Nhà Gươl, nhà Moong

.

* Tôi đang xem một bài báo nọ nói về học sinh Cơ tu học trực tuyến thời Covid-19 tại nhà Rông thì con tôi bảo người Cơ tu không có nhà Rông mà chỉ có nhà Gươl. Xin cho hỏi, nhà Gươl của đồng bào Cơ tu được xây dựng như thế nào và ngoài ra còn có loại nhà nào nữa? (Mỹ Quang, Hòa Vang, Đà Nẵng).
 

Ông Đinh Văn Trí là người viết Cổng nhà Gươl thôn Phú Túc có ghi chữ Cơ tu. Ảnh: V.T.L
Ông Đinh Văn Trí là người viết Cổng nhà Gươl thôn Phú Túc có ghi chữ Cơ tu. Ảnh: V.T.L

- Theo bài viết “Nhà Làng truyền thống của đồng bào dân tộc vùng cao” đăng trên trang quangnamtourism.com.vn ngày 17-11-2014, hiện có 7 dân tộc anh em cùng chung sống trong cộng đồng dân cư miền núi phía tây tỉnh Quảng Nam. Ngoài hai dân tộc Tày, Nùng (mới di cư đến Quảng Nam) và dân tộc Kinh, các dân tộc còn lại gồm: Xơ Đăng, Giẻ-Triêng, Cor, Cơ tu đều xây dựng nhà Làng nhưng được gọi với nhiều tên khác nhau.

Người Giẻ-Triêng gọi nhà Làng là “Mnao, Ưng”, người Xơ Đăng gọi là “Cượt, Rông” người Cơ tu gọi là “Gươl”.

Nhà Làng là loại hình kiến trúc dân gian có truyền thống lâu đời của đồng bào dân tộc vùng cao ở Quảng Nam, gắn liền với đời sống du canh, du cư của họ. Theo phong tục của người Xơ Đăng, Cơ tu, nếu lập làng mới, cho dù có khó khăn bao nhiêu thì trong khoảng thời gian một năm phải xây dựng được nhà Làng. Trong khi chuẩn bị đi tìm gỗ để xây dựng, cả làng phải sống kiêng cữ theo những quy định rất nghiêm ngặt. Trước khi dựng nhà, phải tổ chức lễ “chọc đất làm nhà” cầu xin Giàng (thần núi, thần sông, thần đất) cho phép.

Dù khác nhau về tên gọi và nghệ thuật trang trí, nhưng nhà Làng của các dân tộc đều có chung một lối kiến trúc cơ bản: nhà sàn, khung gỗ, mái lợp tranh tre. Tuy nhiên, nhà Rông của người Xơ Đăng thường có mái cao nhọn dựng đứng, trong khi đó nhà Gươl của người Cơ tu có mái thấp và vuông hơn.

Nhà Gươl, nhà Rông vừa là nhà sinh hoạt cộng đồng, vừa là nơi lưu giữ những đặc trưng văn hóa, kiến trúc, tổ chức các lễ hội truyền thống văn hóa… của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Nhà Gươl người Cơ tu được Đà Nẵng cuối tuần đề cập trong số báo ra ngày 28-8-2016 tại bài “Phôi phai vốn cổ”. Theo đó, ông Đinh Văn Trí được cho là người “có chữ” nhất ở thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Ngày khánh thành nhà Gươl thôn, ông phụ trách viết biểu ngữ, phía trên là Quốc ngữ, phía dưới là chữ Cơ tu. Dấu ấn để lại là tấm biển trước cổng chính tay ông viết cho thợ chạm: Gươl cr-noon Phú Túc (Gươl thôn Phú Túc).

Bên cạnh nhà Gươl truyền thống, người Cơ tu còn làm thêm một ngôi nhà nữa nằm bên cạnh hoặc phía trước để nghỉ ngơi, vui chơi, tiếp khách, ăn uống khi có dịp lễ hội và cũng là nơi gặp gỡ, hẹn hò của đôi lứa.

Theo mô tả của trang dantocmiennui.vn trong bài “Nhà Moong của người Cơ tu”, người Cơ tu có một loại nhà dành cho gia đình gọi là nhà Moong, cũng là một loại nhà Gươl với nhiều cột phụ xung quanh nhưng không có cột cái. Nhà Moong được làm từ nhiều loại vật liệu như: mây, gỗ, tre nứa, lồ ô, lá nón, lá mây...; có 1 hoặc 2 cửa nhỏ, vách bằng tấm phên lồ ô.

Nhà Moong giữ vai trò quan trọng trong  đời  sống  sinh  hoạt của  mỗi  gia  đình  và  của  cộng đồng  người  Cơ tu;  là  nơi  nghỉ ngơi, vui chơi, tiếp khách và ăn uống khi gia đình, cộng đồng có việc quan trọng…

Nhà Moong là nơi đồng bào Cơ tu tổ chức các buổi sinh hoạt gia đình, dòng tộc. Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, số lao động trưởng thành, diện tích, không gian cư trú mà mỗi gia đình xây dựng những ngôi nhà Moong khác nhau.

ĐNCT

;
;
.
.
.
.
.