5 năm thực hiện Nghị quyết 43/NQ-TW

Phát huy tính ưu việt của mô hình chính quyền đô thị

.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, mô hình chính quyền đô thị đã phát huy được tính ưu việt.

Khi mô hình tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện, vai trò, hiệu quả của HĐND thành phố được nâng cao. Trong ảnh: Thường trực HĐND thành phố chủ trì kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa X. Ảnh: NGỌC PHÚ
Khi mô hình tổ chức chính quyền đô thị được thực hiện, vai trò, hiệu quả của HĐND thành phố được nâng cao. TRONG ẢNH: Thường trực HĐND thành phố chủ trì kỳ họp thứ 12, HĐND thành phố khóa X. Ảnh: NGỌC PHÚ

Công tác lãnh đạo, điều hành của chính quyền thông suốt

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045,  đưa ra mục tiêu đến năm 2045: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á. Trong khi đó, Nghị quyết số 26-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quốc tế quy mô cấp vùng; tập trung nguồn lực phát triển các cảng biển có tiềm năng thành cảng đặc biệt.

Việc thí điểm tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng diễn ra trong thời điểm đại dịch bùng phát. Tuy nhiên, với sự linh hoạt trong điều hành lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố, sự vào cuộc của các ngành, các cấp và địa phương, mô hình đạt được kết quả nổi bật trên nhiều lĩnh vực.

Tại buổi làm việc với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa qua, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14, Ban Thường vụ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kế hoạch để triển khai thực hiện. Đồng thời, thành phố ban hành Bộ tiêu chí và quy trình theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện thí điểm mô hình tổ chức chính quyền đô thị trên địa bàn và các văn bản hướng dẫn, triển khai thực hiện về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tế tại địa phương. Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND thành phố làm việc trực tiếp với 6 quận và một số phường về tình hình thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị. Các sở, ngành thường xuyên kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện và hướng dẫn, xử lý những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện, nhất là liên quan đến quản lý ngân sách.

Thành phố đã ban hành “Đề án phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước gắn với thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2026”. Đề án đưa ra nguyên tắc và nội dung phân cấp trên 5 lĩnh vực trọng tâm: tổ chức bộ máy, nhân sự; quản lý đầu tư; quản lý đô thị; quản lý tài nguyên - môi trường; quản lý ngân sách. Hơn 1 năm triển khai đề án, đã hoàn thành 18/18 nội dung phân cấp, 73/73 nội dung ủy quyền; đồng thời bổ sung mới và hoàn thành 2 nội dung phân cấp, 10 nội dung ủy quyền. Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, chính việc phân cấp, phân quyền tạo sự linh hoạt trong công tác triển khai, nâng cao được trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, tổ chức bộ máy tinh gọn, rút ngắn được quy trình, giảm thủ tục, thời gian xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp.

Tổ chức, điều hành, phát triển kinh tế-xã hội của UBND thành phố, quận, phường ổn định, thông suốt, quốc phòng-an ninh được bảo đảm khi thí điểm tổ chức chính quyền đô thị. Các khoản thu trên địa bàn quận, phường được chuyển về ngân sách thành phố, tạo ra được nguồn lực lớn, tập trung để chủ động, cân đối, triển khai các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách. Việc quản lý, điều hành ngân sách được quản lý chặt chẽ và thực hiện tiết kiệm, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả. “Khi không còn HĐND quận, phường, quyền làm chủ của người dân tiếp tục được phát huy và tăng cường, nhất là trách nhiệm giải quyết, đối thoại của người đứng đầu quận, phường đối với các kiến nghị của người dân”, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh.

Trong khi đó, theo Sở Nội vụ thành phố, các cơ quan, địa phương, đơn vị triển khai đồng bộ các nội dung kế hoạch cải cách hành chính, mở rộng các tiện ích hỗ trợ người dân trong thực hiện dịch vụ công. Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nghị quyết và UBND thành phố ban hành Đề án về chuyển đổi số tại thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 gắn với triển khai Đề án xây dựng thành phố thông minh, góp phần nâng cao chất lượng đời sống người dân; từng bước chuyển đổi phương thức làm việc của các cơ quan từ môi trường truyền thống sang môi trường số dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Đến nay, thành phố có tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ trực tuyến đạt 93%, tỷ lệ hồ sơ trực tuyến 73% (gấp 1,3 lần tỷ lệ trung bình toàn quốc, vượt hơn chỉ tiêu quốc gia năm 2022 là 50% và chỉ tiêu thành phố năm 2022 là 65%); bắt đầu triển khai theo hướng dịch vụ số, sử dụng dữ liệu số (như cơ sở dữ liệu dân cư, doanh nghiệp, đất đai)...

Vai trò, hiệu quả của HĐND thành phố được nâng cao

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Trần Phước Sơn cho biết, điểm nổi bật khi thực hiện tổ chức chính quyền đô thị đó là thành phố đã tăng tỷ lệ đại biểu chuyên trách; cơ cấu Thường trực HĐND thành phố được mở rộng; số lượng lãnh đạo và cơ cấu các ban của HĐND thành phố được tăng cường.

Trong nhiệm kỳ 2021-2026 cho đến tháng 10-2023, HĐND thành phố đã tổ chức 13 kỳ họp (6 kỳ họp thường kỳ và 7 kỳ họp chuyên đề), ban hành 229 nghị quyết (trong đó có 77 nghị quyết quy phạm pháp luật). Trong thời gian thực hiện thí điểm mô hình, HĐND thành phố cơ bản thực hiện đúng, đầy đủ các nhiệm vụ được bổ sung, điều chỉnh. Theo đó, ngoài thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo luật định thì còn được bổ sung một số nhiệm vụ, quyền hạn do không tổ chức HĐND quận, phường trong việc phân bổ, quyết toán ngân sách; giám sát việc tuân theo Hiến pháp, pháp luật, việc thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố trên địa bàn quận, phường; giám sát hoạt động của UBND quận, phường, Tòa án nhân dân quận, Viện Kiểm sát nhân dân quận… “Thường trực HĐND thành phố duy trì tổ chức tốt các phiên họp thường kỳ nhằm giám sát tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố và các kết luận của Thường trực HĐND thành phố, các cam kết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại các kỳ họp; việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri đối với UBND thành phố, các sở, ngành và địa phương”, ông Sơn nói.

Song song đó, HĐND thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát theo đúng quy định của pháp luật, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với đặc điểm của chính quyền đô thị và yêu cầu trong tình hình mới. Thường trực HĐND, các ban HĐND thành phố tăng cường hoạt động giám sát, khảo sát chuyên đề giữa 2 kỳ họp, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng, các vấn đề bức xúc, kiến nghị, phản ánh của cử tri.

Các phiên họp thường kỳ hằng tháng, hằng tuần duy trì tổ chức tốt nhằm giám sát tiến độ triển khai thực hiện các nghị quyết của HĐND thành phố, việc cam kết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri, các kiến nghị qua giám sát. Thường trực và các ban tổ chức nhiều đoàn giám sát, làm việc với các quận và phường về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị gắn với việc triển khai mô hình chính quyền đô thị nhằm kịp thời đôn đốc, chỉ đạo, kiến nghị giải quyết những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai tại các địa phương.

Cũng theo ông Sơn, điểm mới trong hoạt động giám sát của Thường trực HĐND thành phố từ đầu nhiệm kỳ đến nay là việc hằng quý tổ chức tiếp xúc cử tri chuyên đề (đã tổ chức 2 cuộc), phiên giải trình giải quyết đơn thư (đã tổ chức 3 phiên) và chương trình “HĐND với cử tri” (đã tổ chức 3 chương trình); phân công các đồng chí trong thường trực, các ban, các tổ đại biểu kiểm tra thực tế, theo dõi bám sát từng lĩnh vực, địa bàn và nội dung kiến nghị, bức xúc của cử tri theo thẩm quyền. Công nghệ thông tin được đẩy mạnh ứng dụng trong việc theo dõi, giám sát, đôn đốc giải quyết đơn, thư; kiểm soát công việc, triển khai phần mềm cơ sở dữ liệu tiếp công dân, giải quyết đơn, thư dùng chung trên địa bàn thành phố. Qua đó, giúp công tác tiếp nhận, theo dõi xử lý và giám sát giải quyết đơn, thư của công dân được thực hiện thuận lợi, bảo đảm theo đúng quy trình và thời gian quy định.

Thường trực HĐND thành phố xây dựng, ban hành Quy định về tiếp công dân và xử lý đơn của HĐND thành phố. Định kỳ hằng tháng, đại biểu HĐND thành phố tham gia việc tiếp dân định kỳ tại các tổ đại biểu HĐND thành phố trên địa bàn ứng cử. Việc tiếp công dân của Thường trực HĐND thành phố được duy trì thường xuyên; lịch tiếp công dân được niêm yết công khai tại nơi tiếp công dân và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND thành phố đã tiếp nhận và xử lý 1.247 đơn, thư công dân và tổ chức. Thường trực HĐND và các ban HĐND thành phố đã tổ chức hơn 200 cuộc giám sát, kiểm tra thực tế để giải quyết kiến nghị cử tri, đơn, thư công dân.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.