.
Tản văn

Cây sau bão

.

Trước bão, rất nhiều người dân đã phải đành đoạn tự chặt trụi những tán cây xanh ngắt trước nhà để giữ cho cây khỏi ngã. Nhìn những thân cây trơ cành, đã thấy thương, thấy nhói lòng, vì phải mất nhiều tháng nữa, tán cây mới rợp bóng trở lại.

Hàng dừa trên đường Hoàng Sa sau bão. ( Ảnh chụp lúc 12 giờ ngày 16-10-2013) Ảnh: Văn Nở
Hàng dừa trên đường Hoàng Sa sau bão. ( Ảnh chụp lúc 12 giờ ngày 16-10-2013) Ảnh: Văn Nở

Sau bão, hình ảnh đập vào mắt người dân trước tiên cũng là sự nhói lòng trước la liệt những hàng cây xanh ngã rạp, gãy cành, bật gốc.

Rất nhiều năm về trước, người Đà Nẵng và những người khách muôn nơi khi đi trên phố phường Đà Nẵng cứ ước ao, giá như thành phố có thật nhiều những tán cây rợp lá. Hồi ấy, có rất nhiều những tuyến đường ở thành phố, tịnh không một bóng cây, chang chang nắng!

Mày mò mãi, cuối cùng, những năm gần đây, những con đường đã được chọn trồng những loại cây được xem là thích hợp với thổ nhưỡng, thời tiết của vùng đất thường xuyên chịu bão gió này. Dọc dài những tuyến đường chói chang, trơ trụi trước kia đã được phủ một màu xanh dịu mát. Người Đà Nẵng đã được đi, được ngắm những loại cây đủ loại đang độ lớn, có nhiều loại cây chưa kịp quen tên.

Nhưng rồi, chỉ qua một đêm gió vần vũ, quăng quật, không thể đếm xuể bao nhiêu cây đã bật gốc, gãy cành. Sau bão, cả thành phố này, đi tới đâu cũng thấy “cơn bão nghiêng đêm, cây gãy cành bay lá” (Tế Hanh). Cây gãy cành, xơ xác, dù sao vẫn được xén tỉa để vài tháng sau sẽ xanh trở lại, chỉ tiếc những thân cây bật gốc sóng soài trên mặt đường. Tiếc cây, thèm từng mầm xanh nơi mảnh đất này, những đứa trẻ cũng bật lên thành tiếng: Những gốc cây đây có dựng lại tại chỗ được không? Có sống tiếp được không?

Không phải như những thân cây chịu cưa trụi cành trước bão, để phải đợi bao nhiêu tháng sau sẽ đâm chồi nảy lộc, mà khi cây đã lìa khỏi đất, không biết mất bao nhiêu năm nữa,  những hàng cây mới đều tăm tắp, thắm xanh trở lại?

Bão tan, không hiểu sao, trời còn gió rất mạnh, mà rất nhiều người dân vẫn thẳng đường ra biển. Dọc tuyến đường ven biển Hoàng Sa, cây dừa - loại cây được mệnh danh là cây của cuộc sống - sau trận cuồng phong vẫn hiên ngang trụ vững. Trước biển đục ngầu, nhìn những hàng dừa vững vàng trước gió, lòng người chợt thấy chút gì đó như là sự an lòng sau một đêm cả thành phố dường như thức trắng, bất an trong đêm tối mịt mù nghe gió hú, tiếng cây oằn mình và tiếng mái tôn xé rít.

Có lẽ, những người khi cho trồng những hàng dừa ở tuyến đường ven biển đã hiểu rất rõ, đây là một trong số ít các loại cây trồng có thể chịu đựng và tồn tại được trong những điều kiện khắc nghiệt của môi trường như khô hạn, ngập úng, đất cát nghèo dinh dưỡng, nước mặn xâm nhập và bão tố. Chỉ có điều, chúng ta cũng không thể trồng dừa ở khắp các tuyến đường trong thành phố. Thật khó để tìm được một loại cây vừa làm đẹp, vừa trụ vững với mảnh đất này.

Đà Nẵng đã mất đi một phần cây xanh được dày công gây dựng. Mỗi lần, cơn bão đi qua, lòng người không khỏi ngổn ngang!

THẢO CHUYÊN

;
.
.
.
.
.