.

Khổ vì dịch

.

Vào lúc cao điểm của các dịch bệnh (tháng 9-2013), trung bình mỗi tuần, Đà Nẵng ghi nhận 40-50 ca sốt xuất huyết và hàng trăm người bị đau mắt đỏ. Riêng tay chân miệng không tăng cao so với năm trước như hai bệnh dịch trên, nhưng mỗi ngày tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi cũng tiếp nhận khoảng 90 ca nhập viện, có thời điểm bệnh nhân gấp hơn… 10 lần số giường kế hoạch.

Đội ngũ bác sĩ nhãn khoa phải làm việc cật lực để giải quyết hết số lượng bệnh nhân đến khám suốt nhiều ngày qua. Ảnh: T.V
Đội ngũ bác sĩ nhãn khoa phải làm việc cật lực để giải quyết hết số lượng bệnh nhân đến khám suốt nhiều ngày qua. Ảnh: T.V

Cuộc sống người dân xáo trộn vì dịch, bệnh viện, bác sĩ làm quên đêm quên ngày để dập dịch.

Cuộc sống xáo trộn

Mấy ngày qua, người giúp việc xin về quê… dưỡng thương vì mắt trái bị đỏ rồi đến mắt phải đỏ nốt khiến vợ chồng anh Đ. (cán bộ công chức thành phố) bù đầu sắp xếp việc nhà. Vợ mới sinh, biết chăm trẻ nhỏ vất vả nên ngoài khoản lương cố định 3 triệu đồng/tháng cho người giúp việc, anh Đ. còn “bo” thêm 5 trăm nghìn đồng, cộng tiền ăn uống hằng ngày tính ra mỗi tháng chi hết 4 triệu đồng vào công chăm em. Vậy mà vì đỏ mắt, người giúp việc về quê mãi chẳng thấy ra khiến vợ chồng anh Đ. trông đứng trông ngồi.

Bệnh đỏ mắt (viêm kết mạc cấp) thuộc dạng lành tính, nhưng hậu quả của nó thì chẳng mấy dễ chịu. Bà P.V (63 tuổi, quận Thanh Khê) bị đục thủy tinh thể, được Bệnh viện Mắt chỉ định mổ vào ngày 8-10. Trước khi mổ một ngày, bà V. lục đục đến Bệnh viện Mắt nhập viện, chuẩn bị làm các xét nghiệm thì tự dưng… mắt đỏ khiến mọi kế hoạch phẫu thuật phải tạm ngưng. Được bác sĩ cho thuốc về nhà uống đợi khi nào hết đỏ mới có thể mổ, bà V. quay ra trách ông trời: “Nhè hôm ni mà đỏ mắt, răng ông không thương tui!”.    

Mấy ngày qua, nói tới nói lui cũng nghe chuyện dịch bệnh. Có nhà tới 4 người “dính” dịch như gia đình chị Phạm Thị Mỹ (27 tuổi, tổ 92, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) gồm cha mẹ, chồng và con lần lượt bị sốt xuất huyết, mỗi người phát sốt cách nhau một ngày. Chỉ vào cái hồ nhỏ dưới chân còn lởm chởm hòn non bộ, chị Mỹ nói: “Hóa ra ổ dịch nằm chỗ ni. Trước đây mình có nuôi cá trong hồ nhưng sau đó không còn cá nữa mà nước vẫn để nguyên như vậy nên sinh loăng quăng rồi muỗi vằn. Giờ thì nhà mình đã biết bỏ muối vào cho khỏi muỗi”. Nói vậy nhưng chị Mỹ cũng không bớt lo ngại khi thời điểm dịch bùng phát tại khu vực phường Hòa Quý, quanh xóm chị hầu như nhà nào cũng có ít nhất một người bị sốt xuất huyết.

Khi dịch đến nhà

Người lớn mắc bệnh đã khổ, trẻ nhỏ dính bệnh, lại là bệnh dịch càng khổ bội phần. Với bà Loan (quận Thanh Khê), thời gian vừa qua quả là thất kinh khi bà liên tục theo cháu vào bệnh viện điều trị bệnh tay chân miệng. Bà Loan có cả thảy 6 cháu nội, ngoại dưới 5 tuổi. Trong đó, 4 cháu bị mắc tay chân miệng, dù không ở cùng địa bàn. Lúc nào cháu bệnh, bà cũng vào bệnh viện phụ việc chăm sóc.

Hồi tháng 7, đứa cháu vừa tròn 1 tuổi phát bệnh tay chân miệng. Bà ví lần đi vào Bệnh viện Phụ sản-Nhi đợt này như chuyến… nghỉ dưỡng vì khu điều trị nội trú còn tương đối dễ thở. Nhưng tới đầu tháng 9, khi cùng đứa cháu tiếp theo vào Phòng Y học nhiệt đới, cũng của bệnh viện này được đúng một đêm, bà Loan đã vội gọi taxi… trốn viện về nhà tự chữa bệnh vì cảnh quá tải, bí cả chỗ đứng lẫn chỗ đi vệ sinh.

Phòng Y học nhiệt đới Bệnh viện Phụ sản-Nhi chỉ có 30 giường kế hoạch. Dù Phòng đã kê thêm… 170 giường nhưng vẫn chưa thấm tháp gì so với nhu cầu điều trị thực tế của trẻ vào lúc cao điểm của dịch bệnh. Vậy là trong không gian ban đầu ước chừng chỉ dành cho 30 đứa bé, nơi này đã có lúc trở thành khu điều trị dã chiến cho 370 em! (cao điểm như năm ngoái lên đến 470 em!) Nguyên khu hành chính của Phòng được cải tạo thành buồng bệnh, kê thêm vài chục giường cho trẻ nằm. Bà Loan mang võng vào cho cháu ngủ cũng không biết mắc chỗ nào khi mỗi chỗ đứng ở đây cũng phải chen nhau.

Chuyện nhà bà Loan chỉ là một trong số nhiều trường hợp ông bà cha mẹ phải vất vả khăn gói cùng con cháu vào bệnh viện trong mùa dịch. Không ít gia đình vợ xin hết phép năm, tới lượt chồng hết phép vì nghỉ làm chăm con ốm.

Bác sĩ tăng ca, tăng tốc dập dịch

Có đến bệnh viện, các cơ sở y tế mới thấy hết dịch “nóng” cỡ nào. Khu khám bệnh Bệnh viện Mắt suốt nhiều tháng qua luôn trong tình trạng quá tải. Không còn ghế ngồi đợi, bệnh nhân đứng chen chúc và ngồi tràn ra sân hóng tai vào bên trong nghe loa gọi tên. Số liệu bệnh viêm kết mạc tại bệnh viện cứ tháng sau cao hơn tháng trước và gấp 2 đến 3 lần so với các tháng đầu năm. Công việc của đội ngũ y,
bác sĩ vì thế tăng thêm nhiều lần.

Ghi nhận tại Bệnh viện Mắt những ngày qua cho thấy, mỗi buổi sáng khám bệnh, cả 4 phòng khám đều hoạt động, mỗi lượt gọi tên 5 bệnh nhân, như vậy có 20 bệnh nhân được vào các phòng khám một lúc. Thế nhưng đến hơn 10 giờ sáng, bệnh nhân ngồi chờ vẫn còn la liệt. Có người nói vui trong lúc chẳng biết bao giờ mới tới lượt khám: “Thôi kiểu ni phải đợi tới khuya”.

Trong khi đó, là cơ sở đầu tàu trong tiếp nhận bệnh dịch tay chân miệng, sốt xuất huyết trẻ em, Khoa Nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi thường xuyên rơi vào tình trạng quá tải, thậm chí sau khi kê thêm hàng trăm giường sắt rồi đến hàng trăm giường xếp mà bệnh nhân vẫn thiếu chỗ nằm.

Trước tình hình trên, toàn Khoa Nhi và Sở Y tế thành phố đã phải vào cuộc hỗ trợ tổng lực từ thiết bị đến nhân lực, kể cả tăng đội ngũ bảo vệ để bảo đảm việc cứu chữa bệnh nhi và đáp ứng yêu cầu chống dịch.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng phòng Y học Nhiệt đới, Bệnh viện Phụ sản-Nhi cho biết, phòng có 6 bác sĩ, 16 điều dưỡng và 3 hộ lý. Số nhân sự này nhằm phục vụ cho 30 bệnh nhân theo kế hoạch. Khi bệnh nhân tăng gấp hơn 10 lần thì khoa Nhi phải điều thêm khoảng 3 bác sĩ nữa để bảo đảm mỗi buổi một bác sĩ không khám quá 50 em.

Bác sĩ Lê Văn Đoan, Phó khoa nhi, Bệnh viện Phụ sản-Nhi cho biết thêm, dù đã có sự tăng cường nhưng cũng khó đáp ứng nhu cầu quá cao vào những thời điểm dịch bùng phát. Có lúc bệnh đông đến mức bác sĩ đến giường bệnh khám cũng khó vì không có chỗ di chuyển. Tuy vậy, lực lượng cán bộ y tế tại đây vẫn nỗ lực hết sức để không xảy ra tình huống đáng tiếc như tử vong.

Với bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ Đoan cho biết trong vài ngày qua chỉ còn 20 em đang nằm điều trị. Số ca mắc một lúc không quá nhiều như năm trước, nhưng ca bệnh nặng và rất nặng lại nhiều hơn.

Chuyện làm quên đêm, quên ngày đã trở thành điều bình thường tại Phòng Y học Nhiệt đới trong suốt những ngày qua. Cũng trong mùa dịch năm trước, Phòng Y học Nhiệt đới có đến 2 bác sĩ được vinh danh Tỏa sáng Blouse trắng - một giải thưởng danh giá trong ngành Y tế Đà Nẵng nhằm tôn vinh những cá nhân làm trong cơ sở y tế công lập trên địa bàn thành phố. Điều này cho thấy sự ghi nhận đối với công lao của bác sĩ trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh. Tuy nhiên, ngoài giải thưởng như trên, các bác sĩ cũng mong muốn cần có quỹ khen thưởng chống dịch để khi công bố có dịch thì người tham gia được hưởng ngay, không đợi cán bộ y tế phải đi xin hoặc kiến nghị. Hiện nay, việc khích lệ tinh thần đội ngũ cán bộ tham gia phòng chống dịch bệnh chủ yếu mới dừng ở khía cạnh tinh thần là chính.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.