Phát triển Đà Nẵng theo 3 trụ cột, 5 lĩnh vực mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW

.

ĐNO - Ngày 21-10, tại phiên khai mạc chính thức Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ XXII, nhiều đại biểu với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm cao đã nêu các kiến giải, đề xuất ý kiến để nhiệm kỳ mới Đà Nẵng phát triển nhanh hơn, vững chắc hơn. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

PHÓ CHỦ TỊCH UBND THÀNH PHỐ HỒ KỲ MINH: Phấn đấu đưa nền kinh tế Đà Nẵng tăng trưởng 10% vào năm 2025

Dự thảo văn kiện Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố Đà Nẵng đã xác định đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển đổi các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao, với 3 trụ cột và 5 lĩnh vực mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Nền kinh tế Đà Nẵng có nhiều cơ hội và có đủ cơ sở để hoàn thành các mục tiêu quan trọng này, trong đó cần tập trung triển khai các chủ trương và giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, điều chỉnh và duy trì cơ cấu kinh tế phù hợp nhất. Trong bối cảnh khu vực dịch vụ (còn khó dự đoán, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19) có thể phục hồi và tăng trưởng nhưng khó có đột phá, khu vực công nghiệp có thể phục hồi nhanh hơn và tăng trưởng nhanh ở mức cao, thành phố cần chú trọng các giải pháp phục hồi và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, cân đối tỷ trọng của hai khu vực dịch vụ và công nghiệp-xây dựng trong nền kinh tế.

Trong đó, phấn đấu giá trị tăng thêm các khu vực dịch vụ, công nghiệp-xây dựng (giá so sánh 2010) phải tăng lần lượt khoảng 1,4 lần và 1,5 lần tại năm 2025 so với năm 2021. Đồng thời, ngay trong năm 2021, tăng trưởng GRDP của thành phố phải phấn đấu đạt mức trên 8,5% để cơ bản đưa nền kinh tế Đà Nẵng trở lại ngang với cuối năm 2019 (trước khi xảy ra đại dịch Covid-19), sau đó tiếp tục duy trì và phấn đấu đạt mức tăng trưởng trên 9,5% và kỳ vọng trên 10% vào năm 2025.

Thứ hai, đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin được định hướng là một trong 3 trụ cột của nền kinh tế Đà Nẵng. Trong đó, cụm ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông được kỳ vọng tăng trưởng nhanh và chiếm khoảng 10-15% GRDP của thành phố.

Thứ ba, duy trì khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức cao với 2 lĩnh vực mũi nhọn là du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics. Trong đó, phấn đấu cụm ngành du lịch chiếm khoảng 20%, cụm ngành logistics chiếm khoảng 15% GRDP của toàn thành phố, tiếp tục góp phần củng cố vị thế của khu vực dịch vụ sau đại dịch Covid-19, duy trì tốc độ tăng trưởng khu vực dịch vụ trên 8,5%.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững ở 3 lĩnh vực mũi nhọn chính: nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ; triển khai các chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, phát triển khai thác xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan thành phố Phạm Tấn Xử trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Bí thư Đảng ủy khối Các cơ quan thành phố Phạm Tấn Xử trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

BÍ THƯ ĐẢNG ỦY KHỐI CÁC CƠ QUAN THÀNH PHỐ PHẠM TẤN XỬ: Đề cao tính nêu gương của người đứng đầu

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và các quy định nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là đối với người đứng đầu, tôi xin được nêu một số giải pháp:

Một là, trong ban hành Kế hoạch triển khai, đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện ngay, thường xuyên và những nhiệm vụ, giải pháp thực hiện theo lộ trình và phân công rõ nhiệm vụ của từng cơ quan tham mưu giúp việc Đảng ủy Khối. Tăng cường vai trò, trách nhiệm của Bộ phận Thường trực, Tổ giúp việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 tại Đảng ủy Khối.

Hai là, trong giao tiêu chí xây dựng tổ chức cơ sở đảng hằng năm, xác định việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với Nghị quyết Trung ương 4, Chỉ thị số 29-CT/TU là một trong những tiêu chí quan trọng để xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh.

Ba là, tổ chức các hoạt động lồng ghép nội dung thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW trong toàn Đảng bộ; trong đó, phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, như Hội thi Bí thư Chi bộ giỏi, Hội thi tìm hiểu về nghiệp vụ công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật của Đảng, Hội thi “Báo cáo viên giỏi”; mời báo cáo viên có chuyên sâu, uyên thâm về Bác Hồ, nói chuyện cho cán bộ, đảng viên chủ chốt; qua đó, củng cố thêm niềm tin cho mỗi đảng viên.

Bốn là, chú trọng việc biểu dương, khen thưởng, nhất là việc phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến.

Năm là, chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; về phẩm chất đạo đức của đảng viên; về trách nhiệm cá nhân của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu ở các lĩnh vực quan trọng, nhạy cảm.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yên, Giám đốc Sở Y tế trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

GIÁM ĐỐC SỞ Y TẾ NGÔ THỊ KIM YẾN: Nâng cao chất lượng chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân.

Thành phố cần phát triển, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế; tập trung đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình y tế theo quy hoạch mạng lưới của ngành.

Thành phố phải đổi mới hệ thống cung cấp dịch vụ y tế và nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực y tế; trong đó: Đổi mới toàn diện cơ chế quản lý, điều hành tại các bệnh viện, trung tâm y tế chuyên ngành để phát huy tính năng động, sáng tạo của cơ sở trong việc huy động, quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Đồng thời, hướng đến việc tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính của các đơn vị sự nghiệp công gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch; từng bước áp dụng mô hình quản trị đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư như quản trị doanh nghiệp.

Tiếp cận các ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế để nâng cao hiệu quả và chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân, phát triển các lĩnh vực y tế chuyên sâu; hoàn thiện hệ thống quản lý sức khỏe công dân, áp dụng các mô hình bệnh viện thông minh, bệnh viện điện tử.

Đồng thời phát triển đội ngũ cán bộ y tế bảo đảm đủ về số lượng, hợp lý về cơ cấu theo chức danh nghề nghiệp, theo lĩnh vực, ngành nghề; ưu tiên đào tạo cán bộ có trình độ kỹ thuật cao, đáp ứng nhu cầu phát triển y tế chuyên sâu và năng lực hội nhập; có chính sách thu hút, đãi ngộ xứng đáng đối với cán bộ y tế....

Bên cạnh đó, thành phố cần chủ động chuẩn bị các kịch bản, sẵn sàng ứng phó với các thảm họa y tế; chuyển trạng thái mới cho toàn bộ hệ thống y tế của địa phương, không để xảy ra tình trạng bị động, bất ngờ với các diễn biến phức tạp của một số bệnh dịch truyền nhiễm mới; ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát, phát hiện, truy vết dịch tễ học và đặc biệt là tăng cường năng lực hệ thống xét nghiệm cho hệ dự phòng.

Đại biểu Đoàn Xuân Hiếu, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Đoàn Xuân Hiếu, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO THÀNH ỦY ĐOÀN XUÂN HIẾU:  Chú trọng công tác giáo dục lý tưởng, bồi đắp lòng yêu nước

Xin nhấn mạnh thêm 3 nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII của Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025 về công tác xây dựng Đảng:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu, học tập, quán triệt và triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ XXII Đảng bộ thành phố gắn với các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Thành ủy về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống.

Trong đó, công tác giáo dục chính trị tư tưởng cần phải thông qua nhiều kênh phương tiện, nhiều hình thức, phương thức khác nhau, từ nhà trường, thông tin thời sự, tuyên truyền miệng, sinh hoạt tổ chức đảng, tổ chức đoàn thể nhân dân, đến các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, phát thanh, truyền hình, mạng Internet, nhằm tạo ra hiệu quả tổng hợp, toàn diện.

Thứ hai, tập trung nghiên cứu, xây dựng các nhiệm vụ, giải pháp giáo dục thông qua hành động gương mẫu của cán bộ, đảng viên và người đứng đầu; thực hiện nghiêm Quy định số 101-QĐ/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp”; phát huy vai trò gương mẫu trong rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, lối sống, phong cách, công tác của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, người đứng đầu các địa phương, cơ quan, đơn vị. “Một tấm gương sống có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền” nên cần xem đây là công việc thường xuyên, nền nếp, thành nhu cầu tự thân của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, địa phương, cơ quan, đơn vị nhằm lan tỏa, nhân rộng những tấm gương điển hình, người thật việc thật, người tốt việc tốt, góp phần tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong nhân dân.

Cùng với đó, tiếp tục nghiên cứu, xác định các giá trị đạo đức, văn hóa đặc trưng của Đà Nẵng để hình thành hành vi ứng xử văn minh, hiện đại, nhân văn; qua đó, tuyên truyền, giáo dục những chuẩn mực trên đi vào cuộc sống, trở thành lối sống của mỗi người dân, mỗi cán bộ, đảng viên. Ban Tuyên giáo Thành ủy đồng thời dự kiến xây dựng “Kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ cán bộ tuyên giáo các cấp ngang tầm với yêu cầu mới” thực hiện trong suốt nhiệm kỳ và tổng kết giữa năm 2025.

Thứ ba, cần tiếp tục chú trọng công tác giáo dục lý tưởng, bồi đắp lòng yêu nước, tinh thần tự cường dân tộc, niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường phát triển đất nước cho thế hệ trẻ, khắc phục tình trạng “cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện”; góp phần xây dựng những lớp cán bộ, đảng viên trẻ “vừa hồng, vừa chuyên”, đủ sức gánh vác những nhiệm vụ to lớn của công cuộc xây dựng và phát triển thành phố trong tương lai.

Đại biểu Võ Công Chánh, Phó Trưởng Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ
Đại biểu Võ Công Chánh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy trình bày tham luận tại Đại hội. Ảnh: ĐẶNG NỞ

PHÓ TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC BAN TỔ CHỨC THÀNH ỦY VÕ CÔNG CHÁNH: Xây dựng đội ngũ cán bộ phù hợp với mô hình chính quyền đô thị

Giải pháp thứ nhất là về tổ chức bộ máy: phối hợp với các bộ, ngành Trung ương nhằm kịp thời ban hành các văn bản để quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các nội dung về tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và công tác quản lý cán bộ khi thí điểm mô hình chính quyền đô thị; triển khai tốt công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND thành phố, huyện, xã nhiệm kỳ 2021-2026 theo hướng coi trọng tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu;

Ban hành các quy chế cụ thể, đồng bộ để làm rõ phương thức lãnh đạo, giám sát, tổ chức hoạt động của Thường trực HĐND, các Ban, Tổ đại biểu và đại biểu HĐND thành phố theo hướng mở rộng phạm vi, tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách, nâng cao chất lượng, tính chuyên nghiệp, hiệu quả hoạt động trong bối cảnh không tổ chức HĐND quận và phường - việc này trong giai đoạn 2009-2016 chúng ta cũng đã có kinh nghiệm nhưng vẫn phải tập trung đầu tư để có phương án tối ưu; tiếp tục thực hiện việc sắp xếp các cơ quan, tổ chức và đội ngũ cán bộ, công chức theo quy định của cơ quan có thẩm quyền; đẩy mạnh phân cấp, giao quyền gắn với tăng cường trách nhiệm cho các địa phương, đơn vị trên một số lĩnh vực, phù hợp với mô hình chính quyền đô thị.

Ban hành đồng bộ, kịp thời, sửa đổi và bổ sung những quy định cụ thể về mối quan hệ công tác và việc tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với chính quyền thành phố, quận và phường theo mô hình chính quyền đô thị để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, nghiên cứu, đánh giá và cân nhắc lại việc cổ phần hóa đối với các dịch vụ công ích thiết yếu; kết hợp đẩy mạnh thực hiện công tác đặt hàng, đấu thầu, chuyển giao các dịch vụ công cho khu vực tư thực hiện khi đủ điều kiện theo quy định; tiếp tục rà soát các tiêu chuẩn, điều kiện, quy mô thành lập các tổ dân phố, thôn trên địa bàn; nâng cao tính tự quản cộng đồng của các khu dân cư; giảm số lượng người, tăng cường kiêm nhiệm để nâng cao chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách dưới phường, xã.

Đề nghị Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung quy chế hoạt động của các quận ủy, đảng ủy phường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương các cấp được quy định tại Nghị quyết 119/2020/QH14.

Giải pháp thứ hai là về công tác cán bộ: để phục vụ hiệu quả cho việc triển khai thí điểm chính quyền đô thị, cần rà soát làm tốt quy trình, công tác nhân sự phục vụ bầu cử đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026; bố trí đội ngũ cán bộ, công chức quận, phường bảo đảm theo các tiêu chuẩn, chức danh, cơ cấu phù hợp với chức năng, nhiệm vụ theo mô hình chính quyền đô thị; hướng dẫn thực hiện quy trình nhân sự UBND quận, phường, trưởng, phó cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận theo quy định của Chính phủ.

Thực hiện các chính sách về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức trong bộ máy chính quyền đô thị theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, có năng lực chuyên môn cao, kỹ năng thực thi công vụ và đạo đức công vụ.

Về lâu dài cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp, chính sách của thành phố về công tác cán bộ, trong đó ưu tiên một số việc như sau: Xây dựng tiêu chí, phương pháp đánh giá cán bộ trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao với kết quả sản phẩm công việc cụ thể, xuyên suốt, liên tục, nhiều chiều, thông qua khảo sát, đánh giá, công khai kết quả và so sánh với chức danh tương đương để làm cơ sở cho việc quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ; phát hiện, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý dám nghĩ, biết làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Tăng cường công tác luân chuyển cán bộ giữa các khối Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và khối chính quyền; gắn với chủ trương sắp xếp, bố trí cán bộ không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp đối với một chức danh. Tiếp tục thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý bằng hình thức trình bày đề án và chương trình hành động về lĩnh vực, ngành nghề, địa phương đảm nhận; nghiên cứu xây dựng Đề án hỗ trợ, phát triển tài năng trẻ, thu hút chuyên gia, nhà khoa học trẻ, chuyên gia trẻ, đào tạo chuyên sâu cán bộ, công chức, viên chức trên các lĩnh vực phát triển thành phố theo Nghị quyết số 43-NQ/TW; có lựa chọn, quy hoạch tạo nguồn cán bộ, lãnh đạo tương lai của thành phố trong nhiệm kỳ 2025-2020 và tầm nhìn đến năm 2045.

SƠN TRUNG-TRỌNG HÙNG

 

;
;
.
.
.
.
.