.

"Giấy thông hành" thời hội nhập

.

Ngoại ngữ là một thách thức không chỉ riêng ngành du lịch mà ngay cả trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong thời hội nhập.

Trình độ ngoại ngữ là phương tiện quan trọng trong hoạt động du lịch. Trong ảnh: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khách đến từ Hàn Quốc.  (Ảnh do BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cung cấp)
Trình độ ngoại ngữ là phương tiện quan trọng trong hoạt động du lịch. Trong ảnh: Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đón khách đến từ Hàn Quốc. (Ảnh do BQL khu danh thắng Ngũ Hành Sơn cung cấp)

Vừng ơi, mở cửa ra…

Một lần, anh Lê Văn Hòa, hướng dẫn viên (HDV) Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, nhận đưa một gia đình người Thụy Sĩ lên Thủy Sơn tham quan. Khổ nỗi, gặp phải anh chồng mặt khó đăm đăm như vừa đóng xong phim hình sự. Anh ta đưa cái máy ảnh nhờ Hòa chụp, chụp kiểu gì cũng bị chê. Chụp có bầu trời phía trên thì: Trời Việt Nam có khác gì trời Thụy Sĩ mà mày chụp? Chụp nửa người cho rõ khuôn mặt thì: Sao mày không chụp toàn thân, bộ định chặt chân tụi tao hả?... Nghĩa là bị chê… toàn tập! Hồi mới vô nghề, Hòa đã được cử đi học lớp hướng dẫn và điều hành du lịch do Sở Du lịch Đà Nẵng (cũ) tổ chức nên “cắn răng” chịu đựng cái tay khách cực kỳ khó tính này.

Cả nhà anh ta leo lên núi cao, mệt mỏi, thở dốc (lúc đó chưa có thang máy). Hòa kiên nhẫn, vui vẻ giúp đỡ từng người, không chút bực dọc. Lên tới chùa Tam Thai, không biết vì cảm kích tấm lòng của HDV hay vì cảm cảnh chùa mà anh ta dần bình tâm trở lại. Anh xin lỗi Hòa vì đã có thái độ không mấy thân thiện. Anh ta kể, đêm hôm trước, cả nhà đưa nhau chơi đêm Đà Nẵng bằng xe đạp, bất ngờ bị một kẻ gian xẹt qua cái rẹt lấy mất máy ảnh, máy quay phim để trong giỏ xe phía trước. Sáng ra, anh ta mua đại một máy ảnh du lịch và đi Ngũ Hành Sơn với tâm trạng đầy bực dọc. Hòa bảo, chuyện trộm cắp thì ở nước nào chả có, vấn đề là mình ứng xử với tình huống xấu đó như thế nào. Rồi Hòa chia sẻ đôi điều về quan niệm “sắc/không” của nhà Phật. Anh ta ít nhiều hiểu ra và từ đó, qua trao đổi email, anh ta mến Hòa, yêu cái nét chùa chiền của Ngũ Hành Sơn và yêu cả Đà Nẵng thân thiện, mến khách.

Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn hiện có 12 HDV, tất cả đều biết tiếng Anh, trong đó Hòa thâm niên nhất với 12 năm. Các tiếng khác như Nga, Đức, Trung, Thái, Nhật... đều do các đơn vị lữ hành đưa khách đến Ngũ Hành Sơn đảm nhận. Trước đây, anh Hòa cũng học tiếng Nhật đủ để đưa du khách đi quanh núi, nhưng sau đó khách Nhật (không biết tiếng Anh) đến thưa dần và thế là tiếng Nhật của anh đã... gỉ sét! Ông Lê Quang Tươi, Trưởng ban Quản lý khu danh thắng giải thích: “Các tiếng khác, như tiếng Nga chẳng hạn, một năm mới có đôi ba lần có khách Nga đến, nên đơn vị không thể biên chế hẳn một HDV tiếng Nga. Để từng bước nâng cao năng lực ngoại ngữ, đơn vị tạo điều kiện về thời gian và hỗ trợ tiền xăng xe cho cán bộ, nhân viên học thêm tiếng Anh”.

Ngoại ngữ là phương tiện, nhưng qua câu chuyện của anh Hòa, nếu không nắm được văn hóa, lịch sử của một vùng đất thì HDV du lịch cũng chỉ như cái máy thâu âm chứ không có khả năng diệu kỳ là gõ cửa lòng người như câu chuyện thần thoại xứ Ba Tư: Vừng ơi, mở cửa ra…

Trình độ ngoại ngữ làm nên diện mạo ngành du lịch

Trình độ ngoại ngữ là phương tiện quan trọng trong hoạt động du lịch, đặc biệt là trong quá trình gia nhập WTO và hội nhập thế giới. Từ quan điểm này, ông Trần Chí Cường, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, Sở đã tuyển chọn lao động có trình độ ngoại ngữ từ nhiều nguồn mà đứng đầu ứng viên từ Đề án Nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo bài bản tại nước ngoài, có trình độ chuyên môn cao và khả năng ngoại ngữ rất tốt. Tính đến nay, đã có 13 người từ nguồn này được Sở tiếp nhận và bố trí công tác.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng (đơn vị trực thuộc Sở VH-TT&DL thành phố), cũng xem ngoại ngữ là một thách thức không chỉ riêng ngành du lịch mà ngay cả trong cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp, nhất là trong thời hội nhập. Trung tâm không phải là trường đào tạo ngoại ngữ, chỉ ở góc độ xúc tiến, mỗi năm tổ chức từ 10 đến 15 lớp bồi dưỡng tiếng Anh cho đội ngũ làm công tác du lịch. Trong 3 - 4 tháng có thể học được một nghề phổ thông nào đó, nhưng để đạt 4 kỹ năng nghe nói đọc viết cho một ngoại ngữ cần có một quá trình học tập, rèn luyện dày công hơn gấp bội. Ông Bình cho biết, thời hội nhập, chuyên môn dù có giỏi tới trời mà thiếu ngoại ngữ thì cũng thui chột tài năng. Thực tế cho thấy, với những người đã giỏi chuyên môn thì kỹ năng ngoại ngữ (phổ biến nhất là tiếng Anh) sẽ tỷ lệ thuận với cơ hội thăng tiến và thu nhập.

Trình độ ngoại ngữ tạo nên “đẳng cấp” cho người làm nghề HDV du lịch. Tuy nhiên, PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng, nhấn mạnh rằng, trong ngành du lịch, nếu chỉ biết sử dụng ngoại ngữ ở mức họ nói ta hiểu, ta nói họ hiểu không thôi là chưa đủ mà phải đạt cả mức ứng xử văn hóa. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong giáo trình tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Nga chuyên ngành về du lịch của nhà trường.

PGS. Phan Văn Hòa khẳng định: “Chúng tôi đã quyết định và chịu trách nhiệm với Bộ GD&ĐT rằng sinh viên nhà trường tốt nghiệp tiếng Anh phải đạt trình độ C1 theo khung tham chiếu châu Âu về năng lực ngoại ngữ, tức tương đương 7 điểm IELTS, còn các thứ tiếng khác phải đạt B2. Chúng tôi đang liên kết với một số cơ sở đào tạo uy tín cũng như xin Bộ VH-TT&DL cấp các chứng chỉ hành nghề về du lịch cho sinh viên của chúng tôi”.

Du lịch, thoạt nhìn là sản phẩm vô hình nhưng về lâu dài là sản phẩm hữu hình, bởi khi du khách về lại nơi họ sinh sống thì chính họ là những người quảng bá theo cấp số nhân cho du lịch tốt nhất và… rẻ nhất. Vì thế, làm du lịch đừng ăn xổi ở thì. Một cán bộ phụ trách kinh doanh của Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho biết, những tour đột xuất nếu mình cảm thấy không bảo đảm thì dứt khoát không nhận, nhất là những tour liên quan đến các “tiếng hiếm” như Tây Ban Nha, Ý… Thực tế đã có một số đơn vị lữ hành đã nhận bừa, nhận ẩu những tour “tiếng hiếm”, hậu quả không chỉ đơn vị đó bị sập tiệm mà ảnh hưởng chung cho cả ngành du lịch và bộ mặt thành phố.

“Sở đã chỉ đạo các phòng và đơn vị sự nghiệp khối du lịch liên tục rà soát nguồn nhân lực để đăng ký nhu cầu thu hút theo từng quý gửi Sở Nội vụ. Theo đó, Sở đều đưa tiêu chí “sử dụng thông thạo và giao tiếp tốt ngoại ngữ (Anh, Trung, Nhật, Nga, Hàn…)” vào tiêu chí tuyển chọn để các ứng viên có đầy đủ các điều kiện về chuyên ngành và ngoại ngữ theo từng vị trí việc làm đều có thể nộp đơn tham gia phỏng vấn trên nguyên tắc cạnh tranh, thực tài”.

Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đà Nẵng Trần Chí Cường

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.