.

Khẩu trang

.

Chưa bao giờ cái khẩu trang trở nên thiết yếu như hiện nay, và cũng chưa bao giờ sự lo lắng phòng bệnh trở nên cụ thể và trực tiếp như những ngày này. Từ chỗ chỉ là vật chống nắng cho chị em nay trở thành phổ biến cho tất cả, từ nam thanh nữ tú cho đến các cụ già, từ thành thị cho đến nông thôn, từ chỗ đông người cho đến nơi thưa vắng, từ chốn linh thiêng thờ phụng cho đến chợ búa ồn ào. Cái khẩu trang trở thành thước đo thứ nhất của sự đề phòng, giữ gìn.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Người ta nói rằng, từ trước đến nay có 3 nguyên nhân gây chết người nhiều nhất: thiên tai, chiến tranh (cả loạn lạc) và dịch bệnh. Vào mạng, chỉ sau mươi giây ta có hàng triệu kết quả về các đại dịch và sự chết chóc kinh hoàng trong quá khứ. Cũng lạ, hóa ra con người là “chúa tể muôn loài” nhưng thứ làm tổn thương nghiêm trọng nhất đến chúa tể là những con vật nhỏ xíu mà mắt thường không nhìn thấy. Và cũng thật lạ nữa, trải qua hàng vạn năm, con người mới biết chính xác về nguyên nhân gây ra bệnh dịch, nhất là cách phòng và chống cũng mới vài trăm năm nay.

Dĩ nhiên để ngăn virus lây nhiễm không chỉ bằng khẩu trang, và càng không phải là khẩu trang thông thường, nhưng cái miếng che miệng khi nói này giúp bảo vệ cho người đối diện rất hiệu quả, bởi ta không lây sang người cũng có nghĩa người sẽ không “văng” sang ta. Đó là sự phòng vệ có trách nhiệm và hiệu quả của cộng đồng có ý thức. Ta không hoảng sợ nhưng ta không coi thường khả năng lây nhiễm. Điều tưởng đơn giản là các doanh nghiệp cung cấp khẩu trang y tế cho cộng đồng, tiếc là hiện không kham nổi. Tôi bỏ cả ngày đi lùng khắp các cửa hàng thuốc, nhưng tất cả đều trả lời không có. Làm sao?

Do tính thích thêu thùa hồi phổ thông, hôm trước Tết, tôi mua một máy khâu nhỏ gia đình. Cứ nghĩ để sẵn trong nhà, khi rảnh khâu vá cho vui, ai dè đúng lúc khan hiếm khẩu trang, tôi “triển khai” cung cấp cho cả nhà. Ai cũng vui khi nhận mỗi người hai chiếc. Bằng vải, nhưng tôi nghĩ chí ít nó cũng bớt cái lăn tăn để trấn an mình rằng, ý thức về phòng bệnh quan trọng hơn chữa bệnh. Rồi ra sau này, biết đâu đeo khẩu trang và siêng rửa tay trở thành thói quen tốt cho cả cơ quan, cả thành phố… Người ta nói cái kính đeo mắt làm tăng thêm 50% vẻ đẹp kiêu sa của mỗi người, thì có lẽ cái khẩu trang cũng làm giảm đi phần nào cái vẻ phúc hậu, thì thôi đeo thêm cái kính nữa, vừa phòng dịch, vừa “bù đắp” cho cái phần giảm thiểu kiêu sa gương mặt do việc đeo khẩu trang này gây ra.

Ai có con nhỏ nghỉ học dài ngày càng thấm thía cái khổ của dịch bệnh này. Toàn xã hội lo lắng, kinh tế bị ảnh hưởng, việc đi lại - nhất là du lịch, bị tác động… Tôi tin là các nhà bác học trên toàn thế giới đang miệt mài tìm cách bào chế vaccine chống Covid-19. Chợt nhớ một câu trích trên đầu một cuốn sách “Sự ghen tị của các học giả sẽ làm tăng trưởng trí thức”, vâng chính sự “tự ái” của giới tinh hoa mới tìm được cách giải cho những vấn đề toàn cầu. Trước cái không may, vấn đề là làm sao cho có nhiều sự “ghen tị” ấy để sớm có lời giải. Với tôi, chuyện to lớn chẳng dám nghĩ, chỉ xin làm sao cho đường chỉ tôi khâu thẳng hàng, sắc sảo, không bị “bục chỉ” bất ngờ.

Trần Thu Thủy

;
;
.
.
.
.
.