Tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh

.

Năm năm qua (2015-2020), trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ, quân và dân thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực phấn đấu và đạt được những kết quả quan trọng. Đặc biệt, trước những khó khăn, thách thức mới, thành phố đã kịp thời điều chỉnh, đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, quyết tâm khắc phục những hạn chế trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Qua đó, kinh tế thành phố duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng. Hoạt động đối ngoại được mở rộng; các chỉ số về tính hấp dẫn, tính cạnh tranh địa phương, chỉ số phát triển con người, chỉ số ứng dụng công nghệ - khoa học kỹ thuật được duy trì trong nhóm các địa phương dẫn đầu của cả nước. 

Nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tạo dấu ấn tích cực trong thu hút đầu tư, tạo đà phát triển cho giai đoạn mới. TRONG ẢNH: Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng.Ảnh: P.V
Nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố tạo dấu ấn tích cực trong thu hút đầu tư, tạo đà phát triển cho giai đoạn mới. TRONG ẢNH: Lễ ký kết Biên bản thỏa thuận khảo sát thu thập số liệu nghiên cứu dự án phát triển cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng. Ảnh: P.V

Từng bước khẳng định vai trò đô thị lớn, động lực phát triển

Thực hiện 3 đột phá về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết đại hội XXI của Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã đạt kết quả rõ nét trên một số lĩnh vực. Ngành dịch vụ dẫn đầu về tỷ trọng; dịch vụ thương mại, thông tin và truyền thông, vận tải, logistics, tài chính, ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế đều phát triển với tốc độ cao. Du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu, có khả năng cạnh tranh quốc tế. Lĩnh vực công nghiệp duy trì mức tăng trưởng khá, trong đó công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin được chú trọng phát triển. Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường.

Tiềm năng, thế mạnh kinh tế biển ngày càng được phát huy với vị thế là 1 trong 3 trụ cột phát triển của Đà Nẵng. Hạ tầng kinh tế - xã hội, diện mạo đô thị có bước phát triển nhanh theo hướng văn minh, bền vững, thân thiện. Xây dựng nông thôn mới hoàn thành sớm mục tiêu đề ra. Đà Nẵng từng bước khẳng định vai trò là đô thị lớn, đầu tàu, động lực phát triển, trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Điểm qua một số thành tựu trong các lĩnh vực phát triển kinh tế thành phố Đà Nẵng thể hiện kinh tế duy trì nhịp độ tăng trưởng khá, các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP, giá so sánh 2010) giai đoạn 2016-2019 ước tăng bình quân 7,5%/năm (Nghị quyết là 8-9%) với quy mô GRDP (giá hiện hành) năm 2019 ước khoảng 110.792 tỷ đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) năm 2019 ước đạt 95,7 triệu đồng (tương đương 4.095 USD), gấp 1,3 lần năm 2015 và đạt chỉ tiêu đề ra (Nghị quyết là 4.000-4.500 USD). Tuy nhiên, bước sang năm 2020, tình hình Covid-19 kéo giảm GRDP giai đoạn 2015-2020 còn 4%/năm.

Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển dịch đúng định hướng theo Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045, với tỷ trọng dịch vụ 65%; công nghiệp - xây dựng 22,3%; nông nghiệp 2,3%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm 10,4%. Việc thực hiện đột phá thứ nhất về phát triển các ngành dịch vụ, nhất là du lịch đạt nhiều kết quả. Dịch vụ du lịch tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Dịch vụ thương mại duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và du khách. Hạ tầng thương mại cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển; hệ thống các chợ, siêu thị, tuyến phố chuyên doanh được đầu tư theo hướng văn minh, hiện đại. Các ngành dịch vụ khác tiếp tục phát triển đa dạng và nâng cao chất lượng, đáp ứng nhu cầu đời sống, sản xuất, thương mại quốc tế, từng bước tạo lập vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.

Dịch vụ bưu chính - viễn thông, công nghệ thông tin phát triển mạnh; hạ tầng công nghệ thông tin - truyền thông được đầu tư đồng bộ, hiện đại và nâng cấp thường xuyên. Doanh thu ngành thông tin - truyền thông tăng bình quân 6,9%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm tăng 14,5%/năm. Các dịch vụ tài chính - ngân hàng phát triển đa dạng về loại hình hoạt động và hình thức sản phẩm, đáp ứng nhu cầu vốn đầu tư tư nhân; huy động vốn tăng trưởng 15,3%/năm, cho vay tăng 20,9%/năm. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định; công nghiệp công nghệ thông tin phát triển tốt; đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao nhiều khởi sắc. Giá trị gia tăng ngành công nghiệp tăng bình quân 3%/năm. Kinh tế biển và cảng biển có bước phát triển, hạ tầng được đầu tư xây dựng và khai thác hiệu quả. Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tái cơ cấu sản xuất, phát triển sản phẩm chủ lực, đặc trưng, phục vụ du lịch và đô thị.

Thành phố Đà Nẵng cũng thực hiện linh hoạt, đồng bộ các cơ chế, chính sách; tăng cường thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển. Giai đoạn 2015-2020, đã thu hút được 6 dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi với tổng vốn ODA là 351,423 triệu USD; số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tăng gấp hai lần và số vốn gấp ba lần so với thời điểm năm 2015; thu hút 77.678 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (trong đó: vốn đầu tư trong nước ngoài khu công nghiệp 68.419 tỷ đồng) và 1.399,1 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Tổng vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2015-2020 huy động ước đạt 187,7 nghìn tỷ đồng, tăng 3,7%/năm, năm 2020 ước đạt 37.696 tỷ đồng, gấp 1,2 lần so với năm 2015.

Về quy hoạch phát triển, đầu tư xây dựng được xác lập và điều chỉnh theo hướng bền vững, hướng đến cộng đồng, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị Đà Nẵng trong giai đoạn mới thông qua 2 nội dung đột phá. Cụ thể, thực hiện đột phá thứ nhất về xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị được triển khai đồng bộ, có trọng điểm với tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố giai đoạn 2015-2020 đạt 43.481 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, nhiều công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được nâng cấp và cải thiện, cơ sở hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư, diện mạo đô thị có bước phát triển mới. Các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và các dự án dư luận xã hội quan tâm theo hướng phục vụ tốt cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.

Nội dung đột phá thứ 2 là thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” đạt được những kết quả tích cực. Các dự án trọng điểm về môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu được ưu tiên triển khai. Theo đó, hạ tầng kỹ thuật đô thị, môi trường, thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải trên toàn thành phố, nhất là khu vực ven biển phía đông và vịnh Đà Nẵng được đầu tư ngày càng hoàn thiện. Các điểm nóng về ô nhiễm môi trường được tập trung xử lý, góp phần cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.  

Đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: KIM LIÊN
Đô thị Đà Nẵng hôm nay. Ảnh: KIM LIÊN

Phục hồi, nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế

Bước sang giai đoạn phát triển mới, chủ trương của thành phố tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp sớm khôi phục nhịp độ tăng trưởng kinh tế - xã hội thành phố sau Covid-19. Đồng thời triển khai một cách căn cơ, vững chắc các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Đó là đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, phù hợp với quy hoạch tổng thể thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo bức phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững, hướng đến xây dựng “thành phố đáng sống”.

Để đẩy nhanh và thực hiện thực chất, có hiệu quả tiến trình tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh của nền kinh tế, trước hết là triển khai thực hiện thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế, tạo động lực tăng trưởng mới.

Đồng thời, thực hiện duy trì cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp, xây dựng – nông nghiệp bảo đảm phát triển bền vững, chuyển đổi từng bước, căn bản các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao (dịch vụ: 63- 65%; công nghiệp - xây dựng: 23-25%; nông nghiệp: 1-2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm: 11-12%), chú trọng phát triển kinh tế tập thể, kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế để phát triển các mô hình kinh tế mới có ứng dụng công nghệ số, với các trụ cột: phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, phát huy thế mạnh về du lịch, ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế; phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông phù hợp với xu hướng Cách mạng công nghiệp 4.0 gắn với xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh và nền kinh tế số; tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch, gắn với cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.

Để thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ trên, thành phố tập trung ưu tiên 5 lĩnh vực mũi nhọn cụ thể phát triển du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; phát triển cảng biển nước sâu, mở rộng và nâng công suất Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng gắn với phát triển dịch vụ logistics và trung chuyển quốc tế; phát triển công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị khởi nghiệp sáng tạo để thật sự trở thành động lực chính, thúc đẩy tăng trưởng; phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với phát triển nền kinh tế số, xây dựng thành phố thông minh; và thứ năm là đẩy mạnh phát triển sản xuất sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa và thực thi tốt các chính sách kinh tế biển.

HUỲNH ĐỨC THƠ
Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng

;
;
.
.
.
.
.