.

Ân nhân của nhân loại

.

Từ ân nhân được tự điển giảng là “người làm ơn, trong quan hệ với người mang ơn”. Nhân loại, hơn một thế kỷ nay đã mang ơn hai con người vĩ đại và tri ân sâu sắc những cống hiến to lớn của họ trong việc giảm thiểu nỗi đau tật bệnh cho nhân loại.

Chân dung L.Pasteur và tượng bán thân A.Yersin ở Bảo tàng Y học Hồng Kông. (Ảnh tư liệu)
Chân dung L.Pasteur và tượng bán thân A.Yersin ở Bảo tàng Y học Hồng Kông. (Ảnh tư liệu)

Cuốn sách “Đường phố Đà Nẵng” của Thạch Phương - Phạm Ngô Minh (NXB Đà Nẵng, 2002) đã dành hơn 2 trang (từ giữa trang 17 đến hết trang 19) để nêu một số đặc trưng tiêu biểu của đường phố Đà Nẵng, trong đó, có một thông tin hết sức thú vị: đường phố duy nhất không bị đổi tên suốt hơn 100 năm qua là đường Pasteur.

Thú vị, bởi trong bảng kê theo thứ tự ABC các đường phố Đà Nẵng thời Pháp thuộc, Pasteur xếp thứ 35, Yersin xếp cuối cùng ở vị trí 45. Trên bản đồ Đà Nẵng ngày đó, hai con đường mang tên hai vị ân nhân của nhân loại này vuông góc với nhau, một cách đặt tên đường có ý tứ và rất đỗi nhân văn. Thế rồi, trải qua bao biến thiên thời cuộc, trong khi danh tính Pasteur vẫn mãi còn ghi tạc trên bảng tên đường gội phong sương tuế nguyệt thì người đồng quốc tịch với ông, Yersin, lại có một duyên phận có vẻ “long đong” hơn.

Sau năm 1955, đường Yersin được cắt làm hai: từ đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng) đến đường Pasteur lấy tên cũ Yersin; từ Pasteur đến Hùng Vương đổi thành Đông Kinh Nghĩa Thục. Bấy giờ, đó là nơi duy nhất của Đà Nẵng có đến hai đường phố cùng mang tên “Tây”.

Sau năm 1975, cả đường Yersin và đường Đông Kinh Nghĩa Thục đều được đổi thành đường Ngô Gia Tự. Mãi đến ngày 14-7-2010, tên của “người vẽ lại bản đồ y học thế giới” này mới được đặt lại cho đường phố Đà Nẵng, nhưng lần này ở phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, với con đường dài 270m, rộng 7,5m, từ đường Lê Văn Hiến đến khu dân cư đang thi công, theo Nghị quyết 97/2010/NQ-HĐND của HĐND thành phố về Đặt, đổi tên đường ở Đà Nẵng.

Theo nghị quyết nói trên, còn có thêm hai người nước ngoài nữa được đặt tên đường là Norman Morrison (một người Mỹ đã tự thiêu để ủng hộ cuộc chiến tranh chống Mỹ của Việt Nam) và Francis Henry Loseby (luật sư người Anh đã giúp Chủ tịch Hồ Chí Minh thoát khỏi nhà tù của thực dân Anh tại Hồng Kông năm 1931). Đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có tất cả 4 đường phố mang tên “Tây”.

Trở lại với hai vị ân nhân của nhân loại. Nếu Louis Pasteur (1822 - 1895) là người Pháp chính tông thì Alexandre Yersin (1863 - 1943) là người Pháp gốc Thụy Sĩ.

Louis Pasteur sinh tại thành phố Dole, tỉnh Jura ở phía Đông nước Pháp. Ông là người phát minh ra khoa vi trùng học, sự lên men, nổi tiếng về phương pháp trị bệnh cho con tằm, các bệnh truyền nhiễm, bệnh chó dại, nấm than (chanbon). Những thành tựu y học xuất sắc này đã đưa ông trở thành một nhà bác học lừng danh của nước Pháp và thế giới.

Alexandre Yersin sinh tại hạt Lavoux, Thụy Sĩ, đến năm 24 tuổi ông mới nhập quốc tịch Pháp, vốn là gốc gác tổ tiên của ông. 20 tuổi, ông miệt mài đeo đuổi việc học y khoa và là học trò xuất sắc của các nhà vi trùng học nổi tiếng như Pasteur (chế thuốc chủng ngừa chữa bệnh chó dại), Koch (chế thuốc chủng ngừa chữa bệnh lao). Ông còn cộng tác với bác sĩ Roux tìm ra thuốc chữa bệnh dịch hạch.

Nếu L.Pasteur chưa bao giờ đặt chân đến Việt Nam thì học trò xuất sắc của ông, A.Yersin, đã chọn Việt Nam làm quê hương thứ hai và là công dân danh dự của Việt Nam. Ông qua đời tại nhà riêng ở Nha Trang năm 1943, được thờ trong chùa Linh Sơn và có lẽ là ông Tây duy nhất được thờ trong chùa Việt. Trên mộ bia ông hiện ở Suối Dầu, xã Suối Cát, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, có ghi: “Phát hiện độc tố bệnh bạch hầu năm 1888. Thám sát lần đầu cao nguyên Lâm Viên năm 1893 giúp thiết lập nên thành phố nghỉ mát Đà Lạt. Tìm ra vi trùng bệnh dịch hạch năm 1894 và điều chế huyết thanh chữa trị. Sáng lập Viện Pasteur Nha Trang năm 1895”.

Với Đà Nẵng, ông có đến nơi này vào ngày 7-5-1894, sau khi thêm một lần lên thám hiểm cao nguyên Lang Bian (Đà Lạt), cao nguyên Đăk Lăk, vào Attopeu (Nam Lào), rồi đi theo hướng đông ra biển. Ông đến Đà Nẵng với mục đích thăm dò một vùng đất rộng lớn trải rộng từ vĩ tuyến 11 ở phía Nam đến vĩ tuyến 16 ở phía Bắc, và từ sông Mekong ở phía Tây đến bờ biển Việt Nam ở phía Đông.

Nếu L.Pasteur được nhân loại tôn vinh là “Người khai sáng kỷ nguyên vi trùng học” thì A.Yersin được mệnh danh là “Người vẽ lại bản đồ y học thế giới”. Khắp thế giới tri ân sâu sắc những cống hiến to lớn của hai con người vĩ đại này trong việc giảm thiểu nỗi đau tật bệnh cho nhân loại. Ngày 15-7-2009, một tượng bán thân của Yersin được dựng lên ở Bảo tàng Y học Hồng Kông ngay nơi từng bùng phát dịch hạch vào năm 1894 để tôn vinh nhà khoa học - thầy thuốc đã tìm được vi khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, từ đó mở đường cho việc trị khỏi bệnh này vào năm 1896, tránh tử vong cho hàng triệu người.

Tên đường phố cũng là một dạng địa danh, thể hiện sự trân trọng của các thế hệ hôm nay và mai sau đối với lịch sử, văn hóa của một vùng đất, một dân tộc. Trên tinh thần đó, nhiều thành phố ở Việt Nam, trong đó có Đà Nẵng, đều có những con đường được đặt tên hai vị ân nhân của nhân loại.

LÊ GIA LỘC
 

;
.
.
.
.
.