Cửa sổ tri thức

Vị trí danh dự trong chiêu đãi ngoại giao

15:49, 23/02/2020 (GMT+7)

* Trong các buổi gặp gỡ, chiêu đãi mang tính ngoại giao, chủ và khách phải tuân theo những lễ nghi nào? Việc bố trí chỗ ngồi được thực hiện ra sao? (Phạm Thị Hoài, Hải Châu, Đà Nẵng).

- Bố trí chỗ ngồi thích hợp cho mỗi người theo ngôi thứ và cấp bậc là một trong những việc tế nhị nhất trong công tác lễ tân. Mục “Lễ tân ngoại giao - Sổ tay lễ tân” đăng trên trang fad.danang.gov.vn (Sở Ngoại vụ Đà Nẵng) có nội dung nói về vị trí danh dự trong chiêu đãi.

Tiệc trưa do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi Tổng thống Donald Trump và phái đoàn Mỹ ngày 27-2-2019.  Ảnh: CNN (dẫn theo giaoducthoidai.vn)
Tiệc trưa do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiêu đãi Tổng thống Donald Trump và phái đoàn Mỹ ngày 27-2-2019. Ảnh: CNN (dẫn theo giaoducthoidai.vn)

Theo đó, chiêu đãi là một hình thức hoạt động phổ biến trong giao tiếp. Hoạt động này có nhiều đối tượng thuộc nhiều thành phần, tuổi tác, địa vị xã hội, giới tính tham dự nhất; có sự đan xen giữa khách và chủ.
Trong phòng tiệc, theo tập quán chung, chỗ ngồi danh dự thường đối diện với cửa ra vào. Nếu cửa ra vào ở một bên thì vị trí danh dự là ở vị trí đối diện với các cửa sổ. Tập quán này cũng được áp dụng đối với các cuộc hội đàm. Ngay cả khi cửa ra vào ở chính giữa.

Vị trí danh dự trong bàn tiệc phụ thuộc vào việc chủ tiệc chọn loại bàn nào để chủ trì một bữa tiệc, có nhiều bàn tiệc hay chỉ một bàn tiệc, trong bữa tiệc có phu nhân hoặc phu quân chủ tiệc tham gia hay không.

Nếu buổi tiệc chỉ có nam giới tham dự, chỗ ngồi danh dự ở bên phải chủ tiệc, hoặc có thể là ở phía đối diện. Đây cũng là cách thể hiện sự quan tâm đối với khách, coi như hai người cùng chủ trì bàn tiệc.
Khi vợ chủ nhà cùng ngồi dự thì hai vợ chồng ngồi đối diện nhau, vị trí danh dự ở phía tay phải bà chủ, phu nhân khách ngồi phía bên phải ông chủ. Cách bố trí bàn tiệc kiểu này tạo ra một trung tâm nói chuyện tại giữa bàn. Cách này thường vận dụng khi chiêu đãi một số đoàn chính thức, nhưng thực khách không quá đông để có thể kê nhiều bàn.

Để tránh một số trường hợp một số khách mời không hài lòng vì phải ngồi đầu bàn, nhất là các quan khách đều có cấp bậc tương đương nhau, và ít người (khoảng 10-12 cặp vợ chồng), người ta bố trí chủ tiệc và vợ ngồi đầu hai bàn, như vậy sẽ tạo thành hai trung tâm nói chuyện. Đây là theo tập quán của người Anh và thường được giới ngoại giao áp dụng khi mời cơm tối. Trong một vài trường hợp, chủ tiệc muốn nhường chỗ cho một nhân vật mà chủ tiệc muốn đặc biệt đề cao, chủ tiệc có thể mời ông ta ngồi đối diện với vợ chủ tiệc, còn chủ tiệc sẽ ngồi bên phải người phụ nữ số 1 hoặc ngồi ở vị trí cuối cùng, sau các nhân vật có vị trí xã hội hoặc tuổi tác cao hơn.

Khi có nhiều khách, phải kê hai bàn hoặc hơn nữa thì chủ tiệc và vợ hoặc chồng chủ tiệc cùng một số khách chính chia nhau chủ trì các bàn tiệc.

Trong các buổi yến tiệc của nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu Chính phủ, với số lượng hàng chục, thậm chí hàng trăm khách tham dự, người ta thường bố trí nhiều bàn tròn, bàn hình bán nguyệt, hình chữ I, trong đó khách tham dự ngồi phía bên phải chủ nhà, phu nhân chủ nhà ngồi phía bên phải khách, phu nhân khách ngồi phía tay trái chủ nhà, cứ như vậy xen kẽ theo thứ tự giảm dần, từ phải qua trái. Nếu có biểu diễn văn nghệ, vị trí danh dự đối diện với sân khấu và để trống từ 2 đến 4 chỗ trước mặt hai nguyên thủ và hai phu nhân (nếu là bàn tròn).

ĐNCT

.