.

Trong đêm khuya thinh vắng

.

Ăn cơm, dọn dẹp xong, mẹ lẳng lặng vào buồng. Ở gian ngoài, ông bà ngoại chăm chú nhìn lên màn hình tivi 15 inch, theo dõi một vở cải lương đẫm nước mắt. Mà thường ông ngoại xem một mình, vì bà ngoại xem được một lúc lại lăn ra ngủ, mặc kệ những tiếng ca èo éo eo bên tai.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Ngồi trơ trọi một lúc, bất giác mẹ nhìn lên chiếc gương hình tròn được treo trên tường. Chiếc gương đưa lại cho mẹ một hình ảnh lạ lẫm. Sống mũi mẹ cay xè khi phát hiện mình già lắm, già hơn tuổi hai lăm của mẹ. Mái tóc dài, đen óng ngày xưa giờ xơ cứng. Thời con gái, mỗi lần ngồi trước gương, mẹ lại đưa lược chải chuốt cẩn thận. Mẹ chăm chút cho mái tóc của mình như đang giữ một báu vật. Còn bây giờ… Nhiều hôm, mẹ còn chẳng buồn chải đầu.

Mẹ nằm vục mặt vào gối. Nghĩ đến câu chuyện hồi chiều và những gì sắp xảy ra, nước mắt mẹ lại chảy tràn xuống gối nóng hổi.

*
…Từ ngoài đồng, mẹ ì ạch quẩy gánh rau về nhà. Trong nhà đang có khách, mẹ liền quẩy gánh rau đi vòng ra sau. Linh cảm có chuyện chẳng lành, mẹ đặt gánh rau xuống rồi bước nhẹ đến gần cửa sổ. Qua khe cửa bé tí, mẹ nhìn thấy ông ngoại đang tiếp chuyện một cặp vợ chồng trên chiếc ghế đặt ở giữa nhà. Cặp vợ chồng quay lưng về phía mẹ. Mẹ chợt sững người. Không lẽ, đó là cặp vợ chồng vô sinh mà mấy hôm trước, mẹ có nghe người làng râm ran về chuyện này.

Tiếng ông ngoại: “Nói thật với anh chị, đây là chuyện chẳng đặng đừng. Nhà toàn người lớn, có tiếng trẻ bi bô trong nhà hai ông bà già cũng vui hơn chứ. Phải cho đi máu mủ nhà mình, tôi đau lòng lắm!”.
Tiếng người chồng: “Dạ. Ai cũng vậy thôi bác. Vợ chồng cháu cũng không còn cách nào khác. Hai vợ chồng cháu đều là trí thức, bọn cháu hứa với bác sẽ chăm sóc và dạy dỗ thằng bé nên người”.

Tiếng ông ngoại: “Nghe anh chị nói vậy tôi cũng yên lòng. Đấy, anh chị coi, bà nhà tôi nay ốm mai đau, tôi cũng không còn khỏe như xưa. Chỉ mình mẹ nó vật lộn với năm ba sào ruộng, chắt bóp lắm cũng chỉ đủ cho ba miệng ăn trong nhà. Giờ có thêm thằng bé này, nói thật là chúng tôi không nuôi nổi!”.
Cặp vợ chồng đưa cho ông ngoại mười triệu đồng cùng lời hứa hẹn: “Vợ chồng cháu gửi trước bác một nửa để chị nhà bồi dưỡng. Nửa còn lại chừng nào thằng bé cứng cáp, vợ chồng cháu về đón rồi sẽ gửi cho bác”.

Tai mẹ như ù đi. Hai chân run run chực ngã. Đợi cặp vợ chồng kia ra về, mẹ chạy vào rồi đổ vật xuống thềm nhà: “Nó là con của con. Cha không được làm vậy!”. Ông ngoại không mảy may đả động đến những lời rền rĩ của mẹ. Mẹ lại tiếp tục khóc: “Cha làm thế khác nào đang bán cháu mình. Con ơi là con!”. Bấy giờ, khuôn mặt ông ngoại đanh lại: “Bán buôn cái gì, người ta đưa cho ngu gì không lấy!”.
Thấy mẹ vẫn khăng khăng không chịu, ông ngoại gắt: “Nhà tao không có thứ cháu hoang…”.

*
…Căn phòng tối om om. Mẹ nhẹ nhàng đưa tay lên bụng, vỗ về tôi. Tôi khép hờ hai mắt, miên man trong tình thương của mẹ. Tôi ước gì khoảnh khắc này là mãi mãi. Chỉ có hai mẹ con tôi thôi. Mẹ lại đưa tay xoa xoa lên bụng rồi rấm rứt khóc khi nghĩ về thân phận của mình.

Học đến lớp 9, mẹ phải nghỉ. Ông ngoại bảo, học đến đó là nhiều rồi. Học lên cao cũng chẳng giàu hơn. Mà con gái cuối cùng cũng là con nhà người ta. Mẹ thích đi học, nhưng không tiền và không thể làm trái ý ông ngoại. Vậy là mẹ đành ở nhà, hằng ngày nhìn chúng bạn ríu rít đạp xe đi học, lòng dâng lên nỗi nghẹn ngào. Tủi không để đâu cho hết.

Sau mẹ còn một em trai, học hết lớp 12 rồi nghỉ theo lời ông ngoại và vào Tây Nguyên làm thuê. Hồi đầu thỉnh thoảng về thăm nhà, sau này thì biệt tăm. Mỗi khi có ai đó nhắc đến, ông ngoại đều nghiến răng: “Thằng chết giẫm! Cứ để nó đi luôn khỏi cái nhà này đi”.

Mẹ ở nhà quán xuyến tất cả việc lớn việc nhỏ. Rồi mẹ theo mấy cô gái trong làng vào Nam, hết làm công nhân may mặc lại sang giày da. Được một thời gian, mẹ ngược ra Hải Phòng làm công nhân cho một xí nghiệp sản xuất mì ăn liền. Thấm thoát vậy mà hơn bảy năm. Đôi khi mẹ nghĩ mình là đám lục bình, mặc dòng nước cuốn trôi đến đâu thì đến.

Xí nghiệp có hàng trăm công nhân, cả nam lẫn nữ tứ xứ đổ về. Một ngày nọ, không tăng ca nên mẹ được về sớm, tranh thủ ghé chợ mua rau cùng một ít cá tươi, thay đổi khẩu vị của những bữa ăn vội vàng trong xí nghiệp. Mẹ vo gạo, cho vào nồi điện. Đến chừng cắm phích vào ổ điện, không hiểu sao đèn điện không sáng. Mẹ rút phích ra khỏi ổ điện, loay hoay lấy ruột nồi ra rồi lại cho vào, lại cắm điện. Nhưng lần nào đèn cũng không sáng.

Đánh vật với chiếc nồi điện một lúc. Chán nản, mẹ ngồi xoài giữa phòng. Vừa lúc đó, người ta đi làm về và trông thấy mẹ. Người ta chưa vội về phòng mà đứng trước cửa phòng mẹ hỏi han. Lúc đầu mẹ hơi bối rối, vì thực sự ở đây đã hơn một năm nhưng mẹ không giao tiếp với ai. Mẹ cũng không muốn làm phiền đến ai. Nhưng vào lúc đó, khi gạo đã lỡ vo rồi, nếu để thêm lúc nữa sẽ trương phình lên, còn gì là cơm nữa. Nghĩ vậy, mẹ bèn kể lại sự tình.

Không nói không rằng, người ta về phòng rồi quay lại ngay sau đó, trên tay là chiếc bút thử điện kèm tuốc-nơ-vít có cán màu vàng. Người ta dùng dụng cụ sẵn có, tháo vỏ nồi điện ra. Một sợi dây bị đứt. Người ta thông báo với mẹ rồi nhanh chóng nối sợi dây điện lại. Đèn từ nồi điện lại sáng như bình thường. Lúc sửa xong, như để mẹ yên tâm hơn, người ta còn cho nồi vào, cắm điện, bật chế độ nấu rồi quay sang mẹ mỉm cười: “Xong rồi nhé!”.

Lúc đó, mẹ chẳng biết làm gì hơn, chỉ lí nhí cảm ơn người ta.

*
Đêm đã khuya. Không gian trở nên thinh vắng.

Một nỗi xốn xang từ đâu len nhẹ. Mẹ khẽ xoay người. Cảm giác này khiến mẹ như đang bay lên. Mẹ đã từng trải qua cảm giác này, chính là khi người ta cầm tay rồi ngỏ lời yêu mẹ. Câu tỏ tình không màu mè mà êm dịu. Bàn tay mẹ như bất động trong bàn tay cứng cáp của người ta. Bầu trời quang đãng. Trăng sáng vằng vặc. Tiếng dế râm ran. Réc, réc. Lần đầu tiên, mẹ có cảm giác vừa ngượng ngùng, vừa chộn rộn đến như vậy.

Kể từ khi nồi cơm điện được sửa xong, mẹ và người ta trở nên gần gũi hơn. Mỗi lần đi làm hay tình cờ gặp nhau ở khu trọ, mẹ và người ta cũng vui vẻ chào nhau. Có lúc chỉ là cái mỉm cười hay cái nháy mắt, cũng đủ để cả hai cảm thấy có sự gắn bó. Những ngày cuối tuần, mẹ bắt đầu trông chờ hết giờ làm.

Mẹ sẽ về phòng, tắm rửa sạch sẽ, thay đồ thật nhanh rồi cùng người ta chở nhau trên chiếc xe đạp ra bãi đê vắng. Hai người sẽ tựa lưng vào nhau trò chuyện. Có khi chỉ tựa lưng như thế và im lặng, ngắm nhìn trời đêm thanh vắng, cũng đủ rộn rạo trong lòng. Chính cái cầm tay đêm hôm ấy, như mang đến cho mẹ cơn mưa rào mát lành vào đầu hạ.

Mẹ nghĩ hạnh phúc đã mỉm cười với mình sau những ngày mang thân phận lục bình. Trên khuôn mặt đầy lo toan trước đây, đã rờ rỡ nét hân hoan. Lúc biết mẹ và người ta qua lại với nhau, một trong hai cô gái cùng phòng khuyên mẹ cẩn thận, vì ấn tượng về người ta không tốt, nhất là đôi mắt xếch. Cô nói, những người có đôi mắt xếch thường nhiều mưu toan, không ai biết được. Nhưng mẹ bỏ ngoài tai. Mẹ chỉ biết mình yêu người ta và người ta cũng yêu mình.

Sau nhiều lần đắn đo, cuối cùng mẹ quyết định thông báo tin quan trọng cho người ta. Ấy là mẹ đã có thai. Hai tháng. Cái thai đó chính là tôi. Lúc ngồi trước mặt người ta, giọng mẹ run rẩy, nét mặt trĩu nặng âu lo. Là vì mẹ nghĩ đến ông bà ngoại ở quê. Dù có cố gắng cách nào mẹ biết ông ngoại cũng khó lòng tha thứ cho mẹ nếu chuyện vỡ lở. Nhưng mẹ như thở phào khi nghe người ta hứa hẹn một ngày nào đó sẽ đưa mẹ về quê ra mắt ông bà ngoại, rồi làm cưới hỏi đàng hoàng.

Những ngày hạnh phúc của mẹ lại được nối tiếp bằng những bữa ăn mà mẹ nấu cho người ta, bằng những lần trò chuyện giữa đồng đêm thinh vắng, gió trời mát rượi. Một hôm, cũng ở giữa cánh đồng đêm ấy, khác với mọi ngày, người ta cứ im thin thít. Chốc chốc lại thở dài não nề. Mẹ gặng hỏi mãi, người ta mới nói: “Em xem. Nếu cứ quanh quẩn kiếp đời công nhân như vầy sẽ không có tương lai. Thời bây giờ, phải kinh doanh, lớn nhỏ gì cũng được, mới mong có tiền”. Người ta ngập ngừng một lúc: “Anh cũng nghĩ nát óc rồi. Mình phải kinh doanh, sau này con ra đời, còn phải lo tương lai của con nữa! Mà ngặt nỗi, anh vẫn chưa đủ tiền”.

Người ta nói với mẹ ý định mở quán cà phê. Ở đây công nhân nhiều, việc mở quán cà phê rất tiềm năng, trong khi đó lại không cần phải bỏ vốn lớn. Khi đó, mẹ và người ta sẽ cũng nhau làm chủ, không còn phải bán sức lao động cho mấy xí nghiệp kia nữa. Lại còn chủ động về thời gian, lúc nào có việc thoải mái nghỉ, không phải xin phép, cũng không lo bị trừ lương.

Giọng người ta đang vui bỗng nhiên chùng xuống. Người ta vẫn còn thiếu tiền. Khoảng hai mươi triệu đồng. Mẹ nghe người ta nói vậy thì mủi lòng. Thật ra, ai vào hoàn cảnh của mẹ cũng không thể không mủi lòng, huống hồ mẹ đang mang trong mình giọt máu của người ta. Mẹ có tiết kiệm được một khoản nhỏ hòng khi đau ốm, cũng tương đương số tiền mà người ta đang cần. Đêm đó, mẹ không ngần ngại đưa tiền cho người ta…

Nhưng đời vốn không như là mơ. Hôm ấy, từ xí nghiệp trở về, như thường lệ, mẹ lại đi chợ nấu cơm. Mẹ nấu thêm phần cho người ta nhưng suốt đêm đó người ta không về. Qua ngày hôm sau cũng không. Rồi những ngày tiếp đó nữa. Người ta đi mãi không về. Hai cô gái cùng phòng nhắc lại đôi mắt xếch, như một dấu chỉ mà họ biết sẽ có ngày này. Đến lúc này thì mẹ không thể không tin. Nhưng tất cả đã muộn rồi. 

Bụng mẹ ngày một to. Mẹ ê chề với mọi người trong xóm trọ lẫn xí nghiệp. Giờ mẹ biết thêm trong tình yêu không chỉ có vị ngọt, mà còn có cả vị đắng chát.

Những tháng cuối thai kỳ, mẹ suy nghĩ nhiều hơn về việc ở lại hay về quê. Mẹ nghĩ nhiều. Sau cùng, khi chẳng bao lâu nữa tôi sẽ chào đời thì mẹ quyết định về nhà. Dù sao nhà mình vẫn tốt hơn cả.
Ngày mẹ về đến nhà, khuôn mặt xanh tái vì lo lắng lẫn kiệt sức. Thấy mẹ về với cái bụng lùm lùm, ông ngoại riết hai hàm răng vào nhau, miệng không ngừng chì chiết: “Con trời đánh. Mày học đâu cái thói ngủ lang thế hả? Trời ơi! Sao nhà tôi lại vô phước thế này hở trời!”. Ông ngoại đưa hai tay ôm chặt lấy đầu. Bà ngoại không nói gì, chỉ ôm mẹ rồi khóc.

*
Tôi là một đứa trẻ bất hạnh, bị cha đẻ từ bỏ ngay khi vừa tượng hình. Và giờ, lúc chưa kịp sinh thì bị ông ngoại gả bán cho người khác. Hai mươi triệu đồng. Cũng chính là số tiền mà mẹ tôi đã đưa cho người ta trước đây. Bây giờ, giả mà tôi không muốn chào đời nữa, tôi cứ muốn nằm mãi trong bụng mẹ, để được bảo bọc, ôm ấp - thì có được chăng?

Khi tôi đang miên man trong dòng suy nghĩ của mình, bất chợt mẹ vùng dậy. Sau một hồi lục lọi dưới đáy tủ, mẹ liền lôi ra chiếc ba lô. Chiếc ba lô này đã theo mẹ xuôi Nam rồi ngược Bắc. Mẹ đứng tần ngần một lúc. Mẹ bặm môi, để không bật ra những tiếng nấc nghẹn. Mẹ cho tất cả quần áo và đồ dùng cá nhân vào rồi rón rén đi ra cửa.

Hồi chiều, khi ngồi ở bậc cửa, lòng mẹ thắt nghẹn khi nhìn thấy đôi mắt ông ngoại sáng rỡ lúc nhìn cái sân, con ngõ rồi nhà bếp. Rồi ông ngoại thở dài: “Hừm. Cái nhà này, nếu không sửa sang lại thì chỉ cần cơn gió mạnh thổi qua cũng đổ…”.

Lúc đó, mẹ không nói gì, còn tôi thấy buồn rười rượi. Không! Tôi chẳng muốn đi đâu cả. Tôi chỉ muốn ở nhà với mẹ của mình thôi. Tôi phản đối bằng cách dùng tay chân khua nhẹ. Có lẽ mẹ cũng hiểu ý tôi nên mẹ ôm bụng đi vào nhà nằm.

Tôi nằm yên trong bụng mẹ, ngoan ngoãn hưởng cảm giác bình yên của tình mẫu tử. Còn gần mươi ngày nữa tôi mới chào đời. Vậy mà, ông ngoại đã gả bán tôi cho người khác. Tôi muốn gào thét thật to, để mẹ tôi biết mà đừng nghe theo ông ngoại. Nhưng tôi không thể làm được gì, giống như mẹ tôi đã không thể làm trái lời ông ngoại.

Mẹ biết tính ông ngoại. Một khi đã nói là làm, đố ai ngăn cản được. Có lẽ vì thế mà tối nay mẹ quyết định ra đi.

Mẹ lồng chiếc quai xách vào tay rồi nhẹ nhàng đẩy cánh cửa, lách người ra. Ông bà ngoại vẫn nằm ngủ trên giường. Trước khi bước chân qua bậu cửa, mẹ ngoái lại nhìn ông bà lần cuối rồi khép cửa đi thẳng.

Mẹ đi lầm lũi như từ hồi nào, như thể con tạo đã quy định cho mẹ dáng đi như thế. Con trăng cuối tháng nhờ nhờ soi bóng mẹ đang nặng nề trôi trên vạt cỏ ven đường. Sương bay bảng lảng, đậu trên tóc, trên da thịt khiến mẹ chốc chốc rùng mình, run lên vì lạnh. Mẹ hiểu, từ nay nơi này không còn thuộc về mình. Mãi mãi. Nhưng vẫn còn đó những luyến lưu, những tiếc thương chưa dứt…

*
Mẹ và tôi đến bến xe của thị trấn khi còn sót lại một vài ánh nắng cuối chiều, vàng võ trên mặt đường. Tiếng còi xe tin tin, tiếng người cười nói, tiếng mấy con vịt quang quác làm buổi chiều ở bến xe thêm phần ngột ngạt, bức bối.

Mẹ ngồi dưới một gốc cây, lấy chiếc nón lá ra phe phẩy. Những giọt mồ hôi rịn ra trên khuôn mặt khắc khổ của mẹ. Bàn tay còn lại, mẹ đưa lên bụng vỗ về tôi. Cảm giác êm ái khiến tôi dần quên đi cái không khí ngột ngạt dù xung quanh vẫn kẻ đưa người tiễn tấp nập, ồn ào.

Khi mẹ đưa cốc nước vừa xin được của bà lão cạnh bên, thì cũng là lúc chiếc loa công cộng ở góc bến xe vang lên bản tin thông báo nhắn tìm người thân: “Bố là Hoàng Văn Sậm, nhắn tìm con là Hoàng Thị Hoa bỏ nhà đi từ sáng sớm 20 tháng 8. Đặc điểm nhận dạng: khuôn mặt đen xạm, gầy gò, tóc ngang vai, đang mang thai ở tháng thứ 9. Ai biết chị Hoa ở đâu xin báo tin về cho ông Sậm theo địa chỉ: Hoàng Văn Sậm, xóm 10, xã X, huyện Y. Chân thành cảm ơn và hậu tạ!”.

Ngay sau khi cô phát thanh viên vừa đọc xong bản tin, liền lúc ấy, một giọng đàn ông vang lên, mềm oặt như đang khóc mếu: “Hoa ơi! Con đang ở đâu, cha mẹ rất mong con và cháu quay về. Cha mẹ xin lỗi con!”. Cái giọng nói ấy vừa thân quen vừa xa lạ nhưng cũng đầy trìu mến.

Mẹ lặng đi ngay sau khi giọng nói ấy kết thúc, loa phát thanh đã chuyển sang chương trình quảng cáo. Mẹ vội vàng trả cốc nước cho bà lão rồi lúi húi bước đi. Sau lưng, bà lão vừa pha trà vừa chép miệng: “Khổ! Bụng mang dạ chửa như vậy mà còn đi đâu. Còn nơi nào tốt hơn nhà bố mẹ hay sao…”.

HỒ HUY SƠN

;
;
.
.
.
.
.