.

Nghĩ về nhà cách mạng Thái Phiên

.

Có thể nói, nhắc đến Thái Phiên người ta thường nghĩ ngay tới Trần Cao Vân, và ngược lại. Bão táp cách mạng đã nối kết số phận hai con người Quảng Nam yêu nước này với nhau. Dẫu không cùng sinh một ngày nhưng hai ông cùng hy sinh một buổi, trên cùng một pháp trường; và ngay khi Cách mạng Tháng Tám thành công, tên Thái Phiên được đặt cho thành phố Đà Nẵng, còn tên Trần Cao Vân được đặt cho tỉnh Quảng Nam...

Đoàn Trường Thái Phiên trong một lần viếng nhà thờ Thái Phiên, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. 					                      (Ảnh do nhà trường cung cấp)
Đoàn Trường Thái Phiên trong một lần viếng nhà thờ Thái Phiên, nay thuộc phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. (Ảnh do nhà trường cung cấp)

Tuy nhiên, cuộc đời Thái Phiên không chỉ gắn liền với Trần Cao Vân mà còn với cả Tiểu La Nguyễn Thành - người được xem là linh hồn đích thực của Duy tân hội thành lập năm 1904 tại sơn trang Nam Thạnh (là nơi ở và cũng là hiệu của Nguyễn Thành). Vai trò Nguyễn Thành trong Duy tân hội quan trọng tới mức khi ông bị đày đi Côn Đảo do liên lụy đến vụ Trung Kỳ dân biến năm 1908, mọi thư từ liên lạc của Duy tân hội trong nước và nước ngoài vẫn đề hiệu Tiểu La và Nam Thạnh như trước. Vì vậy, mất Nguyễn Thành, Phan Bội Châu với tư cách là nhà lãnh đạo công khai của Duy tân hội không thể không lo lắng: “Than ôi! Núi Hải Vân còn đó, biển Đà Nẵng còn đó, ai là người Tiểu La tiên sinh thứ hai?”.

Câu hỏi cháy lòng ấy, may thay lịch sử đã có câu trả lời đúng đắn: người Tiểu La tiên sinh thứ hai ấy không ai xứng đáng hơn là Thái Phiên.

Có thể nói Thái Phiên kế tục xuất sắc vai trò của Nguyễn Thành trong Duy tân hội: chính ông là người nhận và giải quyết mọi thư từ giao dịch của Duy tân hội sau khi Nguyễn Thành bị bắt, đến nỗi người đương thời gọi luôn Thái Phiên là ông Nam Thạnh. Nhờ biết khôn khéo náu mình dưới dáng vẻ hiền lành của một tư chức cần mẫn mà Thái Phiên có vinh dự là cái gạch nối giữa hai biến cố chính trị lớn cùng diễn ra trong khoảng thời gian chưa đầy chục năm ở Trung Kỳ nói chung, ở xứ Quảng nói riêng: Trung Kỳ dân biến 1908 và Cách mạng 1916.

Thái Phiên trong hình dung của chúng ta chắc chắn không phải là nhà khoa bảng uyên thâm Hán học dẫu ông cũng ít nhiều thành thạo chữ Nho để có đủ khả năng đọc và trả lời thư của các đồng chí Duy tân hội gửi đến luận bàn về quốc sự; càng không phải là người được đào tạo thật bài bản về Tây học dẫu ông cũng ít nhiều thành thạo chữ Pháp để có đủ khả năng vào vai một thầy ký ngày ngày cặm cụi tính mướn, viết thuê. Tuy nhiên điều đáng trân trọng là Thái Phiên đã mang hết mọi sở học của mình, dốc hết mọi kiến văn của mình, toàn tâm toàn ý phục vụ sự nghiệp cách mạng của Duy tân hội, của phong trào Đông du và sau cùng là của Hội Việt Nam Quang Phục. Mặc dầu không có được sự tỉnh táo chính trị như Trần Cao Vân - người suốt ba mươi năm trường từng dẫm lên hoạn nạn để tìm đường cứu dân cứu nước, Thái Phiên vẫn là kiến trúc sư  trưởng của cuộc Cách mạng 1916.

Khoảng năm 1913, khi Trần Cao Vân đang còn bị quản thúc ngoài Côn Đảo, Thái Phiên đã ngầm vận động đưa Phạm Hữu Khánh vào Đại nội lái xe cho vua Duy Tân nhằm sớm tiếp cận vị hoàng đế trẻ tuổi này; đồng thời khẩn trương phái người sang Hồng Kông gặp Phan Bội Châu, nhờ cụ Phan liên lạc với Trần Hữu Lực cầu ngoại viện ở Thái Lan. Ông còn giao trách nhiệm cho Lê Cảnh Vận đứng bán tại hiệu sách Trương Cao Động ở cửa Thượng Tứ để thu thập tin tức tình báo trong giới quan lại Nam triều.

Đầu năm 1914, nghe tin Trần Cao Vân mới vừa được trả tự do, Thái Phiên liền vào Quảng Nam tìm gặp và cùng nhau thống nhất kế hoạch hành động, mưu đồ đại cuộc. Mọi việc sau đó diễn ra tương đối thuận buồm xuôi gió. Từ quý 3 năm 1915, tại kinh thành Huế, Hội Việt Nam Quang Phục liên tục mở đại hội khẩn cấp để bàn chuyện khởi nghĩa vũ trang (đại hội lần thứ nhất họp vào tháng 9 năm 1915, đại hội lần thứ hai họp vào tháng 3 năm 1916 và đều do Thái Phiên chủ trì). Thái Phiên được đại hội bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, còn Trần Cao Vân là quân sư... Tất cả đã sẵn sàng xung trận theo đúng thiết kế của kiến trúc sư trưởng Thái Phiên. Thế nhưng cơ mưu bị bại lộ, và cuộc nổi dậy dưới ngọn cờ vua Duy Tân không thể và vĩnh viễn không thể thắp lên ngọn lửa báo hiệu giờ khởi nghĩa trên đèo Hải Vân như trong kịch bản.

Ngày 17 tháng 5 năm 1916, Thái Phiên và ba người đồng chí là Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề, Nguyễn Quang Siêu bị áp giải ra pháp trường An Hòa chịu hành quyết, sau khi Tòa Khâm cử nhân viên sang lao Hộ Thành chụp hình các tử tội để lưu hồ sơ. Tấm ảnh định mệnh ấy của Thái Phiên giờ ở nơi đâu, Sài Gòn hay Huế hay Hà Nội, Paris hay Tokyo hay Washington? Và trong những ngày học hành, làm việc tại Tourane - Đà Nẵng, lẽ nào một người Tây học như ông lại không hề chụp ảnh và nếu có thì hiện ai còn lưu giữ được di ảnh của ông? Liệu đây có phải là món nợ tinh thần của thế hệ chúng ta đối với Thái Phiên -  nhà cách mạng tiền bối có quá nhiều dấu ấn với thành phố này (cả thành phố từng mang tên ông; một đường phố và một trường trung học có 50 năm tuổi đang mang tên ông; và câu lạc bộ những người nghỉ hưu cũng mang tên ông...)?

Và khi nung nấu ý tưởng về pho tượng tạc dáng hình ông sẽ được đặt trang nghiêm giữa sân Trường trung học phổ thông Thái Phiên (tiền thân là Trường trung học Ngoại Ô), mấy câu hỏi nêu trên vẫn không ngừng ám ảnh nhiều người. Theo ý  riêng tôi, tôi vẫn hằng hy vọng có ngày chúng ta tìm ra đúng tấm ảnh mà thực dân Pháp chụp chính trị phạm Thái Phiên trong xà lim án chém. Đôi mắt ông vào khoảnh khắc ấy dẫu vẫn ngời lên vẻ cương nghị, tinh anh vốn có, song hẳn phải lộ chút u buồn của một người biết mình sắp mất cơ hội được đi đến cùng con đường đã chọn.

Cũng có thể chúng ta sẽ tìm ra tấm ảnh chụp ông Nam Thạnh vận âu phục -  quần tây trắng, áo sơ-mi trắng cổ cồn - đang ngồi ghi ghi chép chép trong văn phòng của viên thầu khoán Le Roy, giữa bao nhiêu là sổ sách giấy tờ bằng tiếng Pháp (và bao nhiêu là... mật thư nữa chứ). Có được tấm ảnh vô giá như vậy, các nhà điêu khắc tạc tượng ông thuận lợi biết nhường nào. Có điều trong khi chờ đợi cái ngày đáng nhớ đó, hãy nghĩ tới và chấp nhận một cách khác để tái hiện chân dung Thái Phiên, như chúng ta từng làm với tượng Nguyễn Duy Hiệu, tượng Trần Quý Cáp và tượng nhiều danh nhân khác.

Có sao đâu, tượng là nghệ thuật, mà nghệ thuật thì không cần và không nên giống hệt như nguyên mẫu.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.