5 năm thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân

.

Để cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 4-6-2020, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình số 39-CTr/TU của Thành ủy về “Xây dựng, phát triển Đà Nẵng thành trung tâm văn hóa, giáo dục - đào tạo, y tế chuyên sâu, chất lượng cao gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, hướng đến xây dựng thành phố đáng sống” đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trên cơ sở đó, cả hệ thống chính trị đã nỗ lực thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách nổi trội trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả khả quan, góp phần chăm lo tốt hơn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp đơn vị tài trợ bàn giao nhà cho hộ nghèo tại phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Ảnh: LAM PHƯƠNG
Hội Chữ thập đỏ thành phố phối hợp đơn vị tài trợ bàn giao nhà cho hộ nghèo tại phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê). Ảnh: LAM PHƯƠNG

Giảm nghèo bền vững

Trong 5 năm qua, nhất là sau Covid-19, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng thành phố vẫn ưu tiên dành nhiều nguồn lực thỏa đáng cho công tác an sinh xã hội, duy trì các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”. Theo đó, thành phố có nhiều chính sách hỗ trợ vượt trội hơn so với chính sách khung của Trung ương, được nhân dân ủng hộ cao như: Chương trình “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn giai đoạn 2022-2025”; nâng mức chuẩn trợ cấp xã hội; mức hỗ trợ đối với người có công; sửa chữa, xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, hộ nghèo; mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách đối với người cao tuổi, người thuộc hộ cận nghèo,…

Đặc biệt, thành phố có nhiều chính sách nhân văn, ý nghĩa như: miễn 100% học phí năm học 2022 - 2023, 2023-2024 cho trẻ mầm non và học sinh các trường phổ thông công lập; hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; chính sách thu hút bác sĩ cho các cơ sở y tế công lập; chính sách hỗ trợ cán bộ y tế tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập…
Thực hiện chính sách giảm nghèo bền vững, trong giai đoạn 2019-2023, thành phố hai lần nâng chuẩn nghèo cao hơn chuẩn Trung ương. Nhiều giải pháp giảm nghèo được thực hiện đồng bộ, giúp 13.963 lượt hộ nghèo còn sức lao động thoát nghèo. 100% các đối tượng yếu thế được tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản. Cuối năm 2023, thành phố còn 4.167 hộ nghèo còn sức lao động (tỷ lệ 1,39%), hoàn thành mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2019-2023.

Thực hiện đề án “Có việc làm”, thành phố ban hành nhiều chính sách phát triển thị trường lao động, xây dựng các mô hình giải quyết việc làm, hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động. Mục tiêu giải quyết việc làm cho 34.000 - 35.000 lao động/năm, tỷ lệ việc làm tăng thêm 4,5-5%/năm.

Kết quả, giai đoạn 2019-2023, số việc làm mới được tạo ra bình quân hằng năm là 12.850 người. Riêng năm 2023, thành phố đã giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động, đạt 104,3% kế hoạch; tỷ lệ lao động làm việc trong nền kinh tế tăng thêm 4,75%, vượt chỉ tiêu; tỷ lệ thất nghiệp đến cuối năm 2023 giảm còn 2,5%. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 06/NQ-CP của Chính phủ về phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố.

Đầu tư phát triển mạnh giáo dục, đào tạo

Thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW, thành phố dành nhiều sự quan tâm đầu tư phát triển giáo dục. Cụ thể, thành phố ban hành Đề án xây dựng, nâng cấp, mở rộng trường học giai đoạn 2021-2025 với mức đầu tư dự kiến hơn 8.000 tỷ đồng. Theo đó, dự kiến xây dựng mạng lưới trường học đến năm 2025-2026 với quy mô là 452 trường, bảo đảm cho gần 340.000 học sinh theo học. Trong đó, giáo dục mầm non 238 trường, tiểu học 109 trường, THCS 64 trường, THPT 38 trường và 3 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Mạng lưới trường học được chú trọng quy hoạch theo hướng đa dạng hóa, xã hội hóa, có cơ cấu hợp lý giữa các ngành học, cấp học quan tâm xây dựng trường đạt chuẩn và 100% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Song song đó, thành phố triển khai các chính sách nhân văn về giáo dục như: hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trên địa bàn thành phố (công lập và ngoài công lập); đề án sữa học đường, thí điểm giữ trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập…

Công tác đào tạo nghề được chú trọng về chất lượng; hệ thống đào tạo chuyển dịch theo hướng chuyên sâu và đào tạo kịp thời theo nhu cầu giải quyết việc làm cho người lao động. Nhờ đó, tỉ lệ lao động qua đào tạo từ 58,20% năm 2019 tăng lên 68% năm 2023, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ tăng từ 44,58% lên 47,09%.

Xu hướng học nghề của người lao động có những chuyển biến tích cực, nhu cầu học nghề trong xã hội tăng lên hằng năm. Cơ cấu, quy mô tuyển sinh phù hợp với xu hướng và định hướng phát triển của thành phố theo hướng ưu tiên phát triển thương mại và dịch vụ, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố, các tỉnh lân cận và khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Chú trọng xây dựng y tế cơ sở

Về y tế, thành phố quan tâm thực hiện tốt công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đà Nẵng là một trong số các địa phương dẫn đầu cả nước về lĩnh vực xây dựng mạng lưới cơ sở y tế. Từ năm 2019 đến nay, nhiều công trình y tế đã được đầu tư xây mới hoặc nâng cấp cải tạo, đặc biệt trong đó mạng lưới y tế cơ sở đang từng bước được đầu tư nâng cấp và xây mới, đáp ứng nhu cầu chăm sóc toàn diện ngày càng cao của người dân thành phố và hỗ trợ cho người dân các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên. Điển hình là Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, Bệnh viện Đa khoa Đà Nẵng, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng và tiếp tục nghiên cứu xây dựng Bệnh viện nhiệt đới; đầu tư mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi, Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng cơ sở 2 trong thời gian đến.

Nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên sâu được triển khai thành công và đạt hiệu quả cao như: cấy ghép tế bào gốc, ghép thận, thực hiện kỹ thuật solitaire (lấy huyết khối) trong điều trị nhồi máu não cấp tính; ứng dụng kỹ thuật ECMO, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc máu, thụ tinh trong ống nghiệm, chăm sóc thiết yếu sơ sinh sớm da kề da, kỹ thuật nhu châm, hỏa long cứu...

Đến nay, 100% bệnh viện tuyến thành phố, quận, huyện và cơ sở y tế phường, xã đều có cơ sở hạ tầng, trang thiết bị y tế phục vụ cho khám, chữa bệnh theo tuyến bệnh viện được phân hạng; 100% bệnh viện triển khai hơn 75% kỹ thuật theo quy định phân tuyến của Bộ Y tế. Các bệnh viện  đều chọn mũi nhọn riêng để đầu tư và triển khai dịch vụ kỹ thuật y tế đáp ứng nhu cầu thực tế của địa phương.

Hệ thống y tế dự phòng càng ngày được hoàn thiện và thực hiện nhiều kỹ thuật xét nghiệm mới trong chẩn đoán nhanh các bệnh truyền nhiễm. Số bác sĩ/10.000 dân là 18,4. Số giường bệnh hiện nay của toàn thành phố đạt 78,84 giường bệnh/10.000 dân. Độ bao phủ bảo hiểm y tế trên địa bàn thành phố đạt 98,6%.

Xây dựng thành phố văn minh, đáng sống

Một trong những mục tiêu của Nghị quyết số 43-NQ/TW là xây dựng Đà Nẵng trở thành là một trong những trung tâm văn hóa - thể thao lớn của cả nước và khu vực. Thời gian qua, thành phố triển khai nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Đề án “Xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị”, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở được triển khai theo quy hoạch trên địa bàn từng quận, huyện và bước đầu phát huy hiệu quả.

Hiện nay, toàn thành phố có 40 nhà văn hóa, 41 khu thể thao/sân vận động, 16 khu vui chơi giải trí và 33 công viên, vườn dạo. Riêng huyện Hòa Vang có 119 nhà văn hóa - khu thể thao thôn đạt chuẩn trên tổng số 113 thôn toàn huyện (chiếm tỷ lệ 105%). Các thiết chế văn hóa - thể thao được xây dựng kiên cố, khang trang, có cơ sở vật chất và trang thiết bị tương đối tốt.

Nhiều sự kiện văn hóa lớn mang tầm quốc gia, quốc tế được tổ chức thường niên tại Đà Nẵng, góp phần nâng cao vị thế và quảng bá hình ảnh thành phố. Công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa được thành phố quan tâm thông qua việc đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động giữ gìn, tôn tạo, phát huy các giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử, nét văn hóa đặc trưng, truyền thống địa phương.

Trong 5 năm qua, thành phố đầu tư một số công trình, thiết chế văn hóa quy mô như: cải tạo cơ sở 42 Bạch Đằng làm Bảo tàng Đà Nẵng; dự án tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích Thành Điện Hải giai đoạn 2; quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi danh lam thắng cảnh Quốc gia đặc biệt Ngũ Hành Sơn… Những năm qua, thành phố nỗ lực từng bước thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm văn hóa - thể thao, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao, chăm lo tốt an sinh xã hội, góp phần thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.

L.PHƯƠNG - N.HÀ - P.CHUNG - X.DŨNG

;
;
.
.
.
.
.