.

Món nợ khó đòi

.

Đằng sau bản án ly hôn là số phận của mỗi con người. Để giảm thiệt thòi cho những đứa con, pháp luật quy định việc cấp dưỡng nuôi con sau khi ly hôn là trách nhiệm và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con mình. Nhưng trên thực tế, đây là “món nợ khó đòi” của những người đang trực tiếp nuôi con.

Trợ cấp nuôi con sau khi bố mẹ ly hôn hiện nay chỉ đạt 10-20% án ly hôn.(Ảnh minh họa: Internet)
Trợ cấp nuôi con sau khi bố mẹ ly hôn hiện nay chỉ đạt 10-20% án ly hôn.(Ảnh minh họa: Internet)

Tiền cấp dưỡng là “món nợ khó đòi”

Khi ly hôn, chị B.T.D (phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) được quyền nuôi hai con, lúc đó con gái chị 6 tuổi và con trai 3 tuổi, người chồng phải trợ cấp nuôi con đến khi hai cháu đủ 18 tuổi. Chừng khoảng gần 2 năm đầu, ông chồng cũ giao tiền cho chị đầy đủ hằng tháng, nhưng rồi sau đó anh chồng tái hôn và “lơ” luôn chuyện đưa tiền nuôi con cho vợ cũ. Chị D. bảo: “Bây giờ con gái lớn của chị đã vào đại học, thằng cu học lớp 10, chị cũng không nhớ hồi đó tòa yêu cầu ông chồng nộp bao nhiêu cho chị nuôi con. Thời gian khó khăn nhất qua rồi, giờ con gái biết đi làm thêm kiếm tiền phụ mẹ”.

Tôi hỏi sao chị không kiện ông chồng ra tòa, chị bảo hồi đó chị không biết thủ tục đó, với lại “đàn ông khi họ có gia đình riêng, họ không nhớ đến đứa con họ đẻ ra nữa, họ không làm tròn nghĩa vụ thì mình kiện có ích gì”.

Với chị Đ.T.M (quận Cẩm Lệ) thì việc nhận được tiền trợ cấp nuôi con từ chồng cũ “như là mơ”. Khi ly hôn, hồ sơ của chị do tòa án quận Cẩm Lệ thụ lý. Anh chồng cũ ở nhà của cha mẹ ở một quận khác nên không có điều kiện thi hành án. Trong khi đó cơ quan làm việc của anh này ở quận Sơn Trà. Thời gian thực hiện trợ cấp nuôi con của anh này phải thực hiện từ tháng 10-2011. Đến tháng 10-2013, hồ sơ thi hành án của vụ ly hôn này mới được chuyển về cơ quan thi hành án quận Sơn Trà.

Từ đây chấp hành viên của cơ quan này mới bắt tay vào yêu cầu ông chồng thi hành án, hiện nay vẫn đang tiến hành khấu trừ để bù vào những tháng chưa trợ cấp (ông chồng “nợ” 29 tháng tiền trợ cấp nuôi con).Và cũng phải khó khăn lắm việc khấu trừ lương (không quá 30% thu nhập-tương đương 1,5 triệu đồng/tháng) mới thực hiện được do ông chồng của chị M. làm việc ở một doanh nghiệp tư nhân.  

Ông Mai Đăng Hòa, chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận Sơn Trà, cho biết việc yêu cầu người chồng (hoặc vợ) thực hiện cấp dưỡng nuôi con với cán bộ, công chức còn dễ vì họ có lương để khấu trừ; còn rơi vào người làm trong các doanh nghiệp hoặc làm nghề tự do thì cơ quan thi hành án rất khó thu hồi do họ không chịu hợp tác. Nhiều doanh nghiệp cũng từ chối phối hợp với cơ quan tư pháp và né tránh việc khấu trừ lương theo như quy định vì cho rằng đó không phải là nghĩa vụ của họ.

Không thể “tùy ở cái tâm”

Chị T.T (Hà Nội) cho biết, khi ly hôn, chị không yêu cầu chồng cấp dưỡng cho con, vì chị tự nhận thấy khả năng mình lo cho con trọn vẹn, với lại lúc đó kinh tế của ông chồng khá khó khăn. Sau này thỉnh thoảng ông bố từ Đà Nẵng ra Hà Nội, ghé thăm con thì mua cho con đồ chơi hay bộ áo quần. Cách đây mấy năm, chồng cũ đề nghị với chị T. sẽ làm cho con một cuốn sổ tiết kiệm vài chục triệu đồng, cũng để lo cho con sau này. Nhưng lời hứa đó vẫn chưa thấy thực hiện.

Có thể với nhiều người phụ nữ, khi ra tòa, họ trả lời là “tùy ở cái tâm” của ông bố, không yêu cầu cụ thể số tiền chồng cũ phải đóng góp, không có nghĩa là họ thờ ơ với số tiền ông bố đóng góp nuôi con, thể hiện trách nhiệm và tấm lòng của người làm cha.

Chánh án một tòa án cấp quận cho biết khi xử bản án ly hôn, thẩm phán đều nói rõ việc cấp dưỡng nuôi con là quyền lợi chính đáng của con, cha/mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, bảo đảm nuôi dạy con tốt nhất.

Mỗi bậc cha/mẹ khi ly hôn có mức thu nhập, điều kiện và hoàn cảnh sống khác nhau, nhưng để bảo đảm các “nhu cầu thiết yếu” trong cuộc sống, để những đứa trẻ của những gia đình này “phát triển lành mạnh về thể chất và tinh thần”, tòa án căn cứ vào điều kiện hoàn cảnh cụ thể của từng trường hợp ly hôn mà phán quyết mức cấp dưỡng.

Tuy nhiên hiện nay Luật không quy định cụ thể về mức cấp dưỡng. Vì thế có thể những câu như tùy vào “khả năng thực tế” của người cấp dưỡng mà mức cấp dưỡng mỗi nơi một kiểu, người ít, người nhiều và đa số là không đủ mức tối thiểu cho mỗi đứa con. Chưa kể là trên thực tế hiện nay mỗi gia đình Việt Nam đều nuôi con học xong đại học, hoặc học nghề, tức vượt quá cái tuổi đứa con được nhận trợ cấp là 18 tuổi đến 3-5 năm. Gánh nặng này luôn nằm trên vai những bà mẹ nuôi con một mình.

Nhiều bà mẹ hiện nay ra tòa ly hôn, nhận nuôi con nhưng không đề nghị chồng cấp dưỡng hoặc nói một câu chung chung là “tùy ở cái tâm”. Nhiều chuyên gia tâm lý nhận xét là khi đó cái tôi, tự ái cá nhân, cơn giận của quá trình ly hôn… được “ve vuốt” sau khi bản án ly hôn thành công, nên họ không quan tâm đến quá trình cấp dưỡng. Còn theo Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự quận Sơn Trà Lê Văn Hiểu, thì có thể nhiều bà mẹ tìm hiểu và thấy đa số các trường hợp trợ cấp nuôi con không được thực hiện đầy đủ, kết quả thi hành án để bảo đảm quyền lợi của trẻ em và giúp bà mẹ nuôi con kết quả thấp, người đàn ông không có trách nhiệm với đứa con, nên họ không quan tâm đến vấn đề này. Trước đây trên 50% bản án có thể hiện vấn đề trợ cấp. Nhưng khoảng 5 năm trở lại đây tỉ lệ này rớt xuống còn

10-20% (phụ nữ nuôi con và đàn ông phải trợ cấp chiếm 90-95%). Ông Mai Đăng Hòa cho biết ông đang thụ lý 8 hồ sơ thi hành án ly hôn, nhưng chỉ có 3 người thực hiện, còn 5 hồ sơ “rất khó thi hành án”.

Tòa án khi xử ly hôn yêu cầu chuyện cấp dưỡng cho con là tự nguyện. Nhưng khi đối tượng không thực hiện, cơ quan thi hành án tìm không ra địa chỉ của ông bố/bà mẹ; vợ chồng coi nhau như kẻ thù và họ phó thác chuyện thu tiền trợ cấp cho cơ quan thi hành án. Nhiều người gặp chấp hành viên thì nói “trên trời”: tôi có cái thân tôi đây, làm gì thì làm (!) hoặc nói về bà vợ “để cho nó biết”; rơi vào những người làm nghề tự do, thu nhập không kiểm soát thì chuyện thi hành án rất khó thực hiện. Thủ tục khấu trừ tiền trợ cấp này cũng rất rườm rà, hằng tháng cơ quan thi hành án phải ra quyết định khấu trừ, chứ không được ra quyết định trong một khoảng thời gian nhất định.

Rơi vào hoàn cảnh buộc phải ly hôn, phụ nữ và trẻ em luôn ở vào thế yếu. Khi hôn nhân tan vỡ, người phụ nữ phải chịu tổn thất về tinh thần, chẳng có gì bảo đảm họ có điều kiện tốt nhất trong cuộc sống mới. Hiện nay Luật Hôn nhân gia đình không có chương nói về thi hành án; trong Luật Thi hành án cũng không có điều khoản về thực hiện án hôn nhân, nên vấn đề hiệu quả của thi hành án hôn nhân vẫn dựa trên “lương tâm và trách nhiệm” của người phải thi hành là chính.

Kết bài viết này, chúng tôi muốn nhắc đến anh H.T.H (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Anh H. ly hôn từ năm 1996 và trợ cấp cho con mỗi tháng 120 nghìn đồng, sau này do giá vật dụng tăng, số tiền này tăng lên 250 nghìn đồng/tháng. Điều đáng nói là anh H. chỉ là người lao động bình thường, không phải là công chức, không có tài khoản tiền lương… Anh bảo “tôi chỉ là người dân bình thường, tôi phải thi hành luật. Khi chia tay với vợ thì đứa con mang nỗi đau, nên tôi phải thể hiện trách nhiệm với con và đó cũng là tình cảm của tôi đối với đứa con”.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.