.

Nước Nga, một thời và mãi mãi

.

Nước Nga luôn trong trái tim tôi. Câu nói này chúng tôi được nghe rất nhiều, đến thuộc nằm lòng khi được dịp tiếp xúc với những người đã từng sinh sống, học tập và làm việc tại các nước thuộc Liên bang Xô Viết (trước đây) và nước Nga ngày nay…

Cô Vũ Thanh Tâm (bìa trái) và hai sinh viên cũ hiện là du học sinh bậc cao học tại Nga năm 2012.(Ảnh do nhân vật cung cấp)
Cô Vũ Thanh Tâm (bìa trái) và hai sinh viên cũ hiện là du học sinh bậc cao học tại Nga năm 2012.(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Nhớ một thời thanh niên sôi nổi

“Năm sau, năm 2015 là tròn 50 năm cô trở thành lưu học sinh ở Nga. Nước Nga, đến bây giờ cô vẫn gọi là Tổ quốc thứ hai và tình cảm dành cho nó vẫn đẹp và vẹn nguyên như ngày nào”, gương mặt bà Lê Thị Mai Ngữ (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) bừng sáng khi tôi gợi hỏi bà chuyện sang Nga học đại học năm 1965.

Năm 1954 cô bé Mai Ngữ lên tàu tập kết ra Bắc, học ở trường học sinh miền Nam. 11 năm sau cô tiếp tục xách va-li lên đường du học, điểm đến bây giờ là 1 năm học dự bị ở Baku (Azerbaijan); tiếp theo là 5 năm làm sinh viên (SV) ngành sinh-hóa, ĐH Tổng hợp Leningrad. Tính cách sôi nổi cùng vốn tiếng Nga giỏi, cô SV Mai Ngữ đảm nhận vai trò cán bộ Đoàn Thanh niên của lưu học sinh Leningrad, thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn văn nghệ trong lưu học sinh Việt và cả SV quốc tế ở các trường đại học. Những chuyến đi đến các trường ở nhiều vùng của Nga để mời SV cùng tham gia hoạt động văn nghệ, giao lưu mà theo cô là “mệt đứt hơi nhưng tràn ngập tiếng cười”…

Nhờ tham gia nhiều hoạt động như thế mà đến giờ cô SV Mai Ngữ ngày xưa giờ đã lên chức bà, tóc trắng nhiều hơn tóc đen nhưng vẫn thuộc vài ba chục bài hát Nga. Bà hát say mê cho tôi nghe những bài Chiều Moskva, Đỉnh núi Lenin… “Tính cách người dân Nga, phong cảnh thiên nhiên và âm điệu trong các bài hát Nga là 3 điều khiến mỗi người khi đã sống ở Nga đều cảm nhận rõ và nó thấm vào tâm hồn mỗi lưu học sinh Việt Nam. Chuyến đi của cô kéo dài 6 năm ở đất nước Nga tươi đẹp là chuyến đi duy nhất và cô vẫn giữ lại hình ảnh nước Nga trong trái tim mình như ngày nào”, lời của bà Mai Ngữ như ở một nơi nào đó vọng về. Có lẽ cảm xúc với nước Nga “ngấm” vào máu bà, hôm nay có người khơi gợi nên nó thức tỉnh. Tình yêu với nước Nga của bà trở nên đẹp lung linh.

Trong số những người trở về từ nước Nga, anh Lương Thế Dũng (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) có lẽ là người đi được nhiều nơi nhất (13/15 nước thuộc Liên bang Xô viết). Sang đến thành phố Ulyanovsk, Nga tháng 4-1984, anh Dũng và các bạn mất một năm học tiếng Nga và học cách dập khung vỏ lớn (trong dây chuyền chế tạo ô-tô). Vào hai ngày nghỉ cuối tuần, anh Dũng thường xách ba lô lên vai, đi đến mọi “hang cùng ngõ hẻm” của nước Nga. Mỗi năm có 12 ngày phép, anh cũng dành để khám phá đất nước rộng lớn và tươi đẹp này. Trong ký ức của mình, đêm trắng (hoàng hôn kéo dài suốt đêm) vào ngày 23-6-1986 ở thành phố Leningrad khiến anh Dũng mê mẩn.

Anh kể “gần như người dân cả thành phố ra đứng dọc sông Niva, họ đàn, hát và thưởng thức hiện tượng thiên nhiên kì vĩ, chỉ kéo dài 1-2 ngày trong 1 năm. Năm sau, anh quay lại thành phố kỳ diệu ấy một lần nữa để thưởng thức đêm trắng”. Và anh Dũng có một đám cưới đẹp như mơ tại quê người. Người bạn đời của anh, chị Nguyễn Thị Ngọc làm công nhân cuốn sợi ở nhà máy sợi thành phố Tcherkassy (Ukraine), cách nơi ở của anh 2.100 cây số. Đám cưới của họ có phụ dâu và phụ rể như mọi đám cưới của người Nga, vừa có món ăn Nga vừa món Việt do các anh tự nấu. Sau ngày cưới, mỗi người lại trở về thành phố của mình, làm công nhân như mọi ngày. 3 tháng sau chị Ngọc về nước và thêm 2 năm nữa anh Dũng mới hết hạn hợp đồng. Giờ, trong câu chuyện của hai người luôn có hình ảnh nước Nga, Ukraine và tình cảm nồng hậu của những lần họ được đón tiếp tại nhà những người bạn Nga…

Nước Nga trong trái tim tôi  

“Lần đầu tiên đến nước Nga vào mùa hè năm 1988, dù cảm nhận qua những thước phim tài liệu, những bài học của giáo trình Star ở ngôi trường dự bị, nhưng chúng tôi vẫn ngỡ ngàng khi nhìn những cánh rừng bạch dương ngút ngàn dọc theo con đường từ sân bay Sheremechevo về trung tâm thành phố, những hàng cây bắt đầu ngả sang sắc thu một màu vàng óng, những đại lộ thênh thang, những ngôi nhà cao vút, điện Kremlin tráng lệ, và những vườn táo thơm lừng trên đồi Lênin”. Cảm giác ấy hình như vẫn vẹn nguyên trong tâm hồn, trái tim anh Trà Xuân Phương (VTV Đà Nẵng). Anh nhận quyết định về học ở ĐH Tổng hợp Odessa, một thành phố cảng nằm bên bờ biển Đen (Ukraine).

Lần đầu tiên đến một nơi xa lạ, nhưng tình cảm người dân Nga dành cho cậu thanh niên Việt Nam khiến anh Phương nhớ mãi những kỷ niệm đẹp. Một mình anh lên tàu hành trình đến Odessa dài gần 2.000km. Cùng buồng với anh là một người đàn ông hơn 60 tuổi, một phụ nữ và một thanh niên tên là Sergei. “Họ hỏi tôi từ đâu đến, sẽ học bao lâu, sao không thấy tôi ăn gì cả.

Người đàn ông bảo cô phục vụ mang đến cho tôi một cốc trà đen nóng, người phụ nữ bóc trứng bảo tôi ăn. Bà bảo: “Phải một ngày nữa mới đến Odessa, ăn đi con trai ạ”. Khi tàu dừng ở một ga xép, người thanh niên chạy vội xuống mua một cái bánh mì và một chai nước ngọt, nói tôi khi đói thì ăn, ga sau anh sẽ xuống”. Những người Nga đầu tiên tôi gặp trên đất nước xa xôi như vậy, họ thân thiện, hiếu khách và có một tình cảm sâu nặng với đất nước Việt Nam.

Khi Liên Xô tan rã, có một lần Trà Xuân Phương ngược lên Moskva thăm bạn. Anh đi trên một chuyến xe điện vào giờ tan tầm, hỏi một phụ nữ đường về phố Pamphilova. “Bà chỉ dẫn tôi cách đi, đến bến nào thì xuống. Xe dừng ở bến tôi cần, người đàn bà cũng xuống, bảo tôi đi cùng. Matxcơva thời kỳ chuyển đổi rất phức tạp, nhiều vụ trấn lột, nhiều tin hình sự. Dù sao tôi vẫn lặng lẽ đi theo người đàn bà ấy, trên một đoạn đường dài gần cây số. Khi nhìn thấy tấm biển phố Pamphilova gắn trên một ngôi nhà, tôi thở phào nhẹ nhõm. Bà bảo: “Đây là con phố cháu cần, bác phải quay trở lại bến xe, đáng lẽ bác xuống ở bến trước, nhưng thấy cháu có vẻ lạ đường nên dẫn đi. Ở đây dạo này phức tạp lắm”, anh Phương kể.

“Mình lặng người đi vì chỉ vài giây trước  đã có những ý nghĩ nghi ngại. Và khi chưa kịp nói lời cảm ơn, chưa kịp hỏi bà tên gì, bà đã vội vàng quay lại con đường cũ vì trời đã tối”. Người dân Nga thân thiện, hiếu khách, dễ gần… Bao nhiêu từ cần nói về dân tộc này có lẽ cũng không đủ bằng câu chuyện một cựu du học sinh kể. Về những người dân, về một đất nước, về một nền văn hóa đã khắc đậm trong tâm trí của bao thế hệ người Việt Nam.

Với cô Vũ Thanh Tâm, Trưởng khoa tiếng Nga, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng, việc cô đến nước Nga du học năm 1984 như “lạc vào một thế giới khác, một thế giới có thực mà trước đó mình chỉ được nhìn thấy qua sách báo, qua những bộ phim đốt cháy lòng người”. Thành phố nơi cô đến học là Volgagrat, nằm dọc theo sông Volga. “Mỗi ngày sau giờ học vào khoảng 3 giờ chiều, mình và các bạn thường đi chơi, đi dọc các con đường về nông thôn là có đầy cây trái, cứ việc hái ăn thỏa thích.Người dân thấy vậy thường hái cho tụi mình những giỏ trái cây trồng trong vườn nhà”, cô Thanh Tâm chia sẻ.

Năm 2001, khi quay lại nước Nga lần thứ hai, cô “sốc” vì thấy nước Nga không có nhiều thay đổi so với 17 năm trước, trong khi ở Việt Nam đã thay đổi “chóng mặt”. Cô Tâm có dịp quay lại nước Nga lần thứ 3 năm 2012 để thăm con gái học ngành sư phạm ở Tula, và sắp tới cô sẽ đến Nga vào cuối năm nay. Có lẽ cô là người được quay trở lại Nga nhiều nhất trong số những người tôi từng gặp. Đó là ước mơ, là khát vọng của những du học sinh, những người công nhân gắn tuổi thanh xuân của mình với nước Nga, với người dân Nga.

Gần 60 năm kể từ khi đến với nước Nga, ông Lâm Đề (nguyên Phó Giám đốc VTV Đà Nẵng) SV Trường Bưu điện Moskva, đến Nga năm 1956, kể: Hầu như du học sinh Việt học rất giỏi nên được thầy cô giáo rất thương, họ thường mời chúng tôi về nhà chơi, mời ăn các món truyền thống Nga. Một lần, những người bạn Nga cùng lớp đã nói với ông: tôi không thể hiểu là nếu không có các bạn (SV Việt Nam) thì sẽ như thế nào (!). Hai năm sau khi về nước năm 1962, ông Lâm Đề chuyển sang bộ đội tên lửa. Năm 1966 ông sang Karakum (Turkmenistan) học chuyên ngành và năm 1972 học thêm về tên lửa ở Baku (Azerbaijan). Hai đất nước này cùng ở trong Liên bang Xô viết, nên coi như hai lần đó ông Lâm Đề “được trở lại với nước Nga”.

Với hai cô gái Ngọc Quỳnh và Hải Phước (Tổng Công ty Sông Thu, du học năm 2000), ước mơ lớn nhất là sẽ quay trở lại nước Nga, dù chỉ một lần trong đời, được chứng kiến mùa thu dát vàng trên từng cánh rừng hoặc xem rừng cây bừng nở lá, hoa khi tuyết vừa tan hết vào tầm tháng 4… Những người Việt đã từng làm việc, du học ở Nga hiện kết nối với nhau rất dễ dàng, các anh chị có các diễn đàn và thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, đó là dịp họ được nhắc lại kỷ niệm xưa, cùng hát vang những bài hát Nga và hơn hết, họ nhớ về những người bạn Nga với tình cảm thân thương từng làm ấm lòng những con người xa xứ…

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.