.

Điểm đến nào cho cuộc đời?

.

Mở đầu cuốn sách về hành trình tiếp cận người cận tử của tác giả Đặng Hoàng Giang Điểm đến của cuộc đời là bài viết về mẹ Hà và Nam cùng câu nói của Nam mà suốt cuộc đời mẹ cậu vẫn nhớ: “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ”.

Những cảm giác xót thương, đau đớn bám riết người đọc. Nước mắt cứ chảy khi lật từng trang sách, tiếp cận với từng câu chuyện, mà chuyện nào cũng là những nỗi đau bén ngót.

Nhưng không vì thế mà người đọc ủy mị, hay “ngó lơ” để quên đi từng nỗi đau, có thể mỗi người sẽ học được cách đối diện sự thật, đối diện với cái chết để có thể mạnh mẽ sống, yêu hơn từng phút giây được hưởng ánh nắng ban mai mỗi ngày.

Bìa sách Điểm đến của cuộc đời.
Bìa sách Điểm đến của cuộc đời.

Đúng vào sinh nhật lần thứ 38 của Hà, Nam bắt đầu kêu đau chân. Liệu Nam đã va đập khi đá bóng? Hay đây là chứng nhức xương của bọn trẻ đang lớn? Hà mua calcium và magnesium B6 cho con uống. Cơn đau chập chờn, đến rồi đi.

Bẵng một thời gian, tới một buổi chiều đầu tháng 12, lúc đó Nam sắp thi học kỳ 1, trong lúc cậu dội nước tự tắm rửa thì bà ngoại cậu nhìn thấy đầu gối Nam hơi bị sưng. Xương đùi, xương mắt cá… đều đã bị tổn thương.

Những diễn biến sau đó là những ngày Nam nằm viện. Những câu nói của Nam trong hành trình 9 tháng chữa bệnh ấy được Hà nhớ như in: “Con chỉ cần mẹ thôi, con không sợ chết, đi đâu có mẹ là được”, “Mẹ ơi, có phải sau này ngày nào mẹ cũng cho con ăn hoa quả không?… Tức là ngày nào mẹ cũng thắp hương cho con ấy, cúng hoa quả trên bàn thờ ấy”…

Cảm xúc của người đọc bị đẩy lên đến đỉnh điểm khi Nam nói với mẹ: “Mẹ ơi, con tạm biệt mẹ”. Không chỉ Hà đóng băng mà người đọc cũng tê liệt. Bất cứ ai từng làm mẹ cũng không thể kìm nén được cảm xúc. Tác giả chèn một câu triết lý: Nếu bạn mất chồng, người ta gọi bạn là góa phụ; nếu bạn mất cha mẹ, người ta gọi bạn là mồ côi; còn khi bạn mất con, nỗi đau đó quá lớn, chẳng thể nào gọi tên được.

Cái tài của Đặng Hoàng Giang là viết về cái chết nhưng không khiến người ta sợ. Thậm chí, tác giả dùng sức mạnh của ngôn từ để “buộc” người đọc “hãy tiếp tục đọc đi, dù những câu chuyện của tôi sẽ lấy đi của bạn nhiều nước mắt”.

Tác giả lý giải rằng, nhiều người không muốn nói tới cái chết, dường như họ hy vọng rằng không nhắc tới nó thì nó sẽ quên ta đi. Riêng ông chọn cách tiếp cận ngược lại. Ông muốn lấy khỏi cái chết sự lạ lẫm của nó, muốn nhìn thẳng vào nó để làm quen và cuối cùng, chấp nhận nó, sống với nó một cách bình thản.

Những người cận tử mà Đặng Hoàng Giang đã gặp, không chỉ gặp trò chuyện đôi ba lần mà ông đã đi cùng trong những ngày tháng cuối cùng của cuộc đời họ. Ông ghi chép lại tỉ mỉ từng cảm xúc, suy nghĩ, ước vọng của nhân vật. Và gửi gắm thông điệp: Những trải nghiệm của người cận tử sẽ phần nào giúp cho độc giả sống một cuộc sống có ý nghĩa và an lạc.

Sau khi lấy hết nước mắt của độc giả với câu chuyện của Hà và Nam, Đặng Hoàng Giang tiếp tục “buộc” người đọc phải dõi theo lời kể của anh. Nếu Nam là “chuyện đã qua” thì những Liên, Vân, Hùng là những nhân vật mà tác giả đã đồng hành cùng họ trong chặng đường cuối cùng của cuộc đời. Liên, một cô gái trẻ ở Đà Nẵng mắc ung thư vú.

Cả cuộc đời non trẻ của mình, Liên đã luôn cố gắng. Liên đi học lớp 1 trên đôi chân ngắn và lẩy bẩy của mình, một tay bám vào thằng em. Cô đã vặn vẹo người trên cái xe đạp khi lên cấp 2. Năm thứ 3 đại học, cô đã về quê bằng chiếc xe 3 bánh của người khuyết tật…

Cô đã làm mọi thứ mà cuộc đời đòi hỏi từ cô nhưng dường như thế vẫn chưa đủ. Những ngày chịu đau đớn cuối cùng của cuộc đời, Liên vẫn ráo hoảnh bởi cô đã tìm ra ý nghĩa sống của bản thân mình: “Em sẽ sống để nhắc nhở người khác biết là họ may mắn và qua đó cho họ có động lực để họ sống tốt hơn”.

Là Hùng, chàng trai trẻ ở Bắc Giang bị ung thư bàng quang. Tác giả ở gần nhân vật đến nỗi thuộc lòng thói quen sinh hoạt của cậu. Buổi đêm, cậu ấy ngồi ngoài sân, ngắm sao, hút một điếu thuốc và... đói. Khi cậu ấy ngủ thiếp đi, thì toàn mơ thấy thức ăn.

Những món ăn, những bữa tiệc rực rỡ hiện ra. Vì nhà nghèo, tâm nguyện cuối đời của Hùng là muốn dành số tiền được mọi người ủng hộ cho bố mẹ, còn cậu cứ thế cắn răng chịu đựng cơn đau triền miên trong những tháng ngày còn lại.

Là Vân, người mẹ trẻ của 2 cô con gái 8 tuổi và 3 tuổi. Những tháng ngày nằm trên giường bệnh hỏi Vân có khao khát sự sống không, có chứ, nhưng điều Vân lo lắng, tiếc nuối nhất đó là cô đã không có cơ hội nhìn các con lớn lên.

Và rồi, Vân dành phần sức lực cuối cùng của mình để ghi âm vào điện thoại những lời dặn dò dành cho 2 cô con gái. Tất cả tình yêu của người mẹ trong vòng 18 năm tới dồn cả vào đoạn ghi âm 30 phút ấy.

Từng trang sách cứ làm người ta chới với, ngộp thở. Số phận của những nhân vật xa xôi cứ “bện” vào từng thớ thịt, quẩn quanh trong suy nghĩ. Cứ sau một nhân vật đều phải tự hỏi lòng: Đặng Hoàng Giang là ai?

Tại sao tác giả lại chọn khai thác đề tài về hành trình cận tử? Đề tài này có ý nghĩa gì cho cuộc sống của chúng ta? Nó khốc liệt, khủng khiếp quá. Nhưng chẳng phải câu chuyện tác giả mang đến chân thực, trần trụi thì tác động của nó lại không khác gì so với thể loại sách “Hạt giống cho tâm hồn” hay sao?

Nó làm cho ta thấy yêu cha mẹ, yêu con cái, yêu người thân, yêu tất cả những người ta từng quen biết. Bởi, hóa ra cuộc sống không dài như chúng ta tưởng. Đúng như Liên nói, nhìn trực diện về cái chết của người khác sẽ giúp chúng ta biết cách để sống sao cho tốt hơn, cho xứng đáng với cái may mắn ta đang có.

Thạch Lam

Đọc Điểm đến của cuộc đời, tác giả Đặng Hoàng Giang, NXB Hội Nhà văn.

;
.
.
.
.
.