.

Đau đáu những giá trị thật (*)

.

Rốt cuộc trong mỗi đời người, dài lâu hay ngắn ngủi, hành lý chúng ta mang theo là gì nếu không phải là niềm vui, sự thanh thản trong tâm hồn? Ấy vậy, nhưng cuộc sống với muôn vàn đổi thay, mấy ai kịp “neo” mình lại bên rìa vùng xoáy của cơn lốc phát triển. Đó cũng là niềm trở trăn bàng bạc trong 32 bài viết thuộc tập tản văn Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư.

Mở đầu tập tản văn, người đọc thấy nước mắt mình mằn mặn khi nghe chàng Khờ khư khư bảo vệ niềm tin: “Mẹ tui nói chừng nào đá trổ bông mới lên đón”. Khi nào đá trổ bông, đá có trổ bông không? Đó là những câu hỏi suy luận logic thường tình. Nhiều người tin Khờ là khờ thật khi thấy Khờ không bỏ sót một hốc đá nào vì nghĩ có thể ở nơi mình không nhìn thấy đó, đá đã trổ bông. Với Khờ, việc đợi chờ đá trổ bông là đợi chờ tình yêu thương từ người mẹ, đợi chờ một vòng tay ấm chở che, vỗ về mà bao lâu cậu không có diễm phúc hưởng nhận. Ai đó nói, con cái là nhân duyên trong cuộc đời cha mẹ. Khờ cũng là nhân duyên bị người mẹ bỏ quên, đơn côi bên đỉnh núi!

Có những niềm hạnh phúc giản đơn. Bên cuộc nổi trôi người đàn ông chủ ngôi nhà cũ có bụi bông giấy leo lên mái che cửa sổ, làm nghề sửa cân với tấm bảng viết tay nét chữ chân phương treo trước cổng nhà vẫn thản nhiên, mặc kệ bao gọi mời trị giá bạc tỷ của ngôi nhà mình đang sống.

Có một nỗi buồn dai dẳng, rất thật và rất thấm trong Đợi xa xôi. Ở đó, có một người đàn bà chợ Cùng “mắc kẹt” trong mớ ký ức về một lời hứa đã trôi theo gió thoảng mây bay. Hay nỗi buồn đọng đâu đó trên từng nhành cây, tán lá trong Gió bụi lưng đèo khi xóm núi trong lành bị xáo trộn bởi những công trình xây dựng, bởi tiếng động cơ gầm rú, những chiếc xe ben cày xới tung bụi một khúc đường vào bản…

Có một nỗi trở trăn rất thật khác. Đó là một thằng Mọt quê mùa, quanh năm ngụp lặn trong bùn lầy nhổ bông súng mưu sinh. Nhà Mọt nghèo. Cái nghèo thể hiện qua làn da, nét mặt, việc làm, hiển hiện luôn lên cả cái tên cha mẹ đặt… Cứ ngỡ mọi niềm vui diễn ra trong căn nhà cuối bìa rừng ấy cũng giản đơn nhưng không phải vậy. Một Đám cưới rừng mà Mọt trong hình hài chú rể bảnh bao diện bộ đồ vest xanh đóng hộp, bữa cỗ cưới hoành tráng rồi những tháng ngày sau đó là hình ảnh của đôi vợ chồng trẻ còng lưng trả nợ.

Trên hành trình của đời người, thứ mang theo ý nghĩa nhất là gì? Ta bắt gặp một người đàn bà trong Người giữ hơi người sống cuộc đời đơn thân nhưng không đơn độc. “Chị chọn bỏ học để giữ đám em nheo nhóc. Lúc nào chị cũng bận giữ gì đó. Hoặc chính những thứ đó giữ rịt chị không buông”. Hơn sáu mươi năm lay lắt, chị đã để lại hơi ấm tình người trong mọi ngóc ngách trong trí nhớ của người thân quen bằng những chăm chút rất người.

Hành lý hư vô là gì? Cuối cùng người đọc cũng định hình được điều gì đó qua chính bài viết cùng tiêu đề mang tên tập tản văn này. Đó là đống đồ cồng kềnh vứt dần sau mấy lần chuyển nhà mà chính chủ nhân của nó nhận ra rằng, có nhiều thứ đến lúc mục rã đi còn chưa kịp xài tới nhưng vẫn theo thói quen sắm, mua mỗi ngày để phục vụ thị hiếu riêng mình. Thứ chất đầy trên chuyến xe trong lần chuyển nhà cuối là hư vô. Mọi vật bên ngoài chỉ là phương tiện, biết đủ là đủ.

Giọng văn chất phác, lối dẫn chuyện gần gũi như cách đang ngồi đối diện kể chuyện đời, chuyện xóm, như kiểu chính người nghe - người đọc đang thong dong ngó nghiêng nơi con hẻm đó, trong mái hiên cũ đó, đang chuyện trò với từng mảnh đời đó… Những câu chuyện vụn vặt thường tình trong cuộc sống nhưng đầy trăn trở, suy tư. Đọc văn Nguyễn Ngọc Tư không phải để buồn. Đâu đó, có người ngồi lặng giữa buổi chiều tà hay sớm mai bình minh nhạt nắng để ngẫm lại. Ngẫm mà sống. Ngẫm để sống chậm lại, ý nghĩa hơn. Để thấy cái tình là vốn quý giữa cuộc đời. Nói như Nguyễn Ngọc Tư: “Đó là thứ duy nhất có thể mang theo. Vào đúng khi bạn nhận ra bao nhiêu đồ đạc cũng chẳng lấp nổi biển trong lòng. Vào đúng khi bạn có quá nhiều thứ để nhìn nhận lại trước và trong những cuộc chia tay. Vào đúng khi bạn hiểu cách những mối quan hệ biến dạng sau mỗi cuộc chuyển dời, nhất là giữa người với người. Vào đúng khi bạn biết là mình có thể buông, nhẹ không”!

Phan Vĩnh Yên

(*) Đọc Hành lý hư vô của Nguyễn Ngọc Tư. NXB Trẻ, năm 2019.

;
;
.
.
.
.
.