.

Rưng rưng áo trắng

.

Nếu “lưu bút ngày xanh” được bạn bè truyền tay nhau từ mấy hôm trước khi chia tay trường lớp, thì tà áo dài của bạn nữ, áo sơ-mi trắng của bạn nam giống như cuốn lưu bút nóng, lưu giữ hàng chục chữ ký hay cả nụ hôn tinh nghịch của bạn bè ngay trong buổi học cuối cùng.

Những chiếc áo chứa đầy chữ ký trong ngày chia tay. (Ảnh minh họa)
Những chiếc áo chứa đầy chữ ký trong ngày chia tay. (Ảnh minh họa)

1. Hơn 10 năm trước, buổi học cuối cùng tại lớp 12/4 chuyên văn, Trường THPT Sào Nam, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) diễn ra trong tiếng khóc sụt sùi. Đứng trên bục giảng, thầy Diệm dạy môn tiếng Anh, chủ nhiệm lớp chúng tôi nhắc lũ học trò đừng khóc nhưng giọng thầy dường như đã nghèn nghẹn tự bao giờ. Đứng tựa lưng vào bảng đen, thầy trầm tư nhìn lớp, từng cái nhíu mày khiến mặt thầy trở nên già nua và khắc khổ.

Ngồi ở dãy bàn cuối, Trâm đứng lên tiến về phía thầy, quẹt nước mắt nói: “Thầy ơi, thầy cho em xin một chữ ký và một câu chúc của thầy, để sau này dù có đi đâu, em vẫn nhớ về nó như một lời nhắn nhủ”. Không kiềm được nữa, thầy bật khóc thành tiếng và nói với giọng đứt nghẹn: “Đây là lớp đầu tiên thầy chủ nhiệm mà con gái chiếm gần 90% số lượng như thế này. Mấy đứa học văn mơ mộng, lại “mít ướt” quá làm thầy không kìm lòng được. Nhưng mà thôi, các em hãy vui lên, chúng ta chỉ còn một ngày nữa ngồi với nhau nên hãy nói hết những điều cần nói, chứ không phải chỉ ngồi để… khóc”.

Sau câu nói của người thầy đáng kính, Trâm vén tà áo dài phía trước đặt lên bàn nhờ thầy ký vào đó, trên môi nở một nụ cười nhẹ. Sau Trâm, lũ con gái chúng tôi đồng loạt ùa lên bục giảng bởi đứa nào đứa nấy đều muốn có chữ ký của thầy trên chiếc áo trắng tinh khôi của mình. Cứ thế, thầy ký cho trò. Trò ký lên áo của nhau. Ai ký trước đều “xí phần” áo chỗ trái tim hay trước ngực để nhắc nhở người ký, người được ký luôn nhớ về mình.

Buổi chiều hôm ấy, hình ảnh bạn bè đứng nối nhau, đứa này đè lưng đứa kia hay tranh nhau phần ngực, nằm dài ra bàn để mặc mọi người muốn ký đâu thì ký trở thành những ký ức đẹp, không bao giờ tôi quên. Hôm đó thầy không điểm danh, nhưng lớp không vắng một ai.

2. Bây giờ, sự kết nối giữa những thành viên trong lớp sau khi ra trường dễ dàng hơn trước. Nhưng, với nhiều học sinh, những chữ ký nghệch ngoạc trên chiếc áo trắng học trò như một điều không gì thay thế được. Như chia sẻ của Nguyễn Văn Phương, HS Trường THPT Hoàng Hoa Thám niên khóa  2007-2011 thì đó là chiếc áo đầu tiên và duy nhất bạn mặc mà không giặt ủi. “Trong ngày chia tay, áo trắng của mình đầy chữ ký của thầy cô, bạn bè. Áo mặc xong có ít mồ hôi nhưng không dám giặt vì sợ bột xà phòng sẽ làm phai màu mực. Vài tháng đầu mình còn treo trong tủ quần áo để mỗi khi mở tủ là có thể nhìn thấy nhưng lâu dần, vì muốn bảo quản tốt hơn nên mình gấp lại bỏ vào túi ni-lông dán kín”.

Hà Văn Huỳnh, SV ngành Báo chí, ĐH Sư phạm Đà Nẵng tủm tỉm cười khi kể lại kỷ niệm buổi chia tay lớp 12 cách đây tròn 1 năm của mình. Hôm ấy Huỳnh và vài bạn nam khác vừa bước vô lớp đã thấy các bạn gái đang ngồi tô son cho nhau. Nghĩ mấy nàng làm đẹp ra sân chụp hình kỷ niệm nên Huỳnh không mấy chú ý. Nào ngờ, khi con trai vừa “an tọa” thì bị các bạn nữ “tấn công” ào ạt bằng những nụ hôn lên lưng, lên ngực. Buồn cười nhất là áo trắng của Huỳnh bị hai bạn nữ chúm môi hôn 2 cái vào 2 bên ngực áo. Hôn xong cái nào, bạn ký tên ngay lên đó, đồng thời ghi lại địa chỉ nhà, số điện thoại rồi đá mắt tinh nghịch, cười nói: “Sau này Huỳnh nhớ nụ hôn của đứa nào thì cứ theo số điện thoại cho trên áo mà gọi”. Hôm ấy từ trường đạp xe trở về nhà, mặc chiếc áo đầy nụ hôn đỏ chói và chữ ký của bạn bè, Huỳnh đỏ rân mặt mũi vì vừa buồn cười, vừa xấu hổ cùng những cảm xúc vui, buồn lẫn lộn.

3. Trong suốt những năm tháng cắp sách đến trường, nhiều người trong chúng ta đều trải qua buổi học cuối cùng để chia tay cấp 1, cấp 2, cấp 3, kể cả bậc đại học. Nhưng có lẽ không buổi học nào gần gũi, thân tình, lo lắng và có nhiều cảm xúc như buổi học cuối năm lớp 12. Bởi sau đó, có bạn may mắn đậu đại học tiếp tục sự học, bạn thi rớt trở thành công nhân, người đi lấy chồng xa…Và dường như, tuổi 18 bao giờ cũng là lứa tuổi đẹp nhất đời người, mơ mộng nhiều cảm xúc hay lo lắng về một kỳ thi quan trọng phía trước cũng dễ khiến họ bật khóc ngon lành.

Chị Lê Thị Thu Nga, HS Trường THPT Phan Châu Trinh niên khóa 2004-2008 đưa ra so sánh, khác với buổi học cuối lớp 12, ngày chia tay ở bậc đại học lớp chị, tụi con gái không ôm nhau khóc, tụi con trai không còn lúng túng chạy đi mua khăn giấy về cho con gái mà chỉ cười, hỏi nhau dự định công việc sau ngày tốt nghiệp, ghi rõ địa chỉ từng đứa phòng sau này liên lạc. Dường như 4 năm trọ học xa nhà đã giúp họ trưởng thành và chững chạc hơn. Những dự định mới trong tương lai cũng khiến mọi người háo hức chờ đợi ngày ra trường để trải nghiệm.

“Bây giờ, khi đã trải qua nhiều chặng đường, tôi nhận ra rằng “cuối cùng không bao giờ là kết thúc” cho một tình bạn vững bền. Bằng cách này hay cách khác, mỗi người sẽ tìm về với nhau để cùng động viên, chia sẻ những vui, buồn trong cuộc sống. Mỗi khi sắp xếp lại tủ quần áo, bao giờ tôi cũng nhìn thật lâu chiếc áo có nhiều chữ ký của bạn bè, thầy cô, gợi về kỷ niệm thân thương và tự dưng thấy lòng mình nhẹ tênh những cảm xúc ngọt ngào”, chị Nga xúc động nói.

Màu mực trên áo rồi cũng sẽ phai nhạt dần, chiếc áo trắng tinh tươm rồi cũng ố vàng theo thời gian, nhưng những ai từng có cho mình chiếc áo nhiều kỷ niệm, hẳn sẽ luôn nâng niu, giữ gìn như báu vật tuổi học trò. Như chính tôi, khi viết những dòng này, mang áo ra xem lại từng chữ ký thân thương, lòng rưng rưng nỗi nhớ bạn, nhớ trường lớp, nhớ cảnh người này ghì vai người kia để được ký đủ màu mực xanh, đen, đỏ, tím lên áo bạn. Và tôi cũng tin rằng, dù đôi khi trong lớp học, bạn này không thích bạn kia, nhưng trong giờ phút sau cùng ấy, ai cũng gửi lại chữ ký và những câu chúc tốt lành cho một cuộc đời còn rất dài phía trước.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.