.

Chiếc cặp sách tuổi thơ

.

Sớm mai, thằng bé ở vùng núi cao, bên dãy đông Trường Sơn, tay ôm chồng sách vở lỗ chỗ xước bìa, nhảy chân sáo tung tăng đến trường, miệng hát những khúc đồng dao của đồng bào thiểu số nghe vi vút như bản nhạc của núi rừng. Hình ảnh bình yên bên chân núi nhấp nhô nếp nhà sàn chợt gợi lên niềm thương nhớ ấu thơ của bao thế hệ học trò thời quá vãng.

Trẻ vùng cao đến lớp. Ảnh: P.V.Y
Trẻ vùng cao đến lớp. Ảnh: P.V.Y

Ngày ấy, mỗi năm học mới, niềm khao khát lớn nhất của chúng tôi là được mẹ mua cho chiếc cặp sách mới. Nhưng điều ước đó không phải năm nào cũng thành hiện thực, đồ như ông bụt thi thoảng mới xuất hiện trong truyện cổ tích, nên 5 năm đến trường tiểu học, may mắn lắm được mẹ sắm cặp mới cho một lần. Những năm sau cứ thế dùng đồ cũ. Đứa bé nối đứa lớn với khoản “thừa kế” chiếc cặp sách chẳng mấy khi nguyên vẹn.

Chiếc cặp sách cũ bằng da nhựa cứng lúc nào cũng vẹt mòn bốn góc, đôi khi lỗ thủng ấy tròn hơn “nhờ” những ngón tay nghịch ngợm thò qua mỗi lần soạn sách vở đến trường. Niềm vui đùa nghịch mấy ngón tay qua lỗ thủng rất ngắn, đổi lại nhiều bữa vì chúng mà bọn trẻ chúng tôi bị mẹ đánh lằn mông. Cũng dễ hiểu vì sao bị đòn, bởi thời buổi ngặt nghèo mà lũ chúng tôi vừa tan trường đã vô tâm chạy nhảy, bút vừa sắm buổi sáng, chiều đi học về chúng đã chui tọt qua lỗ thủng ấy rơi lúc nào chẳng hay. Dĩ nhiên mai mẹ sẽ mua bút mới, nhưng trước khi niềm vui mới ấy đến, thể nào chúng tôi cũng bị ăn nguyên một trận đòn.

Đương nhiên vài hôm sau lỗi đó vẫn được hồn nhiên lặp lại… Mẹ lại hăm dọa đánh đòn, rồi lại lặng lẽ tạt ngang quầy tạp hóa đầu làng mua lấy cây bút mới. Đời mẹ, ước mơ gửi nơi cổng trường nên lỗi lầm của mấy đứa con lơ đễnh cũng dễ dàng bỏ qua, miễn chúng học được cái chữ, sáng cái dạ đặng thoát khỏi mấy luống đất ruộng lấm bùn, lạnh tím chân tay theo mấy lối mạ non gặm xuống bùn giữa ngày đông giá buốt. Nỗi khổ ấy chừng như đời mẹ đã quá đủ nên một cây bút đổi được cả cân gạo thì mẹ cũng đành lòng, chặc lưỡi mà mua. 

Hồi ấy mẫu mã chiếc cặp sách không đa dạng như bây giờ, không dây đeo chéo kiểu ba lô. Đa phần cặp đều có hình chữ nhật, na ná nhau ở mẫu mã hình dạng, chỉ khác ở chỗ chất liệu làm ra nó để phân biệt giá tiền. Lũ trẻ con nhà nghèo chả mấy khi mơ đến chiếc cặp bền bỉ, không bị nắng nóng nung hay sự nghịch ngợm làm bể nứt phần da nhựa ở bốn góc cặp. Nên chuyện mất bút, bị đánh đòn trở thành câu chuyện thường nhật mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm đến trường.

Chiếc cặp sách hình chữ nhật đó còn gắn bó với chúng tôi suốt những tháng năm vượt chặng đường ngót 7 cây số đến trường cấp ba. Học sinh chúng tôi đứa nào cũng có sẵn một đoạn dây cao su màu đen để mỗi buổi đến trường buộc cặp vào gác-ba-ga xe. Mùa nước lụt, con đường đến trường ngập trong nước trở thành đường đua của lũ học trò nghịch ngợm. Có khi đến cổng trường, ngoảnh lại, cặp sách đã trôi mất tự lúc nào. Hiển nhiên lại bị đòn. Nhưng chủ nhân của cặp cứ tiếc nuối, nhớ thương chiếc cặp đã bao năm đồng hành với mình, để hôm sau nghe một bác nông dân nhặt được cặp trong dòng nước lũ đem cho lại, mừng húm. Cặp bị ngâm nước khiến lớp giấy các-tông giữa hai lớp da nhựa rệu ra, thành cặp trở nên oặt oẹo, không còn đứng vững vẫn được chủ nhân nâng niu đựng sách vở cho hết năm học đó…

Tôi theo chân cậu học trò vùng cao, ngắm nghía những cuốn sách vở cũ mèm, xước bìa như men theo những dấu chân hoài niệm, tìm về khoảng trời ký ức thương khó mà bùi ngùi nhớ tháng xưa ngày cũ. Đôi khi thấy mình lọt thỏm giữa bao xa lạ của muôn hình vạn trạng cặp sách ngày mới với ba lô đeo chéo, cặp khoác sau lưng, cặp chống gù lưng đủ đầy chất liệu… nơi thị thành mà thương thằng bé vùng cao, thương tuổi ấu thơ tôi với chiếc cặp sách “thừa kế” truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ anh sang em rồi em sau nữa. Chiếc cặp sách thương khó ấy cõng chữ cho bao đứa trẻ đến giảng đường, dễ chi quên được. Mà nếu có quên chăng cũng chỉ vì nỗi niềm nào đấy tỏ bày e không đúng chỗ!

Phan Vĩnh Yên

;
.
.
.
.
.