.
Tản văn

Mùi sách cũ

.

Thời gian trôi đi, khi chúng ta ngày càng lớn lên, trưởng thành hơn thì càng có thêm nhiều điều để nhớ nhớ, quên quên. Cũng có những điều xa xưa, ta tưởng rằng mình đã quên, đã ngủ yên trong tiềm thức, nhưng khi vô tình gặp lại thì nó sống dậy vẹn nguyên khiến lòng ta không khỏi rưng rưng xúc động.

Minh họa: HOÀNG ĐẶNG
Minh họa: HOÀNG ĐẶNG

Tôi sẽ quên bẵng đi cái mùi thơm dìu dịu khó tả ấy nếu như chiều nay, một buổi chiều mùa thu hoài cổ tôi không bước vào thư viện và tình cờ chạm tay vào một cuốn sách cũ. Cuốn sách “Ký” của Nguyễn Tuân do Nhà xuất bản Văn học xuất bản năm 1976, trình bày bìa Văn Cao. Một nỗi xao xuyến thoáng chốc rợn ngợp trong lòng, từng trang sách cũ được lật giở tỏa mùi thơm nồng nàn, âm ẩm mà lại dễ chịu vô cùng. Từng trang sách như ướp ủ mùi hương của thời gian, không gian và lịch sử. Có một nỗi niềm thương nhớ khôn nguôi về thế hệ tiền nhân, dẫu không may mắn được sống cùng thời nhưng vẫn thấy lòng rưng rưng như gặp lại cố nhân qua từng trang sách cũ. Những trang giấy ố vàng một màu xưa cũ, không được tẩy trắng và thơm mùi giấy mới như hàng ngàn cuốn sách ngoài những hiệu sách nhưng vẫn có sức mê dụ tôi vô cùng.

Tuổi của cuốn sách nhiều hơn tuổi của tôi, nên khi chạm tay vào cuốn sách, tôi cảm giác như mình đang chạm vào lịch sử, chạm vào quá khứ. Dẫu đó đơn giản chỉ là lịch sử, quá khứ của một cuốn sách cũ. Tôi bâng khuâng tự hỏi trước tôi đã có những ai cầm cuốn sách này trên tay, họ đã đọc sách, giữ sách như thế nào mà sau gần 40 năm cuốn sách vẫn lành lặn, chỉ có mùi hương xưa cũ trong từng trang giấy tỏa ra như là chứng nhân của thời gian. Nếu là một ai đó tinh tế hơn tôi thì có thể còn quan tâm đến chất liệu giấy và mực in ngày ấy. Nhưng với tôi, chỉ cần mùi hương của những trang sách cũ đã đủ khiến tôi mê mẩn và dẫn dụ trí tưởng tôi về miền vô thức.

Tôi nhớ ngày còn nhỏ, quê tôi rất nghèo và không có những phương tiện truyền thông như bây giờ. Báo chí, truyện tranh, tiểu thuyết là những thứ vô cùng xa xỉ chỉ có trong ý nghĩ và ước mơ của những đứa trẻ ham học. Ngoài những cuốn sách giáo khoa cần thiết tối thiểu ra tôi chỉ có cuốn “Thi nhân Việt Nam” được xuất bản năm 1988 do ông ngoại tôi tặng. Đó là món quà vô giá nhất thời thơ ấu của tôi. Tôi nâng niu, giữ gìn từng trang sách cũ vì sợ mạnh tay sẽ làm rách, làm đau những trang giấy đã ố màu. Và dù đọc đi đọc lại cuốn sách cả trăm lần mà tôi vẫn thấy hấp dẫn, lôi cuốn vô cùng. Cuốn sách cũ ấy nhen nhóm trong tôi niềm đam mê văn chương sau này.

Ngày đó tôi còn nhỏ nên chưa biết cảm nhận nhiều. Khi ra phố đi học, tôi bị choáng ngợp bởi thế giới phong phú của hàng trăm cuốn sách hấp dẫn. Bởi vậy ký ức về cuốn sách cũ cũng dần mờ phai. Bây giờ tình cờ gặp lại một cuốn sách cũ, mùi sách cũ đánh thức ký ức của một thời nghèo khó nhưng thèm sách và trân trọng sách vô cùng. Tôi nhớ người thầy giáo già của tôi từng nói rằng, thầy rất thích đến những hiệu sách cũ trong thành phố. Sách bây giờ tuy mới hơn, đẹp hơn nhưng ít khi gặp những cuốn sách hay. Ngày xưa ít sách nhưng đều là những cuốn hay cả và bây giờ rất hiếm để gặp lại, tìm thấy. Còn một lý do nữa là thầy thích được đọc những cuốn sách đã qua tay nhiều người. Như vậy thầy sẽ cảm thấy mình có trách nhiệm hơn trong việc đọc, bởi mình là người đọc sau nên phải cảm nhận được sâu sắc hơn mới xứng đáng.

Tôi lơ đãng ngước nhìn qua cửa sổ, ngoài kia nắng mùa thu vẫn rất vàng. Mùi sách cũ vẫn thoang thoảng dìu dịu, tôi mơ hồ nghĩ, không biết mấy chục năm sau cũng nơi này có ai như tôi?

NGUYỄN THỊ KIM NHUNG

;
.
.
.
.
.