Ruột tượng

.

* Bút ký “Một thời làm báo” của nhà văn, nhà báo Hồ Duy Lệ đăng trên Báo Đà Nẵng ngày 21-6-2020 có đoạn: “Khi tôi còn mắt nhắm, mắt mở, là lúc các anh đang vội vã thu xếp đồ đoàn: muối vào lon, mắm vào lọ, gạo vào ruột nghé, mấy cái soong xâu một xâu”. Xin cho hỏi, “ruột nghé” ở đây có phải là “ruột tượng” và công dụng của nó là gì? (Bùi Thành, quận Hải Châu, Đà Nẵng)

Ngày nay, ruột tượng/ruột nghé đã “biến tấu” thành thời trang dành cho giới chơi thể thao và khách du lịch. TRONG ẢNH: Loại túi đeo chéo thể thao dành cho nam. Ảnh: phuotstore.net
Ngày nay, ruột tượng/ruột nghé đã “biến tấu” thành thời trang dành cho giới chơi thể thao và khách du lịch. TRONG ẢNH: Loại túi đeo chéo thể thao dành cho nam. Ảnh: phuotstore.net

- Ruột nghé là phương ngữ chỉ ruột tượng. Nhiều từ điển tiếng Việt giảng: “Ruột tượng (danh từ): Bao vải dài và to để đựng tiền hay gạo, đeo ở lưng hay quanh bụng”. Riêng Từ điển chuyên ngành trực tuyến tratu.soha.vn (Công ty CP Truyền thông Việt Nam) còn lý giải thêm: “Đồng nghĩa: bao tượng, ruột nghé”. Từ điển này cũng giảng: “Ruột nghé: (phương ngữ) ruột tượng”.

Ngày trước, ruột tượng/ruột nghé được dùng phổ biến trong lực lượng vũ trang do tính chất cơ động, luôn có thể mang theo bên mình. Trong truyện ngắn Rừng xà nu, nhà văn Nguyễn Trung Thành (Nguyên Ngọc) có đoạn nói về cô bé Dít chưa đầy 10 tuổi đã biết biến đau thương thành hành động, thức suốt đêm, gần đủ 30 lon gạo, đổ vào ruột nghé cho Tnú (nhân vật trung tâm của tác phẩm) mang đi.

Ruột tượng/ruột nghé còn có các tên gọi khác. Trang cá nhân của Handmade by Vichia (đơn vị chuyên cung cấp, thiết kế các phụ kiện hầu Thánh trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Hà Nội) cho biết, có một số tên gọi khác như: bao tượng, bao ngoài, ruột voi và giải thích cụ thể như sau: “Ruột tượng là một loại bao bằng vải, xưa thì may bằng sồi se, màu đen, trắng..., có tua bện hai đầu bao, khổ rộng. Khi may dùng vải chéo để co giãn khó rách và bao mới phồng lên. Dùng để đựng tiền hay gạo, đeo quanh bụng hoặc ngang lưng luồn qua lưng áo dài, bó chặt lấy các thân áo trước. Nếu là tiền thì mối thắt nằm ở sau lưng, không sợ tiền rơi hay bị kẻ cắp, còn là gạo thì mối thắt kéo ra trước bụng. Có những ruột tượng dài, người ta quấn tới 2 vòng và thắt để rủ xuống trước bụng. Ngoài ra còn đựng tiền, trầu vỏ và nhiều thứ linh tinh…”.

Trang này cũng cho biết thêm, ruột tượng là bao ngoài, còn bao trong là loại bao nhỏ, bằng 1/3 bao ngoài dùng để thắt chặt cạp váy vào eo. Thắt lưng cùng buộc múi ra phía trước để cùng với múi bao ngoài tạo thành những múi hoa nhiều màu. Thắt múi bao cũng là một nghệ thuật làm đẹp, góp phần làm nổi rõ cái lưng ong nhỏ nhắn của các cô gái thời xưa.

Ngày nay, ruột tượng/ruột nghé đã “biến tấu” thành thời trang dành cho những người chơi thể thao và khách du lịch với nhiều tên gọi như: túi bao tử, túi đeo bụng, túi đeo hông, túi ruột ngựa. Thị trường hiện có nhiều loại túi đeo hông (còn gọi là túi ruột ngựa đeo bụng) với hình dáng nhỏ gọn nhất nhưng cũng được xem là túi tiện lợi nhất khi đựng được khá nhiều đồ. Lớn hơn, có loại túi bao tử để đeo ở bụng dùng đựng đồ trong quá trình di chuyển với dung tích 5 lít nên khá rộng cho người sử dụng.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.