.

Infographic

.

* Gần đây trên các báo, tạp chí thường hay đăng các hình đồ họa rất dễ hiểu, dễ nắm bắt về một nội dung nào đó, gọi là Infographic. Cho tôi hỏi, Infographic nghĩa là gì? Muốn tạo nên một Infographic thì phải tiến hành các bước ra sao? (Hoàng Văn, Sơn Trà, Đà Nẵng).

Infographic trong bài “Thông xe cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày thứ Năm, 3-8-2017. (Đồ họa - Văn Quang)
Infographic trong bài “Thông xe cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn Đà Nẵng - Tam Kỳ” đăng trên Báo Đà Nẵng số ra ngày thứ Năm, 3-8-2017. (Đồ họa - Văn Quang)

- Infographic là từ ghép của từ information (thông tin) và graphic (đồ họa, hình vẽ, đồ giải). Theo Wikipedia, information graphic hoặc infographic là hình thức đồ họa trực quan sử dụng hình ảnh để trình bày thông tin, dữ liệu hoặc kiến thức thể hiện những thông tin phức tạp một cách nhanh chóng và rõ ràng.

Thay vì phải đọc một loạt những thông tin dài dòng, trải đều, không đưa ra điểm nhấn, infographic giúp cho người đọc nhanh chóng nắm bắt những ý chính của thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm qua cách trình bày khoa học, bắt mắt, dễ hiểu.

Nếu trước đây có khi phải dùng nhiều biểu đồ một lúc để mô tả một nội dung nào đó (sự phát triển về kinh tế, xã hội, chính trị…) thì nay, với infographic, các thông tin được thể hiện một cách trực quan và rõ nét qua các phần mềm chuyên dụng như Photoshop, Illustrator, After Effects…

Quy trình tạo nên một Infographic được trang tin designs.vn hướng dẫn như sau:

1. Xác định chủ đề infographic: Infographic có rất nhiều chủ đề, từ những điều rất khoa học đến những chủ đề rất bình thường.

2. Lên ý tưởng. Việc lên ý tưởng này giúp bạn có thể dễ dàng chọn lọc được từ ngữ, số liệu cũng như hình ảnh phù hợp cho infographic. Ở bước này, bạn cũng có thể phác thảo sơ bộ bố cục trước. Nếu infographic dạng video clip hoặc website thì bạn phải chuẩn bị kịch bản để không bối rối khi làm. Hãy chọn cách lên ý tưởng bằng giấy và bút để mọi việc nhanh, dễ dàng và dễ phát huy hơn!

3. Thu thập tài liệu và chọn lọc thông tin. Sau khi xác định chủ đề, bạn có thể tìm kiếm thông tin trên Internet, sách báo hoặc các nguồn khác nhau. Dựa trên ý tưởng, bố cục, bạn cần chọn những nguồn tài liệu, những từ ngữ và số liệu cần thiết. Và đừng quên, để có một Infographic thành công đó là “Less is more” (“Ít là nhiều”). Vì nếu người xem muốn đọc chữ, họ đã chọn các công cụ tìm kiếm như google và wiki thay vì infographic của bạn, họ chọn infographic của bạn vì những điều khác biệt.

4. Thực hiện infographic. “Nguyên liệu” đã có gần như đầy đủ, bạn có thể bắt tay vào “chế biến” và kèm thêm những hình ảnh minh họa phù hợp. Được ưa chuộng hơn cả là hình ảnh dạng vector hoặc icon đơn sắc giúp người xem tập trung vào thông tin hơn. Với những con số cần thể hiện biểu đồ, hãy cân nhắc xem nên sử dụng loại nào thích hợp. Màu sắc sử dụng trong infographic rất quan trọng, tùy đối tượng người xem, chủ đề mà lựa chọn màu sắc cho phù hợp.

Còn trong trường hợp làm dạng video clip, ngoài hình ảnh, bố cục, chữ, thì âm thanh và hiệu ứng cũng quan trọng không kém. Đừng quá lạm dụng những hiệu ứng kỹ thuật, chỉ sử dụng nó để phụ trợ giúp người xem nắm bắt thông tin. Đối với dạng video clip có phần lồng tiếng giải thích, bạn cần quan tâm đến chất lượng giọng, nội dung và tốc độ đọc làm sao để có thể nhiều người hiểu bạn muốn nói gì nhất.  

So với infographic dạng hình ảnh và video clip thì dạng wesbite chưa được nhiều bạn trẻ biết đến. Tuy nhiên, điểm mạnh của loại hình này chính là có thể tương tác được nhiều hơn, kết nối với các nguồn thông tin khác.

5. Quảng bá. Điểm đến cuối cùng của infographic chính là cộng đồng, bạn có thể chia sẻ lên mạng xã hội như Facebook, Twitter, Pinterest hoặc cộng đồng infographic như visual.ly, dailyinfographic.com…

ĐNCT

;
.
.
.
.
.