Nâng cao chất lượng tập huấn công tác dân vận

.

Các lớp tập huấn về công tác dân vận được ban dân vận các cấp của thành phố ngày càng quan tâm, đổi mới theo hướng sát thực tế diễn ra ở địa phương, đơn vị. Qua đó, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị các cấp.

Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ làm công tác dân vận và lực lượng cốt cán trên địa bàn biên giới biển của thành phố. Ảnh: X.H
Lớp tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho cán bộ làm công tác dân vận và lực lượng cốt cán trên địa bàn biên giới biển của thành phố. Ảnh: X.H

Yêu cầu từ thực tiễn

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung, thực tiễn phát triển của thành phố hiện nay yêu cầu đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận phải bám sát chức năng nhiệm vụ, nắm chắc quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận trong tình hình mới. Công tác dân vận đặt ra yêu cầu phải lan tỏa những cách làm hay, kinh nghiệm tốt trong tổ chức thực hiện công tác dân vận, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, công tác tôn giáo, dân tộc, phong trào thi đua “Dân vận khéo”, công tác vận động bàn giao mặt bằng tại các dự án. Đồng thời, phải nắm chắc tình hình dư luận xã hội để tham mưu cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo, giải quyết kịp thời các khó khăn vướng mắc ngay từ cơ sở.

Do đó, chất lượng các lớp các lớp bồi dưỡng, tập huấn về công tác dân vận luôn được lãnh đạo Ban Dân vận Thành ủy coi trọng. Dự kiến trong năm nay sẽ tổ chức 11 lớp tập huấn cho gần 2.000 cán bộ làm công tác dân vận các cấp. Chuyên đề các bài giảng được xây dựng phù hợp với yêu cầu thực tế, phù hợp từng đối tượng cán bộ dân vận. Nội dung tập huấn bám sát những chỉ đạo định hướng của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về công tác dân vận.

Trọng tâm là Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay; gắn việc thực hiện Chỉ thị số 34-CT/TU với Chỉ thị số 08-CT/TU về lãnh đạo công tác dân vận của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025; Chỉ thị số 17-CT/TU về tăng cường lãnh đạo việc triển khai thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở trên địa bàn thành phố; Quy định số 2780-QĐ/TU quy định về tiếp công dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý đơn, thư gửi đến Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, Thành ủy.

Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn Hoàng Trân Châu cho biết, trong tháng 6-2024, Ban Dân vận Quận ủy sẽ tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng cốt cán phong trào với các chuyên đề về tình hình dân tộc và công tác dân tộc trong giai đoạn mới hiện nay; thông tin tình hình tôn giáo, công tác tôn giáo trong tình hình mới; việc thực hiện công tác dân vận trên địa bàn quận. Để lớp học đạt hiệu quả, ban tổ chức và giảng viên có những trao đổi trong quá trình xây dựng kế hoạch lớp học. “Trước đây, các lớp tập huấn vẫn nặng tính chất tuyên truyền một chiều, các báo cáo viên truyền đạt thông tin và cán bộ tham gia lớp học chỉ lắng nghe. Nhưng hiện nay, với hỗ trợ của công nghệ, các bài giảng được thiết kế sinh động hơn với video, câu chuyện từ thực tế, không khí lớp học cũng sôi nổi với việc tham gia xử lý tình huống giả định. Các lớp học thay đổi cách tiếp cận mới đã giúp các cán bộ làm công tác dân vận cơ sở nắm rõ kiến thức, có thể tham mưu, định hướng, khơi gợi các phong trào”, bà Châu nói.

Đổi mới phương pháp

Tham gia giảng dạy tại nhiều lớp tập huấn, Vụ trưởng, Trưởng cơ quan Thường trực Ban Dân vận Trung ương tại thành phố Đà Nẵng Đỗ Thịnh cho rằng, việc chuyển tải được tư tưởng, đạo đức, phong cách dân vận của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về công tác dân vận, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về công tác dân vận đòi hỏi phải có phương pháp tiếp cận phù hợp. Mỗi địa phương có đặc thù thực hiện công tác dân vận riêng.

Hiện nay, các lớp tập huấn chú trọng việc trao đổi về kỹ năng của công tác dân vận đáp ứng những nhu cầu mới như kỹ năng sử dụng mạng xã hội, nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân, khảo sát, nghiên cứu thực tế cơ sở, diễn thuyết, tuyên truyền, vận động, đối thoại, tham gia xử lý các điểm nóng. Ngoài thời gian trao đổi thông tin, báo cáo viên đứng lớp và các cán bộ cơ sở được trao đổi, chia sẻ nhiều hơn những câu chuyện dẫn chứng trong thực tế ở cơ sở. Các cán bộ sẽ tham gia xử lý tình huống và báo cáo viên sẽ là người đúc kết, diễn giải lại những cách xử lý phù hợp để rút ra bài học kinh nghiệm cần thiết.

Trưởng ban Tôn giáo thành phố Nguyễn Cao Cường cho biết, các chuyên đề về tôn giáo và công tác quản lý nhà nước về tôn giáo là các nội dung khó. Vì vậy trong quá trình truyền tải nội dung, báo cáo viên của Ban Tôn giáo thành phố chú trọng việc đưa các thông tin đúng, chính xác, ngắn gọn nhưng đủ, nội dung lý luận gắn với thực tiễn bằng những minh hoạ, minh chứng, tình huống tín ngưỡng, tôn giáo thực tế để các học viên có thể áp dụng xử lý các tình huống cụ thể.

Theo ông Lê Văn Trung, thời gian đến, để nâng cao chất lượng các lớp tập huấn, bồi dưỡng công tác dân vận, Ban Dân vận Thành ủy chú trọng xây dựng nội dung các chuyên đề sát thực tiễn, cụ thể hóa các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, phong trào thi đua “Dân vận khéo”. Đồng thời, trang bị kỹ năng tuyên truyền, vận động, công tác nắm bắt tình hình trong nhân dân, dư luận xã hội, xử lý tình huống; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm công tác dân vận tại cơ sở. Qua đó, đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận vừa được trang bị thêm những kiến thức cần thiết, vừa học hỏi được nhiều kinh nghiệm hay để vận dụng vào thực tiễn hoạt động, nâng cao chất lượng công tác dân vận ở cơ sở, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại các địa phương, đơn vị.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.