.

Sinh thái và nhân sinh trong Linh điểu

.

Hiện nay các tác phẩm văn học viết về vấn đề sinh thái còn ít, chủ yếu là viết về tự nhiên - tôn vinh vẻ đẹp của tự nhiên và miêu tả con người gắn bó với thế giới tự nhiên. Mới đây, Nguyễn Văn Học ra mắt tiểu thuyết Linh điểu, lấy cảm hứng từ loài chim, những “ca sĩ của bầu trời” bị săn bắt tận diệt.  

Tiểu thuyết Linh điểu của Nguyễn Văn Học, NXB Dân trí, 2020.
Tiểu thuyết Linh điểu của Nguyễn Văn Học, NXB Dân trí, 2020.

Là một nhà văn, nhà báo, Nguyễn Văn Học luôn chú trọng đưa các đề tài hiện thực xã hội nóng hổi và mang tính thời sự vào trong những sáng tác của mình. Do đó, luôn có hai chủ đề chạy song song và xoắn luyến xuyên suốt tiểu thuyết Linh điểu. Một chủ đề thế sự bao trùm xoay quanh thiên nhiên đang ngày một bị con người tàn phá, bức tranh công nghiệp/đô thị hóa vùng nông thôn đang thu hẹp dần cảnh quan tự nhiên, đan xen là những khía cạnh riêng tư như những gia đình rạn vỡ cùng những sang chấn vô hình lẫn hữu hình do nó để lại. Chủ đề thứ hai mang tính bản thể, trăn trở về sự tồn tại của nhân vật Diệp Vân. Thảm họa sinh thái do con người gây ra song hành với những khoảng khuất tối trong tâm hồn con người, cùng những băn khoăn khắc khoải về bản thể.

Nhân vật chính Diệp Vân từ nhỏ là người rất nhạy cảm với chim muông, vì thế chim chóc đến nhà cô ngày một đông. Cô sẵn sàng cứu bất cứ chú chim nào bị thương, bị bắt, không hề quản ngại khó khăn, bỏ rất nhiều tiền bạc, thậm chí bất chấp sự nguy hiểm tính mạng để cứu đàn chim. Diệp Vân luôn tự vấn, đau khổ tìm nguyên nhân. Chính cái đói, nghèo cũng như sự độc ác của con người đã giết đi những người bạn của bầu trời. “

Cái đói xui đôi bàn tay làm điều của quỷ dữ, nó đẩy người nghèo vào bi kịch và ép họ dồn lực lên thiên nhiên. Cái đói là kẻ dã tâm, trút khổ hạnh và chết chóc vào thiên nhiên. Cái đói cũng tạo ra cái dốt và cái dại. Càng dại càng tàn phá thiên nhiên. Càng tàn phá thiên nhiên con người càng ích kỷ, tham lam, vô cảm”. (Linh điểu, tr.37, 38). Yêu chim muông như vậy mà hằng ngày cô phải chứng kiến cảnh con người bắn bẫy chim giết cả bao chim, vặt trụi lông chim đem ra chợ bán hay nướng trên than hồng, càng khiến cô đau đớn quặn thắt.

Diệp Vân còn là một cô gái có số phận bất hạnh đáng thương. Cô bị bỏ rơi từ khi mới lọt lòng, được bà giáo Diệp Chi nuôi dạy và yêu thương như con gái. Ngay từ nhỏ trên hai bả vai cô đã có hai vết sẹo gây cho cô khó chịu, ngứa ngáy, đau đớn, khi lớn lên từ hai vết sẹo đó mọc hai cái cánh trắng muốt. Trạng thái cảm xúc của cô thay đổi liên tục, lúc vui mừng, lúc lo sợ. Người ta coi cô là ma quỷ, người săn đuổi để bắn cô như một con chim, cô phải chạy trốn nhiều lần.

Dù cô là một cô gái nhỏ bé, chỉ biết chăm sóc, bảo vệ đàn chim trời, cố giữ vườn chim, rồi vườn chim bị mất do những thay đổi thời kinh tế thị trường, cô lại cùng người thân trồng cây xanh để gọi đàn chim về, để cho đẹp làng quê mà vẫn luôn bị kỳ thị, rình rập. Để rồi cuối cùng chính người yêu cô, người vốn là kẻ độc ác chuyên đi bắn giết chim đã được cô cảm hóa song vì gia đình cấm không cho lấy con bé nửa người nửa chim mà chán đời quay vào đồi tìm bắn chim và làm cháy đồi, trong khi Diệp Vân đang bị một đội săn chim khác đuổi bắn, cô đã chạy lên đồi Cò thúc giục đàn chim bay đi tránh lửa, cô lao vào lửa, cô giẫy giụa, đôi cánh bật tung, cô đã bay cùng các thiên sứ.

Khi đưa lối nhân vật Diệp Vân đến ngôi làng quê hương của mẹ đẻ ở nửa sau của tiểu thuyết, tác giả đồng thời dẫn dắt người đọc tới miền huyền ảo liêu trai. Đến lúc này, Linh điểu bắt đầu mang đầy đủ những thuộc tính của một tác phẩm theo phong cách hiện thực huyền ảo: một cái nhìn hiện thực trần trụi được khoác lên mình phong cảnh môi trường huyền bí; một nhân vật có phẩm chất khác thường cùng năng lực quan sát và niềm tin vào điều kỳ diệu. Một ngôi làng vùng bán sơn địa ma ám, nơi nguồn nước bị ô nhiễm dẫn đến những dị biến trên cơ thể con người.

Nhưng sự méo mó không chỉ hiện diện trên những con người thiểu số mang dị tật khiếm khuyết, mà nó còn hiện diện trên nhân cách của đa số người dân làng. Bị choáng ngợp trước những cám dỗ vật chất và hào nhoáng của đô thị hóa, họ trở nên thực dụng, ích kỷ, mê mị, nghi kỵ và kỳ thị. Nhân vật cô bé Diệp Vân trong sáng giàu lòng trắc ẩn, với đôi cánh biểu trưng cho một thiên thần thiện lương, thương yêu loài chim và bất bình trước những hành động săn bắt tàn ác.

Tác giả xây dựng bi kịch tiểu thuyết ở chỗ cô bị đặt giữa một bối cảnh mang đầy tính hư vô khi các giá trị nhân bản bị đoạn diệt, và rơi vào trạng thái hoài nghi. Thay vì hoài nghi về nhân tính và trở nên bị tha hóa, Diệp Vân hoài nghi về sự tồn tại của bản thân mình. Nhưng sự hoài nghi lại trở thành lời khẳng định niềm tin của cô vào lương tri của con người, những điều tốt đẹp và vị tha trong cuộc sống. Cô chọn một sự tồn tại có ý nghĩa và truyền cảm hứng cho những người xung quanh trong nỗ lực bảo vệ môi trường.

Tác giả không ngừng hoán đổi ngôi trần thuật, từ Diệp Vân sang chim cu gáy, rô trũi để biểu đạt đa dạng những sắc thái tổn thương. Vì sao phải nhìn qua lăng kính của loài vật? Chúng vốn dĩ đi vào hình dung của con người chỉ đơn thuần mang giá trị thực phẩm và vật chất. Chọn điểm nhìn từ loài vật, tác giả muốn ngụ ý loài vật đang cất lên tiếng nói, phát ngôn lời kêu cứu của tự nhiên. Đó còn là tiếng nói của kẻ yếu, bị con người đẩy ra khỏi môi trường sinh sống, phải chứng kiến đồng loại bị sát hại và bất lực. Người đọc nhờ vậy được cấp thêm một tấm kính phản chiếu, để nhìn thấu rõ tội ác của loài người, tội ác của kẻ mạnh, đồng thời hiểu được chúng ta cũng cần phải làm gì để chủ động thay đổi, khiến môi trường xung quanh trở nên tốt hơn.

Tiểu thuyết Linh điểu của Nguyễn Văn Học cũng thấm đẫm nhân quả, dẫu phần nhiều mang tính chất hướng thiện, nhân xấu thì gặt quả báo. Hầu hết tuyến nhân vật xấu đều có những chuyển biến tâm tính theo hướng được cảm hóa. Thông điệp của nhà văn thông qua bức họa nhân sinh trong “Linh điểu” vẫn là kêu gọi con người tìm đến những giá trị chân thiện mỹ, lạc quan hóa, lên án cái xấu và lan tỏa nhân tính. Hơn hết, con người cũng cần nhìn nhận lại bản thân.

Con người nghĩ mình ưu tú trước thiên nhiên, nhưng bản chất con người lại là một phần của thiên nhiên. Con người tàn phá thiên nhiên cũng chính là tiến gần hơn đến hệ lụy cuối cùng, sự diệt vong của chính mình. Song, giữa những vết nứt đớn đau của thiên nhiên, bừng lên một mầm non khát vọng xanh ngời.

Phạm Minh Quân



 

;
;
.
.
.
.
.