.

Khi nỗi nhớ chỉ là những đường nét…

.

Cũng khoảng 3 năm rồi mình không có dịp về quê. Mà nói đúng hơn, xen kẽ giữa 3 năm ấy có một ngày trở về nhưng vội vàng và nhanh chóng, gần như không kịp để nhìn ngắm hay tận hưởng bất cứ điều gì cả. Quê nhà, theo cách nào đó, giờ chỉ hiện lên bằng những đường nét rất mờ ảo…

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Mãi về sau này khi đã bôn ba nhiều năm nơi phố thị xa lạ, mình mới tin rằng mình có thể không đủ trí nhớ để soi chiếu về quê nhà một cách rõ ràng. Một con đường nhiều cây điệp vàng rụng suốt những mùa hè nắng cháy, một góc quán chè quen lụp xụp nhưng ấm áp, một ngã năm đường đầy ắp những hàng quán ngon mang rặt khẩu vị địa phương… Mọi thứ hoàn toàn không chắc vẫn ở đó khi nhà cửa thay đổi, phố xá được chỉnh trang và đôi khi những người bán cũng đã được thay thế…

Hình ảnh của quê nhà mà mình từng biết, có lẽ không còn hiện hữu trong hiện tại, dù quê nhà đó chưa bao giờ bị mất đi.

Những ngày của tuổi trẻ trở về quê nhà, thường là những ngày nhìn rõ phố phường nhất, vì mải mê lao ra đường cùng bạn bè để đàn đúm, tụ họp... Về nhà nhưng thật ra thời gian ở ngoài đường còn nhiều hơn ở nhà.

Những ngày không còn trẻ, ngược lại về quê là thật tâm chỉ muốn ở nhà. Cái cảm giác muốn dành khoảng thời gian ít ỏi kia cho những điều thân thuộc: ăn những bữa cơm gia đình, trò chuyện cùng người thân, nằm gác chân lên chiếc giường quen nhìn trời qua ô cửa…

Và cứ thế, càng lớn tuổi, quê nhà trong những chuyến trở về đôi khi chỉ còn gói gọn trong căn nhà nhỏ với gia đình yêu thương. Điều này có vẻ cũng đúng với tính cách của một con người, càng sống thì càng muốn mình được gắn bó nhiều hơn với không gian hay bối cảnh mình yêu thương, không còn nhiều khao khát khám phá sự mới mẻ hay độc đáo ở ngoài kia…

Thế nên, thảng hoặc trong câu chuyện với Má qua những cuộc điện thoại cuối tuần khi kể về một chi tiết nào đó ở quê, cái hình dung trong đầu mình với điều mà Má đang kể lắm lúc chẳng liên quan gì nhau. Thành ra câu chuyện vì vậy mà cứ: Ồ!, À!, Vậy hả Má?...

Nỗi ngơ ngác trong trí nhớ của một người từng có gần 20 năm từ lúc sinh ra ở quê cho đến khi rời xa lập nghiệp, thật chẳng có cảm xúc nào diễn tả nổi. Nó vừa là một thứ mất mát, vừa là một thứ mình phải chấp nhận, cũng vừa là một thứ cứ bắt mình phải đau đáu hoài vọng…

Nếu ví quê nhà như một gương mặt người, chắc rất nhiều người trong cuộc đời này giống mình, là chỉ còn nhớ được đường nét mà không thể đặc tả được chi tiết trên gương mặt ấy. Nó chỉ còn là cảm giác khi nhắm mắt lại chứ không phải là hình ảnh có thể kể khi mở mắt ra.

Nên suy cho cùng dù quê nhà của bạn có ở đâu và như thế nào, một khi bạn chỉ còn nhớ về nó bằng những đường nét, nghĩa là bạn đã ở quá xa với quê nhà cả về khoảng cách địa lý lẫn ký ức cảm xúc.
Có những thứ trong cuộc đời bạn hoàn toàn có thể tìm lại được, dù có thể khi đấy nó đã cũ đi theo thời gian. Song cũng có những thứ, khi bạn cất công tìm lại, thứ bạn có trong tay đôi khi chỉ còn là hoài niệm.

Hành trình đời sống của một con người là một chuỗi của những mất mát và thay thế. Không chắc thứ mới hơn là tốt hơn nhưng rõ ràng chúng ta không có nhiều quyền chọn lựa, vì chỉ có như vậy bản thân mới có khả năng trưởng thành và mạnh mẽ đối diện với những biến cố đến từ mọi hướng. Chọn sống mãi với ký ức chỉ khiến cho con người ta đóng băng lại cuộc đời mình. Không cho phép mình tốt hơn như mình có thể…

Quê nhà, với mình, giờ là một nỗi mất mát, vì mình chỉ còn nhớ về nó qua những đường nét.

NGUYỄN PHONG VIỆT

;
;
.
.
.
.
.