.

Xôi gấc báo hỷ

.

Gấc dễ lên lắm. Một lần, mẹ nấu xôi gấc vì nhiều hạt quá nên phải nhặt bớt ra trước khi thổi, tôi lấy hạt gấc ném quếnh quáng vào góc vườn gần mấy cây nhãn, cây mít. Khi mưa xuân đến, hạt gấc đã ủ sẵn mầm non dưới lớp lá khô mới nhú lên, vươn dài cánh tay bám vào cành cây, thân cây leo nhanh chóng.

Chẳng mấy chốc, gấc đã dàn trận dày đặc trên mặt giàn, rồi vượt biên trèo lên tận những ngọn mít tít trên cao. Mít đã cho quả từ tháng sáu tháng bảy nên lúc gấc leo lên là lúc mít nghỉ ngơi, nên gấc như “vị khách không mời mà đến” cứ mặc sức đẻ nhánh, ra hoa.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Gấc ra hoa sai bện như hoa mướp, màu trắng, cánh mỏng khum khum như chiếc loa kèn. Gió bấc đến là lúc quả gấc lớn nhanh như ngan như ngỗng. Dây gấc chỉ bé bằng ngón tay nhưng dẻo như dây thừng, dây leo đến đâu lại vòng tay ôm chặt vào cành cây lấy đà đu lên cao tiếp. Mỗi nách một quả lủng lẳng trong gió như những quả chuông xanh. Càng lên cao hóng được nhiều nắng gió nên quả càng phởn phơ, chũm chĩm. Đến khi những sợi nắng đông hanh rực rỡ là lúc gấc được nhuộm dần màu áo đỏ. Nhìn giàn gấc đỏ ròi rọi tưởng hàng trăm chiếc đèn lồng đang đong đưa trong vườn…

Sáng nào dậy tôi cũng ra vườn ngửa cổ lên đếm những quả gấc đang chín. Rồi chuẩn bị thúng, gậy ra hái gấc. Quả nào dưới thấp thì tay cầm dao tay đỡ gấc cắt một nhát là xong. Những quả nào trên tít ngọn cây mít thì phải trèo lên dùng gậy tre dài khều thật nhẹ gấc vào tầm tay rồi mới hái. Phải nhẹ nhàng vì nếu mạnh tay, dây gấc sẽ đứt thì hỏng hết những quả còn xanh, hoặc là gấc chín sẽ rụng bịch xuống sân vỡ nát như tương ngay. Vỏ gấc có gai nhỏ li ti, không nhọn, nên có cầm ôm trọn trong lòng bàn tay thì cảm giác như đang được những chiếc gai châm cứu, luồng điện râm ran khẽ nhột nhột ran rát nhưng dễ chịu.

Mẹ tôi thường chuẩn bị gạo nếp thơm thổi xôi gấc mới để cúng cầu an tạ ơn trời đất đã cho một vụ mùa no đủ. Nhất là đêm ba mươi Tết bao giờ mẹ cũng phải để dành được gấc chín thổi xôi gấc đỏ cúng giao thừa. Gấc được cắt ra lấy phần hạt đỏ, đem trộn với một thìa rượu trắng và một chút muối, đánh đều, để khoảng nửa tiếng rồi đem trộn với gạo nếp đã ngâm để ráo nước. Rượu làm cho mùi hắc hắc hôi hôi của gấc tan biến, chỉ còn mùi thơm đang quện với mùi gạo nếp.

Chõ xôi gấc được đun đều lửa, phải đun bằng rơm vàng thì gấc mới thơm ngon. Thổi xôi gấc là khó nhất trong các loại xôi vì nếu không biết trộn số lượng gấc với gạo nếp cho phù hợp, gấc sẽ bó chặt không làm cho gạo chín đều được. Còn nếu trộn ít thì xôi sẽ không đỏ, không đẹp. Mỡ trộn vào xôi cũng phải chọn thứ mỡ thỏi của lợn rán lên, khi xôi sắp chín thì tưới đều lên xôi lấy màu bóng mỡ, lấy vị béo cho đĩa xôi. Thích nhất là được hít hà vị thơm của xôi gấc khi mẹ mở nắp vung. Khói bay nghi ngút quyện theo mùi thơm nồng nàn của gấc. Đường được trộn vào để tạo vị ngọt cho xôi.

Đĩa xôi được đơm đầy đặn như vầng thái dương rực rỡ được dâng lên ban thờ để cúng giao thừa, cầu mong một năm mới may mắn, an khang. Có năm nhiều gấc, mẹ còn gói bánh chưng gấc, nấu chè gấc. Mâm cỗ ngày Tết rực màu đỏ. Khi ăn xôi gấc, tôi thích dùng tay chim chim miếng xôi thành hình tròn như trái gấc con con rồi mới ăn. Có lúc ăn xong mà quên rửa mặt thì nào môi, nào má được gấc đánh son hồng, đến trường rồi mà lũ bạn vẫn phát hiện ra mình ăn gấc.

Ngày cưới của chị gái, tôi đã ngắt cả thúng gấc để mẹ chuẩn bị thổi xôi. Gấc nhà chưa đủ, mấy bác hàng xóm gọi sang vườn nhà bác để hái gấc về thổi xôi. Các cụ quan niệm ngày cưới có xôi gấc là đỏ cả đời người. Xôi gấc thể hiện mong muốn chúc cho đôi vợ chồng trẻ sống hạnh phúc bền lâu, con cái đầy đàn, chăm ngoan, tiến bộ; gia đình luôn đầm ấm, sung túc… Nên biết thổi xôi gấc là kỳ công nhưng bố mẹ vẫn làm chứ không thay bằng món nào khác. Mẹ xếp gấc vào đầy gầm giường chen chúc như đàn lợn con nằm ngủ. Sáng sớm, tôi bổ gấc mỏi tay để mẹ nấu. Mấy chục đĩa xôi đơm khuôn vuông như bánh chưng bày trên mâm cỗ. Các bà già ăn xong vẫn không quên gói một miếng xôi phần cho cháu ở nhà. Lũ trẻ đón phần của bà, của mẹ ăn ngọt lịm. Gấc lại quệt lên má đỏ ửng như đánh son.

 Nguyễn Thu Hằng

;
.
.
.
.
.