển Thọ Quang - Mân Thái”; đề án “Phát triển du lịch cộng đồng Nam Ô”; đề án “Quản lý và khai thác các bãi biển du lịch tuyến đường Nguyễn Tất Thành giai đoạn 2018-2020”… Các đề án này đều tập trung vào hình thành nên các sản phẩm du lịch, tạo sự đa dạng hấp dẫn cho du lịch thành phố, khai thác tối đa tiềm năng, lợi thể để thúc đẩy kinh tế biển của Đà Nẵng trong những giai đoạn tới.

HÀ KHUÊ

.