Niềm tin và kỳ vọng

.

* PGS.TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Phát triển Du lịch Việt Nam (Tổng cục Du lịch):

Xác định rõ mục tiêu phát triển ngành du lịch

Ngành du lịch Đà Nẵng cần xác định rõ mục tiêu phát triển là ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển du lịch bền vững, hay chủ trương phát triển kinh tế xanh... Ngành du lịch Đà Nẵng cần bám sát 2 nội dung là thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị là phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn và Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột chính của Đà Nẵng theo hướng bền vững.

Các tầng lớp nhân dân thành phố kỳ vọng Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm du lịch, thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á. 	  			             Ảnh: KIM LIÊN
Các tầng lớp nhân dân thành phố kỳ vọng Đà Nẵng sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành trung tâm du lịch, thương mại của cả nước và khu vực Đông Nam Á. Ảnh: KIM LIÊN

Hai nghị quyết này đều thể hiện mong muốn, kỳ vọng của Trung ương đối với Đà Nẵng là để phát triển du lịch Đà Nẵng thành ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần tích cực hơn trong phát triển kinh tế-xã hội của thành phố. Do đó, ngành du lịch thành phố cần quan tâm đến các vấn đề hiện nay như cơ cấu lại sản phẩm du lịch, cơ cấu lại hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, nguồn nhân lực, đầu tư, tổ chức không gian du lịch (để khai thác hiệu quả nhất tiềm năng, không gian du lịch của Đà Nẵng)...

Thành phố cần giữ được sự ổn định và tiếp tục nâng cao vai trò ngành du lịch - kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng nhằm đem lại nguồn thu ngân sách đáng kể cho thành phố, mang lại lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng và đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế của thành phố. Đồng thời phát huy đầy đủ lợi thế so sánh, các nguồn lực phát triển du lịch cùng việc khắc phục những hạn chế trong quá trình phát triển du lịch Đà Nẵng; phát triển du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; xây dựng Đà Nẵng thành điểm đến du lịch, dịch vụ hàng đầu, tầm khu vực, thành phố sự kiện, trung tâm hội nghị quốc tế, tạo ra sự khác biệt về tính sáng tạo, hấp dẫn và chất lượng sản phẩm dịch vụ phục vụ cho điểm đến Đà Nẵng.

Thành phố cần phát triển du lịch nhanh và bền vững theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, phát huy vai trò trung tâm của hệ thống doanh nghiệp, sự phối hợp liên ngành trong việc tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm... Ngoài du lịch biển, Đà Nẵng cần khai thác những tiềm năng khác để đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách, xây dựng sản phẩm gắn với thị trường hoặc phân khúc thị trường mà Đà Nẵng đang hướng đến.

* Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Du lịch Vietnam TravelMart:

Đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của cả nước và Đông Nam Á

Đà Nẵng với nhiều lợi thế như giá trị tài nguyên đặc sắc; hệ thống hạ tầng hoàn chỉnh; cơ sở dịch vụ phong phú; môi trường an ninh, an toàn, người dân thân thiện, mến khách; năng lực quản lý, xúc tiến điểm đến rất cao của cơ quan quản lý Nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp... sẽ nhanh chóng đưa du lịch trở lại quỹ đạo phát triển.

Do đó, thành phố cần phát triển bền vững điểm đến bao gồm sớm hoàn chỉnh quy hoạch phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển giá trị cốt lõi là sinh thái biển, vịnh biển, nghỉ dưỡng biển, kết hợp với sinh thái rừng, núi, sông, hồ, là trung tâm khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cửa ngõ của các di sản thế giới; từ đó hình thành và kêu gọi thêm các dự án lớn tạo sản phẩm đột phá, đặc thù cho điểm đến; xác định các thị trường khách trọng điểm là thị trường khách trong nước, thị trường Đông Bắc Á, Đông Nam Á, châu Âu, châu Úc, châu Mỹ, Ấn Độ... để huy động đa dạng các nguồn lực cho hoạt động xúc tiến, quảng bá, truyền thông mạnh mẽ vào các thị trường này. Có như vậy, Đà Nẵng mới trở thành trung tâm du lịch của cả nước và khu vực Đông Nam Á trong tương lai không xa.

 THU HÀ (ghi)

* Ông Cao Tuấn Ngọc, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh thành phố Đà Nẵng:

Mong Đà Nẵng trở thành thành phố của các sự kiện kinh tế - văn hóa tầm quốc tế

Tôi tin tưởng Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025 sẽ bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy có năng lực, có phẩm chất chính trị vững vàng, đoàn kết để cùng nhân dân xây dựng thành phố phát triển vượt bậc, trở thành trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của khu vực miền Trung. Ban Chấp hành mới cần quan tâm đầu tư lĩnh vực văn hóa xứng tầm với phát triển kinh tế; phát triển văn hóa cần đi kèm với phát triển dịch vụ - du lịch. Thiết nghĩ, trong nhiệm kỳ tới, cần đầu tư hoàn thiện phát triển thiết chế văn hóa các cấp, nâng tầm trong việc xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị; xây dựng chính quyền điện tử, đưa Đà Nẵng trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn nhất khu vực. Đà Nẵng phải là thành phố của các sự kiện kinh tế - văn hóa mang tầm quốc tế.

Tôi kỳ vọng Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Ban Thường vụ Thành ủy khóa mới phát huy tinh thần đoàn kết, quyết tâm thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020-2025. Đoàn kết sẽ làm nên sức mạnh, theo đó tiếp tục củng cố và thúc đẩy niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân Đà Nẵng vào chặng đường phát triển của thành phố bên sông Hàn.

M.HIỀN ghi

* Bà Nguyễn Thị Kim Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nữ doanh nhân thành phố Đà Nẵng:

Cải thiện môi trường đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Những năm qua, Đà Nẵng phát triển vượt bậc về nhiều mặt, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhiều công trình, dự án lớn được triển khai xây dựng, thu hút đầu tư trong và ngoài nước. Chính quyền thành phố đã có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp (DN) như: khuyến khích hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào khu công nghệ cao, xuất khẩu phần mềm; tăng cường đối thoại DN, từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN về tín dụng, nhân lực, xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, mặt bằng kinh doanh...

Nhiệm kỳ tới, tôi mong Đảng bộ, chính quyền Đà Nẵng tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, tập trung tháo gỡ các khó khăn cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ sau ảnh hưởng Covid-19. Tập trung cải cách hành chính lĩnh vực thuế, hải quan, đất đai, xây dựng; thành lập các trung tâm tham vấn, hỗ trợ DN, bãi bỏ các văn bản, quy định không phù hợp với tình hình mới cũng như cản trở quá trình phát triển DN.

Đồng thời, Đà Nẵng cần nhanh chóng triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế, hoàn thiện các cụm công nghiệp vừa và nhỏ, chuyển đổi lĩnh vực sản xuất có giá trị kinh tế thấp sang lĩnh vực có giá trị kinh tế cao, kiên quyết dịch chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường ra khỏi địa bàn khu dân cư, hướng tới mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố môi trường. Trong giai đoạn 2020-2025, bằng sự tiếp sức của chính quyền thành phố, thông qua hoạt động liên kết, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tôi tin rằng cộng đồng DN Đà Nẵng sẽ nhanh chóng vượt qua khó khăn, phát triển thương hiệu, đưa DN hội nhập sâu với môi trường cạnh tranh toàn cầu.

* Ông Lê Văn Huấn (SN 1946), Chủ tịch Hội Người cao tuổi phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê:

Xây dựng Đà Nẵng văn minh, đáng sống

Nhiệm kỳ 2020-2025, với đội ngũ lãnh đạo trẻ, tâm huyết, tôi tin Đà Nẵng sẽ tiếp tục phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Tôi hy vọng Đảng bộ, chính quyền thành phố giải quyết tốt vấn nạn ô nhiễm môi trường; xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị; tạo sân chơi cho người già, tăng cường chính sách chăm sóc người có công, người già tàn tật, sống neo đơn trên địa bàn. Ngoài ra, tôi cũng mong thành phố tiếp tục tăng cường kiểm soát phòng, chống dịch bệnh; ngăn chặn nạn phá rừng, phòng chống cháy rừng; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm tốt công tác chăm sóc, nâng cao sức khỏe của nhân dân; thực hiện kịp thời và đầy đủ các chính sách an sinh xã hội; chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và có phương pháp tuyên truyền hiệu quả, góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội...

T.YẾN ghi

* Ông Hà Đức Hùng, Tổng Giám đốc Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng:

Phát triển hài hòa ngành công nghiệp

Trong thời đại nhiều biến động như hiện nay, thành phố cần có chiến lược mới để cân đối phát triển hài hòa giữa các ngành nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ thông tin, du lịch, thương mại dịch vụ... Những năm gần đây, ngành du lịch và dịch vụ được tập trung phát triển khá nóng, tuy nhiên ngành này lại có độ nhạy cao, dễ bị tổn thương khi có vấn đề về dịch bệnh, môi trường, trong khi đó, ngành công nghiệp thì ít bị ảnh hưởng hơn và cũng có những doanh nghiệp tăng trưởng, góp phần đóng góp ngân sách cho thành phố tương đối lớn. Thời gian gần đây, thành phố đã thu hút được những doanh nghiệp lớn về các khu công nghiệp. Thành phố nên tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư ngành công nghiệp hơn nữa bằng các chính sách hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư về thủ tục, cơ sở hạ tầng và nhân sự, chính sách cho đổi mới công nghệ, tập trung đầu tư cho các trường nghề...

KHÁNH HÒA ghi

;
;
.
.
.
.
.