Khôn cho người ta rái...

.

* Câu tục ngữ “Khôn cho người ta rái, dại cho người ta thương” có tài liệu viết là “khôn cho người ta vái”. Xin cho hỏi “rái” nghĩa là gì? Giữa “rái” và “vái” thì từ nào hợp nghĩa hơn? (Hồ Ngọc Anh, quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

- Tục ngữ này được hình thành theo dạng tiểu đối (vế đối của một câu thơ, câu văn) gồm hai vế với các từ tương ứng: khôn/dại; rái/thương. Khôn đối nghĩa với dại; rái đối nghĩa với thương. Vậy, rái nghĩa là gì?
Từ điển tiếng Việt (tra trực tuyến tại informatik.uni-leipzig.de) giảng: Rái (tính từ) nghĩa là “sợ hãi: Khôn cho người ta rái, Dại cho người ta thương”. Từ điển tục ngữ Việt (Nguyễn Đức Dương, NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2010) cho biết, dạng đầy đủ của câu tục ngữ này là “khôn cho người dái, dại cho người thương, dở dở ương ương chỉ tổ người ghét”, và cắt nghĩa: “(Đã tinh khôn) hãy tinh khôn cho ai cũng phải e nể; (đã khờ dại thì) hãy khờ dại cho ai cũng phải cảm thương; chứ hành xử vừa chẳng ra dại, vừa chẳng ra khôn thì chỉ khiến cho mọi người ghét bỏ mà thôi”.

PGS.TS Phạm Văn Tình trong bài viết Chữ và nghĩa: “Khôn cho người ta...” đăng trên Báo Thể thao & Văn hóa (Thông tấn xã Việt Nam) ngày 4-9-2019 còn đưa ra một dạng viết khác của “rái” là “dái”. Từ điển Việt - Bồ - La (A. de Rhodes 1651) giải nghĩa là “sợ”; Đại Nam quấc âm tự vị (Huình Tịnh Paulus Của, 1896) giải nghĩa là “kiêng nể”; Từ điển Từ cổ (Vương Lộc, NXB Đà Nẵng, 2001) và Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên, Trung tâm Từ điển học, 2017) cho từ này là từ cũ, ít dùng và cùng giải nghĩa là “kiêng nể”.

“Dái” có nghĩa cổ còn xuất hiện trong một số tục ngữ khác nữa. Chẳng hạn: 1. “Quen dái dạ, lạ dái áo” (Với người quen biết, sống với nhau lâu thì cái mà người ta tôn trọng, kính nể chính là lòng dạ (gồm tư cách, sự hiểu biết, cách ứng xử...); còn với người lần đầu mới quen thì hình thức bề ngoài (trước hết là trang phục, quần áo, bộ dạng...) lại làm cho người ta thấy coi trọng. 2. “Yêu nhau chị em gái, dái nhau chị em dâu, đánh nhau vỡ đầu anh em rể” (chị em ruột thường thương yêu, đùm bọc nhau; chị em dâu thường hay e dè, giữ ý, không thân mật; anh em rể thường hay xích mích, va chạm, không thân thiện).

“Khôn cho người ta dái/rái, dại cho người ta thương, dở dở ương ương chỉ tổ người ta ghét”, theo PGS.TS Phạm Văn Tình, cần giải thích chính xác là: “Mỗi người ở đời, có 3 cách thể hiện tư cách (cũng như tư chất) và sẽ nhận được 3 thái độ ứng xử khác nhau của cộng đồng: 1. Nếu (thực sự) tỏ ra khôn ngoan, giỏi giang, khéo léo sẽ được người khác nể trọng; 2. Nếu tỏ ra còn non kém, dại khờ (một cách chân thành, hồn nhiên) thì sẽ được người khác thông cảm, chia sẻ, quý mến (kém cỏi, thua chị kém em đâu có sao, miễn là ta biết mình biết người); 3. Còn ai đó có biểu hiện không rõ ràng, chả ra khôn chả ra dại, tinh tướng ta đây lên mặt với đời dễ bị người khác “đọc vị” tẩy chay, không nhận được sự tôn trọng và sẽ bị phân biệt đối xử”.

Về dị bản của tục ngữ đang xét, “Khôn cho người ta vái...”, theo chúng tôi, không chuẩn cho lắm về phép đối. “Vái” được Từ điển tiếng Việt giảng là “chắp tay giơ lên hạ xuống, đồng thời cúi đầu, để tỏ sự cung kính của mình”. Với nét nghĩa này, “vái” đối không chỉnh với “thương”.

Như đã nói ở trên, các từ cổ “dái” hay “rái” xem ra không còn phù hợp với ngôn ngữ hiện đại. Nếu vẫn giữ nét nghĩa “sợ hãi”, “kiêng nể” trong câu tục ngữ này, một số tác giả đề xuất nên thêm cách dùng “Khôn cho người ta hãi” vừa bảo đảm âm vận, vừa không sai biệt lắm về nghĩa.

ĐNCT
 

;
;
.
.
.
.
.