.

Nửa đêm gõ mõ

Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm
Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ
Sao sư thầy không gõ mõ
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình

Có phải đâu là Thị Kính hiện hình
Đi tu hẳn khó khăn vì tuổi chưa già được
Dù là nữ tu có thể nào thoái thác
Chính cơ thể mình - thân gái trời ban

Trong phòng riêng có giờ phút ngỡ ngàng
Thấy dấu hiệu của thời còn sinh nở
Tội nghiệp màu trắng, tội nghiệp màu đỏ
Tội nghiệp màu xanh, tội nghiệp chính
thân mình

Nam - mô - a - di - đà Phật
Cho con xin từ giã phận mình
Những ham muốn đời thường
        đừng bắt con đeo đẳng
Lộc của người xin trả cho người
Sự yên bình đừng phá màu cay đắng

Sư thầy tụng kinh từ đầu đêm
Sao quá nửa đêm vẫn chưa đi ngủ
Sao sư thầy không gõ mõ
Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình

Có thể nào những day dứt thời bình
Cũng có thể làm vết thương thuở nào tái phát
Trời đã về khuya tiếng mõ dường thưa thớt
Tiếng cầu kinh nhỏ dần trong gió đêm.

                                             Phạm Tiến Duật

Bài thơ trên nằm trong Chương III, trường ca Tiếng bom và tiếng chuông chùa của Phạm Tiến Duật, NXB Hội Nhà văn, 2000. Chuyện kể rằng, ở Thái Bình, có hàng chục ngôi chùa, hàng trăm sư nữ xuống tóc vào chùa. Vũ Cao, tác giả Núi Đôi và Phạm Tiến Duật đã về Thái Bình, gặp lại những sư nữ vốn là chiến sĩ, thanh niên xung phong của thời chống Mỹ tại các cung đường Trường Sơn. Kết thúc chiến tranh, khi về lại quê nhà, tuổi xuân đã đi qua. Những người bạn trai cùng lứa thì nằm lại dọc đường ra trận, không về. Người trở về, có gia đình riêng. Bao nhiêu nỗi niềm, và, họ đã xuống tóc đi tu, chiếc áo xanh trận mạc thay bằng những chiếc áo nâu sồng.  

Ở bài thơ này, Phạm Tiến Duật dẫn lại Kinh Phật Thủ Lăng Nghiêm trước khi đi vào những nỗi niềm sau cuộc chiến:

Tất cả sẽ thành nước cả thôi. Người ta
Buồn quá thì chảy nước mắt ra...

Có điều là, cả bài thơ không thấy giọt nước mắt, nỗi đau như nén lại, chảy ngược vào trong. Chú ý sẽ thấy, khổ thứ nhất và khổ thứ năm mới nói về tụng kinh gõ mõ. Các khổ thơ khác, chủ yếu bàn về phận người. Tuy là vậy, các khổ vẫn xoắn quyện vào nhau, bật lên bi kịch chiến tranh. Phạm Tiến Duật là nhà thơ trưởng thành trong kháng chiến chống Mỹ. Bài thơ trên, tác giả ghi chú, viết tại Hà Nội, tháng 7 năm 1997. Thời điểm này, cuộc chiến đã lùi xa hai mươi năm. Nhưng rồi, mọi thứ như cứ bày ra đấy, vẫn còn đó bao nỗi niềm, bao xao xuyến. Làng quê sau chiến tranh, dưới mỗi mái nhà là một số phận. Dưới mỗi mái chùa là một bài thơ buồn. Bài thơ có sáu khổ. Mỗi khổ như tiếng mõ, gõ vào đêm vắng. Người tụng kinh tụng từ đầu đêm. Người nghe kinh, nghe suốt cả đêm, không ngủ, day dứt. Tiếng nhặt khoan của tiếng kinh kèm theo tiếng mõ, cộng với cái giá lạnh của mùa đông, cứa vào canh khuya. Lạnh lùng. Mưa gió. Cô đơn. Ôi, những cảnh đời của thời hòa bình.

Mười năm sau, năm 2007, Phạm Tiến Duật từ biệt cõi đời.

Bài thơ không có câu nào, chữ nào nói về cảnh bom rơi đạn nổ.  Chiến tranh lặn vào dòng sông hồi ức. Chiến tranh lùi dần vào quá khứ. Những tàn khốc, bạo liệt của nó, giờ đây, hiển hiện trên những thân phận cụ thể.

Hình ảnh: Sao sư thầy không gõ mõ/ Lại vừa tụng kinh vừa gõ đầu mình hai lần lặp lại. Ý thơ cho thấy rằng, có thể đó là những di chứng của chiến tranh hoặc đó là những hình ảnh bi thương của thời trận mạc vẫn cứ ám ảnh khôn nguôi trong thẳm sâu tâm tưởng của người trở về.

Những dòng thơ ở các khổ thơ tiếp mới là những nhát cắt, đau đớn, như muối xát vào tuổi thanh xuân, chưa già, vào “cơ thể mình - thân gái trời ban” , “dấu hiệu của thời còn sinh nở”, “tội nghiệp màu trắng, tội nghiệp màu đỏ, tội nghiệp màu xanh, tội nghiệp chính thân mình”. Song, đau đớn nhất là những dòng thơ:     

Nam - mô - a - di - đà Phật
Cho con xin từ giã phận mình
Những ham muốn đời thường
    đừng bắt con đeo đẳng
Lộc của người xin trả cho người
Sự yên bình đừng phá màu cay đắng...

Một đoạn thơ xin từ giã, từ giã chính mình, từ chối những ham muốn đời thường, từ chối lộc của người, xin giữ sự bình yên dẫu cay đắng. Câu niệm Nam - mô - a - di - đà Phật có giúp người nữ tu đủ bình tâm đi tiếp chặng đường còn lại của đời mình và những người đồng cảnh ngộ như mình?

Bài thơ đưa ta về gặp lại một cuộc chiến tranh khác. Cuộc chiến không tiếng súng, chỉ thấy nỗi đớn đau của người phụ nữ ở những làng quê sau bom đạn. Một cuộc chiến không nói được bằng lời, sâu thẳm hơn, là sự cô đơn và trống vắng của người phụ nữ trong những ngày còn lại trên cõi nhân gian này. Dằng dặc sau câu chữ, như tên một tác phẩm của Bảo Ninh - “Nỗi buồn chiến tranh”. Svetlana Alexievich, tác giả đoạt giải Nobel Văn chương quốc tế năm 2015 về tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ. Không có khuôn mặt phụ nữ chỉ là một cách nói, thậm chí, người phụ nữ như một tượng đài của sự thống khổ và lòng can đảm trong chiến tranh.

HUỲNH VĂN HOA

;
;
.
.
.
.
.