Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)

.

Chiều 2-11, Quốc hội thảo luận tổ về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Đà Nẵng thảo luận tại tổ 11 cùng Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Tuyên Quang, Tây Ninh và Sơn La.

Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG
Đại biểu Trần Chí Cường phát biểu thảo luận tổ. Ảnh: VŨ HƯNG

Đại biểu Trần Đình Chung, Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an) thống nhất việc bổ sung các đối tượng trong dự thảo luật lần này. Tuy nhiên, với quy định hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, bảo đảm hài hòa. Đại biểu đồng ý với đề xuất của Chính phủ về việc người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội sau ngày Luật Bảo hiểm xã hội có hiệu lực và không được rút bảo hiểm xã hội 1 lần.

Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định người lao động chỉ được làm thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần sau thời gian tối thiểu 12 tháng chấm dứt hợp đồng lao động. Nguyên nhân để người lao động có thời gian khắc phục những khó khăn, có cơ hội tìm kiếm việc làm mới để tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời suy nghĩ lại việc hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần.

Tuy nhiên, việc cho người lao động chỉ được hưởng tối đa 50% tổng thời gian đã đóng cũng đồng nghĩa với việc tiếp tục tạo điều kiện cho người lao động tham gia trong hệ thống bảo hiểm xã hội nên việc quy định thời gian 12 tháng là không cần thiết, gây hệ lụy cho người lao động. Do đó, nên giảm xuống 3 tháng hoặc cho người lao động rút luôn một lần.

Liên quan đến hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội quy định tại Điều 36 của dự thảo luật, đại biểu cho biết hiện nay đang có sự phức tạp, vướng mắc trong các văn bản quy phạm pháp luật, gây khó khăn cho việc xử lý, nhất là hành vi trốn đóng; việc chứng minh hành vi đóng chậm và trốn đóng bảo hiểm xã hội rất khó khăn. Vì vậy, cơ quan soạn thảo cần điều chỉnh phù hợp, bảo đảm tính chặt chẽ, nhằm tránh được hành vi trốn đóng, thuận lợi cho cơ quan chức năng trong việc xử lý.

Đại biểu Trần Chí Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố đánh giá cao tờ trình dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) của Bộ Lao động và Thương binh và Xã hội cũng như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội của Quốc hội. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, về đối tượng của dự thảo luật có mở rộng đối tượng nhưng chưa bám đúng khái niệm của bảo hiểm xã hội. Vì vậy, cần rà soát lại đối tượng phù hợp.

Bên cạnh đó, không nên phân biệt đối tượng thụ hưởng nhằm tạo bình đẳng trong việc đóng bảo hiểm xã hội để khuyến khích đối tượng tham gia. Về nguyên tắc đóng - hưởng bảo hiểm xã hội, đại biểu cho rằng cần phải cân nhắc, cân đối, tạo sự bình đẳng, nhất là những người có thời gian đóng bảo hiểm lâu năm.

Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc khi đưa “trợ cấp hưu trí xã hội” vào dự thảo. Vì vậy, để bảo đảm luật, cần tách phần “trợ cấp hưu trí”, bổ sung vào Luật Người cao tuổi, để đưa người cao tuổi đến độ tuổi nào đó sẽ được hưởng khoản trợ cấp xã hội mà không phải là lương hưu.

NGỌC PHÚ - VŨ HƯNG

;
;
.
.
.
.
.