.

Tìm đầu ra cho nông sản

.

Trước khi đi thực tế về các HTX nông nghiệp, ông Tôn Thất Uyên, Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng nói rằng: “Nếu không có HTX thì Đà Nẵng sẽ không bao giờ có năng suất lúa đạt 56 tạ/ha như hiện nay”.

Ông Mai Văn Toàn, xã viên HTX Rau an toàn La Hường được sở NN&PTNT đầu tư giàn lưới trên 3.000m2 đất, ông có thể sản xuất rau quanh năm mà không sợ nắng, mưa.  Ảnh: H.N
Ông Mai Văn Toàn, xã viên HTX Rau an toàn La Hường được sở NN&PTNT đầu tư giàn lưới trên 3.000m2 đất, ông có thể sản xuất rau quanh năm mà không sợ nắng, mưa. Ảnh: H.N

Vai trò bà đỡ

56 tạ/ha là năng suất lúa tính bình quân cho tất cả những vùng trồng lúa của Đà Nẵng. Nhưng riêng với HTX Dịch vụ sản xuất và kinh doanh tổng hợp Hòa Tiến 1 (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang) thì năng suất vụ đông xuân năm 2013 là 67,4 tạ/ha và vụ hè thu là 61,9 tạ/ha, và năng suất cho vùng trồng lúa giống là gần 70 tạ/ha. Ông Nguyễn Thảo, chủ nhiệm HTX cho rằng, có HTX thì giá thành sản xuất của nông dân luôn ở mức thấp nhất và giá trị hàng hóa bán ra luôn ở mức cao.

HTX Hòa Tiến 1 hiện có 3.470 xã viên thuộc 1.500 hộ của 6 thôn, nắm trong tay 260ha ruộng lúa, 60ha đất màu. Ngay từ khi mới thành lập năm 1977, HTX đã dành một phần diện tích trồng lúa giống và đến nay diện tích này ổn định ở mức 90ha sản xuất giống cho vụ đông xuân, vụ hè thu còn 70ha.

Trước năm 1996, HTX quản lý gần như mọi vấn đề của xã, từ nhà trẻ, đường sá đến sân phơi, nhà kho. Năm 1996, các HTX nông nghiệp trên cả nước “hấp hối”, cố Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng Mai Thúc Lân lúc đó đã cho HTX Hòa Tiến 1 thí điểm chuyển đổi mô hình mới: bàn giao những gì mang tính công ích cho xã (đường sá, nhà trẻ, truyền thanh), chỉ giữ lại và quản lý vấn đề sản xuất và dịch vụ. Được “cởi trói”, ông Phan Văn Nhiên, chủ nhiệm HTX (giai đoạn 1997-2010), người rất tâm huyết với HTX đã từng bước đưa Hòa Tiến 1 vào một mô hình sản xuất hiện đại, đi đúng hướng, chứng tỏ được tính hiệu quả mà cây lúa mang lại cho bà con nông dân.

Ông Nguyễn Thảo vào làm kế toán ở HTX từ năm 16 tuổi, trải qua nhiều đời chủ nhiệm, đến nay 55 tuổi, nhận lương 2,4 triệu đồng mỗi tháng, nhà làm 1 sào lúa để “không phải mua gạo chợ”, bảo rằng mình may mắn được kế thừa công việc của người tiền nhiệm. Hiện nay trên 70% diện tích ruộng ở đây được cải tạo thành những thửa rộng 1-2 mẫu, thuận tiện cho việc cơ giới hóa đồng ruộng, từ làm đất đến thu hoạch. Từ năm 2011, HTX đưa một số giống lúa chất lượng cao, ngắn ngày như HT1, OE6976… vào sản xuất đại trà, bảo đảm năng suất cũng như được thị trường đánh giá cao.

Mấy năm nay xây dựng nông thôn mới, HTX xây dựng được 14km đường giao thông nội đồng, 6km kênh mương thủy lợi, xây dựng 4 lò sấy công suất 30 tấn lúa/ngày đêm. Khi nói đến vấn đề xuất khẩu, ông Thảo bảo “không hề dễ dàng”, vì sản lượng lúa có đủ không? Xuất khẩu đi đâu khi vùng sản xuất ở đây còn nhỏ lẻ, tính liên kết chưa cao.

Từ CLB Nấm Thanh Khê thành lập năm 1989 với 12 thành viên, sản xuất cầm chừng, hiệu quả thấp, năm 2010 HTX Sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại Kim Thanh (phường Hòa Khê, quận Thanh Khê) ra đời, mang một bộ mặt mới với việc tăng lên 37 xã viên - có mặt bằng, có năng lực sản xuất - mở rộng ra toàn thành phố. Ông Huỳnh Văn Mười, chủ nhiệm HTX cho rằng HTX đảm nhiệm vai trò bà đỡ, hỗ trợ kỹ thuật cho người dân an tâm sản xuất. Xã viên chỉ việc nhận bịch giống về trồng, bảo đảm tưới nước và nhiệt độ trại nấm, còn các khâu như xử lý nguyên liệu, đóng bịch, cấy giống… đã có HTX lo.

Ông Mười thường xuyên đến tận các nhà hàng chay, nhà chùa chào hàng nấm bào ngư với số lượng hàng trăm ký nấm mỗi ngày. Không những thế, mấy năm qua HTX còn bao tiêu sản phẩm cho nông dân, kể cả những người mua bịch phôi và không phải là xã viên. Xã viên Vũ Thị Kim Liên (phường Thọ Quang, Sơn Trà) tận tụy với nghề từ năm 2005, đến giờ chị có trong tay 6 trang trại, mỗi ngày thu hoạch 200kg nấm bào ngư và các loại nấm khác có thể yên tâm với việc tìm đầu ra cho sản phẩm.

Chiều ngày 25-11, Sở GD&ĐT Đà Nẵng và Liên minh HTX thành phố chủ trì cuộc họp với 11 HTX sản xuất các mặt hàng rau củ, nấm, nước mắm, đề nghị các HTX liên kết, lên kế hoạch cung ứng thực phẩm làm suất ăn cho trên 100 nghìn học sinh bậc mầm non và tiểu học trên địa bàn. Buổi họp này vẫn còn nằm ở mặt tinh thần, cần những buổi làm việc cụ thể tiếp theo để các HTX giới thiệu sản phẩm, chất lượng, số lượng mặt hàng, cho đầu mối cung cấp thực phẩm cho các trường học hiện nay là HTX thương mại dịch vụ An Hải Đông. Phải có nhiều HTX, công ty làm nhiệm vụ đầu mối thu mua, cung ứng như HTX An Hải Đông, thì nông sản của bà con nông dân Đà Nẵng mới tìm được nguồn tiêu thụ ổn định.

Tính bước đi xa hơn, vẫn là vấn đề khó

Vốn là dân xây dựng, làm ăn chẳng được bao nhiêu, thế là năm 1998 anh Nguyễn Ngọc Vinh (thôn Nhơn Thọ, xã Hòa Phước, Hòa Vang) chuyển sang trồng hoa. Anh bảo, trồng hoa ngó vậy chứ cho thu nhập mỗi năm cỡ 100 triệu, gấp 10 lần trồng lúa. Anh Vinh là một trong hai nông dân gầy dựng nên HTX Sản xuất, kinh doanh và dịch vụ hoa cây cảnh Nhơn Thọ từ năm 2013. Hơn năm nay anh nhận lời chăm vườn hoa lan giống mokara trị giá hơn 700 triệu đồng do Đoàn Thanh niên xã đầu tư, ngoài ra có thêm 1.000m2 trồng hoa cúc.

Ông Đỗ Văn Chương, chủ nhiệm HTX hoa Nhơn Thọ cho biết HTX có 22 xã viên, có 2ha trồng hoa tập trung, số đất còn lại hơn 4ha, mỗi xã viên được cấp một ít để trồng riêng. Năm nay xã viên trồng trên 2.200 chậu hoa đồng tiền, hoa chuông, trạng nguyên, thược dược, mào gà; 7.000 chậu hoa cúc chưng Tết, 2.500 củ hoa ly ly và trên 3.000 gốc lan mokora và dedrobium. HTX dự kiến cung ứng hoa cho thị trường thành phố, nhưng nhu cầu của người tiêu dùng đến đâu vẫn chưa nắm được. Ông chủ nhiệm trăn trở “đến giờ hình thức tổ chức HTX tốt nhưng hiệu quả kinh tế chưa thấy vì còn phụ thuộc vào thời tiết và nhu cầu thị trường”.

Có lẽ ban chủ nhiệm HTX hoa Nhơn Thọ phải tính nhiều cách để tìm đầu ra cho hoa của mình, chứ chỉ trông chờ vào lời hứa của cơ quan chức năng là sẽ dùng hoa trồng từ Hòa Vang trang trí đường hoa thành phố dịp Tết này, thì còn phập phồng với hoa Tết.

Tương tự, cho sản lượng 350-500 tấn mỗi năm, HTX Rau an toàn La Hường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) mỗi ngày thu hoạch từ 500kg -1 tấn rau tùy theo mùa, nhưng số lượng bỏ mối cho các điểm bán lẻ và HTX An Hải Đông chỉ chiếm khoảng 10% sản lượng, số còn lại tư thương bán ở một số chợ nhưng cũng không thể đảm bảo giá cao hơn các vùng rau khác. Ông Trần Văn Hoàng, chủ nhiệm HTX, chuyên đảm trách việc tìm đầu ra cho sản phẩm, nhận nhiệm vụ từ năm 2010, đã rất cố gắng mới đưa được rau La Hường vào chừng đó đầu mối thu mua. Có lẽ bài toán đầu ra cho nông dân, mang lại lợi nhuận cao nhất từ sản phẩm mình làm ra vẫn còn gặp khó, khi quá trình đầu tư, hướng đi đã được vạch sẵn, nhưng việc tìm địa điểm kinh doanh, tìm nơi thu mua, tiêu thụ với sản lượng lớn vẫn chưa tìm thấy điểm chung.

 “So với các thành phố lớn ở hai đầu đất nước, sản xuất của các HTX trên địa bàn thành phố Đà Nẵng chưa phải là sản xuất hàng hóa, còn nhỏ lẻ, manh mún, do vậy tinh thần hợp tác (cội nguồn của HTX) còn chưa cao.

Do vậy các HTX ở Đà Nẵng cần nâng cao năng lực (vốn, con người, công nghệ, máy móc thiết bị…) đủ mạnh để hỗ trợ có hiệu quả các thành viên phát triển sản xuất kinh doanh. Điều này một mình các HTX không tự thân thực hiện được, cần phải có cơ chế chính sách hữu hiệu từ phía các cơ quan hữu quan”.

Phó Chủ tịch Liên minh HTX thành phố Đà Nẵng Tôn Thất Uyên

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.