Chuyên đề

Sức mạnh của ý tưởng

07:26, 21/03/2015 (GMT+7)

Cách đây 11 năm, Đà Nẵng một lần nữa lại đi tiên phong trong việc đột phá cách làm mới: thành lập CLB riêng cho đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, năng lực, hoài bão và thôi thúc dấn thân.

Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập CLB,  Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (từ tháng 2-2015 là Chủ tịch UBND thành phố) trao Bằng khen cho những cán bộ trẻ tích cực, có nhiều ý tưởng trong quá trình xây dựng thành phố. Ảnh: M.T
Trong buổi gặp mặt kỷ niệm 10 năm thành lập CLB, Phó Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (từ tháng 2-2015 là Chủ tịch UBND thành phố) trao Bằng khen cho những cán bộ trẻ tích cực, có nhiều ý tưởng trong quá trình xây dựng thành phố. Ảnh: M.T

Đến nay ngôi nhà chung này vẫn là nơi tập hợp những người trẻ dám nghĩ khác, làm khác, dám thử thách mình vượt qua sự biếng nhác, bê trễ của bản thân, để: “Mình hôm nay không còn là mình cũ kỹ của hôm qua”.

Bảo thủ, sợ đổi thay, ngại trải nghiệm, không can đảm thử suy nghĩ khác với số đông là dấu chấm hết cho quá trình học tập và nghiên cứu khoa học. Nếu cán bộ trẻ chấp nhận sự trì trệ, không sáng tạo, không tư duy khác thì tuổi vàng cống hiến có lẽ chỉ là những ngày tháng sống hoài, sống phí.

Sáng tạo, sáng tạo hơn nữa

“Gia tài” 11 năm mà CLB Cán bộ trẻ thu được đến nay không chỉ là những hoạt động xã hội, từ thiện, đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thường xuyên, hiệu quả mà còn là 3 quyển sách khổ A4 dày tương đương… từ điển. 3 quyển “từ điển” này tập hợp tất cả các ý tưởng mà hội viên đã cống hiến. Ý tưởng trải đều trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa đến xã hội, từ việc làm sao nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học sinh phổ thông cho đến thống nhất tên gọi quốc tế của thành phố Đà Nẵng.

Có ý tưởng đã đi vào thực tiễn, có ý tưởng vẫn còn nằm trên giấy nhưng tất cả đều thể hiện tư duy sáng tạo, khả năng phản biện và tâm huyết của cán bộ trẻ với mong muốn xây dựng Đà Nẵng thực sự là thành phố văn minh, hiện đại, hấp dẫn và đáng sống.

Lần giở lại quyển “từ điển” đầu tiên, từ năm 2003, hội viên Phan Duy Anh đã đề nghị lãnh đạo thành phố ngừng sử dụng những câu khẩu hiệu chung chung, “chữ nghĩa” như: “Sống và làm việc theo tác phong công nghiệp”, “Phát huy truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc”, hay “Tiếp thu những tư tưởng tiến bộ của nhân loại”… trong hành trình xây dựng văn hóa văn minh đô thị.

Anh cho rằng, lời kêu gọi trên là xa lạ, khó hiểu với những người “phải” trở thành nông dân thị thành qua quá trình đô thị hóa quá nhanh của Đà Nẵng. Thay vào đó, lãnh đạo có thể khơi gợi tình yêu của người dân với thành phố bằng những khẩu hiệu dễ hiểu, dễ nhớ, không mang tính giáo lý, răn đe như: “yêu Đà Nẵng là vứt rác đúng nơi quy định”, “yêu thành phố là chấp hành đúng luật giao thông”, “Yêu Đà Nẵng là luôn nở nụ cười với khách du lịch”…

Trình bày ý tưởng trên 5 trang giấy A4 kín đặc chữ, hội viên Lê Đức Viên liệt kê tất cả những nguyên nhân đang “ăn mòn” nền du lịch Đà Nẵng đồng thời đề xuất nhiều ý kiến để du lịch thành phố “cất cánh” như kết hợp giữa du lịch nghỉ dưỡng và du lịch chữa bệnh. Theo anh, mục tiêu cuối cùng của ngành kinh tế mũi nhọn ở Đà Nẵng không phải là đếm khách và báo cáo thành tích mà là sự yêu mến, hài lòng và cuối cùng là tổng doanh thu có được từ du khách. Điều này, phụ thuộc vào số lượng và chất lượng dịch vụ du lịch.

Đọc những ý tưởng trong 3 quyển “từ điển”, có thể hiểu được rằng, mỗi ý tưởng đôi khi chỉ là một việc làm bình dị nhưng có ý nghĩa, thiết thực, gần gũi. Ý tưởng hình thành từ nhu cầu bức thiết phải cải tạo và sáng tạo lại thế giới đang dần trở nên cũ kỹ dưới mắt những cán bộ trẻ. Thành viên của CLB không hướng đến những dự án to lớn, những con số khổng lồ để thấy sự vô vọng đằng sau đó. Tất cả ý tưởng đều phản ánh hiện thực cuộc sống của Đà Nẵng, là sự bất bình và phản ứng chính đáng của người trẻ đối với những phi lý, bất cập hiển hiện trước mắt, là trăn trở dành cho thành phố.

Trong lần gặp mặt, trò chuyện cùng các cán bộ trẻ nhân kỷ niệm 10 năm thành lập CLB, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ từng bày tỏ hy vọng rằng, trong bối cảnh Đà Nẵng còn rất nhiều vấn đề đặt ra, các thành viên CLB sẽ tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu, đề xuất ý tưởng - những ý tưởng không quá cao siêu nhưng sát với thực tế công tác và cuộc sống hằng ngày của mỗi thành viên. Đó là hiến kế những giải pháp tối ưu trong việc xây dựng chính quyền đô thị, trong cải cách hành chính, quản lý đất đai, quản lý chung cư, phát triển cây xanh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội đậm tính nhân văn…

“Thành phố không yêu cầu mọi ý tưởng đưa ra phải hoàn thiện. Do vậy, người trẻ không nên ngại ngần nếu ý tưởng của mình mới ở giai đoạn sơ khởi vì nếu phù hợp với tình hình thực tế thì sẽ có điều kiện tiếp tục được phát triển để trở thành dự án, đề án, chương trình hoặc chủ trương lớn của thành phố. Mọi ý tưởng đóng góp của cán bộ trẻ đã, đang và sẽ luôn được lãnh đạo thành phố trân trọng, ghi nhận”, Bí thư Thành ủy Trần Thọ nhấn mạnh.

"Chung tay nâng tầm ý tưởng"

Đánh giá về hiệu quả của mô hình CLB Cán bộ trẻ, ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng nhận xét rằng, CLB đã mở ra sân chơi săn tìm ý tưởng hấp dẫn cho giới trẻ - những người không chỉ là cánh tay mà còn là bộ não của xã hội, những người không chỉ hăm hở hành động mà còn hào hứng suy nghĩ, suy nghĩ cả trong khi hành động. Không chỉ vậy, CLB còn là nơi “Chung tay nâng tầm ý tưởng”, nơi làm cho mỗi ý tưởng sáng tạo từ một mầm mống sơ khai ban đầu được nâng niu, vun đắp thành ý tưởng hoàn chỉnh và sau đó là một dự án khả thi.

Theo anh Nguyễn Xuân Bình, Chủ tịch CLB Cán bộ trẻ (Giám đốc Trung tâm xúc tiến du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) nếu xét riêng lẻ từng cá nhân thì người Việt Nam nhìn chung ai cũng có tinh thần hiếu học và tài trí thông minh. Quá trình học tập và nghiên cứu khoa học phải là hành trình của mỗi cá nhân, tuy nhiên, để thổi lửa cống hiến, để tri thức thực sự song hành cùng trải nghiệm, để những khối óc tình nguyện sáng tạo vì thành phố như một mệnh lệnh của trái tim… cần phải có môi trường khuyến khích, nơi khả năng sáng tạo được chung tay nâng tầm bởi sức mạnh tập thể. CLB Cán bộ trẻ được khởi xướng và hoạt động với mục tiêu như vậy.

Bên cạnh đó, do phạm vi công tác, sở trường chuyên môn, mỗi người chỉ là một gam màu của bức tranh toàn cảnh, do đó nhiều đề xuất vẫn còn thiếu thực tiễn, có tính ứng dụng chưa cao. Môi trường CLB giúp kết nối thế mạnh của từng ngành, từng lĩnh vực, từ đó mà mở rộng tầm nhìn cho từng học viên. Ý tưởng nêu ra được bàn luận, phản biện, góp ý và hoàn thiện. “Huy động vốn kinh nghiệm đúc rút và tư duy sáng tạo của tập thể là cách tốt nhất để hoàn thiện ý tưởng riêng lẻ của mỗi cá nhân”, anh Bình nói.

Đại văn hào Victor Hugo từng khẳng định “có một thứ mạnh hơn tất cả những đạo quân trên thế giới, đó là ý tưởng”. Trong suốt những năm qua, thành công mà CLB cán bộ trẻ gặt hái được là đã tạo điều kiện cho sự sáng tạo tiềm ẩn được khơi nguồn, tạo môi trường cho người cán bộ trẻ chiếm lĩnh tri thức, khẳng định bản thân và có cơ hội thể hiện tình yêu, trách nhiệm đối với công việc, với sự nghiệp xây dựng toàn thành phố một cách tự nhiên và tự nguyện nhất.

Ra đời vào 19-5-2004 với 60 hội viên, sau 10 năm, số lượng hội viên CLB Cán bộ trẻ lên 299 người, 56 hội viên trưởng thành. Trong số đó có 141 hội viên là đảng viên, 14 tiến sĩ, 124 thạc sĩ, 15 hội viên là giám đốc, phó giám đốc cấp sở và tương đương, có 96 trưởng phòng, phó trưởng phòng và tương đương.

CLB đã chọn lọc và phát hành 29 bản tin, phản ánh hàng trăm ý tưởng, đề xuất, hiến kế của cán bộ trẻ gửi lãnh đạo thành phố. Đã có nhiều ý tưởng tâm huyết, có sự trải nghiệm, nhiều cách nghĩ táo bạo được ghi nhận và triển khai.

MAI TRANG

.